Dâng sao giải hạn, hiểu đúng để làm đúng?

Mỗi năm, ngay sau Tết Nguyên đán, nhất là dịp rằm tháng Giêng, nhiều người lại đổ xô đến các đền, chùa làm lễ dâng sao, giải hạn. Nhiều người bỏ số tiền không nhỏ cho việc này với mong muốn tiễn sao xấu đi, nghênh đón sao tốt để có một năm mạnh khỏe, bình an, may mắn. Thế nhưng, liệu dâng sao giải hạn có giải được hạn không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, bản thân người dâng sao giải hạn cũng còn hoài nghi.

Ngay sau Tết, tại nhiều cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn thành phố, đông đảo người dân đã tới đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn. Dâng sao giải hạn vốn trong nghi lễ của Đạo giáo nhưng đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt, xuất phát từ niềm tin rằng mỗi năm, con người có một vì sao chiếu mệnh.

Lễ dâng sao giải hạn có thật giải được hạn không?

Trong số 9 ngôi sao thì Thái Dương, Thái Âm là sao tốt, còn La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch là những sao xấu, sẽ khiến con người gặp phải chuyện không may, vận hạn như ốm đau, bệnh tật. Việc các chùa nhận tổ chức dâng sao giải hạn tạo ra sự ngộ nhận rằng đây là một nghi lễ của Phật giáo, dựa theo giáo lý của Đức Phật. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy.

Dâng sao giải hạn, hiểu đúng để làm đúng

Đại đức Thích Đạo Tâm - Chánh Thư ký Phật giáo - quận Ba Đình chia sẻ: "Trong các kinh điển của Đức Phật dạy thì không có kinh nào dạy chúng ta phải lễ dâng sao giải hạn nhưng chúng ta thấy từ đời Lý, đời Trần có tam giáo đồng nguyên, các tín ngưỡng của Trung Quốc, tín ngưỡng của dân gian đã xâm nhập vào Phật giáo. Các tổ, các sư muốn dẫn chúng sinh đến chùa, các khóa lễ hướng đến chính tín, để bớt mê tín trong cuộc sống.

Về phật giáo, chúng tôi đi tu thì được dạy phần lớn là nghiệp của mình, phải dựa trên nhân quả, nếu chúng ta làm những điều thiện, điều tốt thì tất cả những điều thiện, điều tốt sẽ đến với mình, làm sao giữ được thân, khẩu, ý được thanh tịnh. Chứ các sư cũng không dạy chúng ta bỏ ra mấy trăm nghìn, tiền triệu mà nó hết được hạn. Nếu lễ mà hết được hạn thì không cần lễ mà hết được ốm đau, bệnh tật".

Các khóa lễ hướng đến chính tín, để bớt mê tín trong cuộc sống

Ông Văn Dương, Ngũ Xã, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: " Quan điểm của tôi là ăn ở lành thì sẽ có phúc. Chứ không phải lên chùa bỏ ra ít tiền là cả năm không bị tai nạn. Con người ta không thể tránh được tai nạn đó. Nếu lên chùa để ủng hộ công đức, cho chùa khang trang lên thì tôi đồng ý nhưng Nộp tiền cho nhà chùa để tránh được hạn thì tôi không tin".

Dâng cúng sao giải hạn có cơ sở khoa học không?

Nhận thức không đầy đủ, cùng với đó là tâm lý đám đông đã đẩy một bộ phận người dân tin vào việc dâng sao giải hạn và đổ xô đến các đình, chùa vào dịp đầu năm. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, việc dâng sao hay cúng sao giải hạn hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Nhiều cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn thành phố, đông đảo người dân đã tới đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn

TS Nguyễn Viết Chức, Phó chủ nhiệm HĐTV về VH-XH, UBTƯ MTTQ VN chia sẻ: "Giữa tín ngưỡng và mê tín nó cách nhau một sợi tóc mỏng manh. Vậy con người có tín ngưỡng khác với con người mê tín dị đoan như thế nào. Con người có tín ngưỡng là biết trọng điều mình tin nhưng không tin một cách mê muội, tin vào chính bản thân mình. Mỗi con người hiểu trong tâm mình có phật, sẽ tự tu dưỡng bản thân mình, chứ không phải đi xin điều tốt lành, điều thiện. Phật đã dạy sống cho thiện tâm, và nếu tin vào điều đó thì ko nên mê muội".

Họa hay phúc trên đường đời đều do chính mình mà ra, không phải do sao nào chiếu cả. "Gieo nhân nào gặt quả đó", khi tâm ta trong sáng, bình yên, nỗ lực hết mình trong cuộc sống thì ắt sẽ nhận được những thành quả xứng đáng. Đầu xuân mới, mỗi người hãy tâm an, hướng thiện và không để rơi vào bẫy mê tín, dị đoan.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có công điện chỉ đạo, yêu cầu các bộ ngành và địa phương không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dang-sao-giai-han-hieu-dung-de-lam-dung-221476.htm