Đáng lo thay!

Lại vẫn là anh Giáo dục. Bác lại có chuyện gì bức xúc về anh Giáo dục à? Chả phải tớ bức xúc mà dư luận bức xúc. Vậy là chuyện gì bác?

- Thì đấy, chú không thấy cái nghịch lý 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 đại học đó à?

- Em thấy chứ. Dưng Quy chế của anh Giáo dục ghi điểm ưu tiên là điểm để cộng thêm khi xét tuyển. Như vậy, điểm chuẩn vào một trường chỉ tối đa ở mức 30. Khi đó, những thí sinh dưới 30 điểm dưng có điểm ưu tiên cộng thêm bằng hoặc hơn 30 điểm cũng được xem xét. Số này nếu nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, thì rõ ràng điểm chuẩn phải nâng lên hơn 30 điểm rồi.

-Đấy, rắc rối từ cái điểm ưu tiên đó. Cộng điểm ưu tiên khu vực là chính sách tốt, cần duy trì, nhưng nên giảm số điểm cộng còn một nửa để tạo sự công bằng. Hiện tại, công thức của anh Giáo dục là cộng 0,5 điểm với khu vực 2, 1 điểm với khu vực 2 nông thôn và 1,5 điểm với khu vực một. Mức cộng điểm ưu tiên không quá 3,5 điểm. Rất cần phải xem lại để tạo sự công bằng trong việc tuyển sinh.

-Bác nói cũng phải, hiện mức đọ tiếp cận giáo dục ở giữa các tỉnh đã giảm sự chênh lệch. Vì vậy, nếu vẫn giữ như mức cộng điểm hiện tại, thí sinh ở khu vực 3 hầu như không được tiếp cận những trường top đầu, có điểm chuẩn cao như công an, quân đội hay ngành Y đa khoa.

-Đúng thế. Tớ thấy nhiều ý kiến cho rằng, đang có một làn sóng : Học sinh Hà Nội về Thái Bình, Hải Phòng học Y, còn học sinh Thái Bình, Hải Phòng về Hà Nội học Y…Mà đúng thế thật, nói đâu xa, cháu ông bạn tớ, học chuyên sinh hẳn hoi nhé cũng ngậm ngùi về học Y Thái Bình đấy.

-Cái nghịch lý 30 điểm trượt nguyện vọng 1 không chỉ do điểm ưu tiên đâu bác. Em nghe nói đâu như “đề thi xét tuyển đại học năm nay thất bại hoàn toàn trong việc phân hóa thí sinh”…Chả biết có đúng không.

-Lại chả đúng à, mặt bằng điểm dâng cao do đề thi dễ. Tiêu chí phân hóa của đề thi không đạt nên điểm thi hội tụ sát nhau là nguyên nhân của “mưa” tiêu chí phụ.

-Vậy là cái nghịch lý 30 điểm trượt nguyện vọng 1 tưởng là chuyện buồn cười, vì 30 điểm là điểm tối đa rồi, lại hóa chẳng buồn cười tí nào.

-Thì không buồn cười, dưng chuyện này theo chú có buồn cười không?

-Chuyện gì nữa thế bác?

-Vẫn anh Giáo dục thôi.

-Anh này nhiều chuyện thế hả bác?

-Nhiều quá ấy chứ. Trong khi 30 điểm trượt nguyện vọng 1, thì hàng loạt trường cao đẳng sư phạm của các tỉnh, điểm chuẩn chỉ từ 9 đến 10 điểm (kể cả điểm ưu tiên), nghĩa là điểm trung bình mỗi môn có 3 điểm.

-Bác nói thế nào chứ, làm gì có chuyện đó. Sư phạm là “trồng người”, với kiến thức như thế có mà “trồng ra hàng loạt cây còi cọc” à?

-Thế tớ mới hỏi chú có đáng buồn cười không. Vậy mới có chuyện, nhiều sinh viên sư phạm không thuộc hết ký hiệu hóa học, nhầm lẫn các niên đại lịch sử và giải thích kiểu AQ về các hiện tượng tự nhiên, ví như “nước biển mặn vì có các đảo muối”…

-Thế thì buồn cười thật, chẳng có gì để ngụy biện nữa. Đầu vào của giáo viên như thế thì cái đầu ra là những em học sinh sẽ như thế nào?

-Câu hỏi của chú phải hỏi anh Giáo dục, tớ trả lời sao được. Chỉ biết là buồn…buồn cười thật.

-Giáo dục là quốc sách, hiền tài là nguyên khí quốc gia…Những cụm từ nghe đến thành quen như một chân lý, mà cứ nghịch lý thế này. Đáng lo thay!

Thiện Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dang-lo-thay-57785.html