Đặng Lê Nguyên Vũ đăng quang Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 22: Cuộc sống 3 nhà vô địch gần đây nhất hiện ra sao?

Trong 3 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia gần đây, hiện chỉ có 1 quán quân đã lên đường sang nước ngoài du học.

Ngày 2/10, Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 diễn ra với sự tranh tài kịch tính. Sau các màn thi gay cấn Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc, Về đích, Đặng Lê Nguyên Vũ (đến từ trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình) đã giành ngôi vô địch với phần thưởng 40.000 USD và vòng nguyệt quế mạ vàng 24K.

Nam sinh Đặng Lê Nguyên Vũ là thí sinh duy nhất trong trận chung kết không học trường chuyên. Ảnh: BTC

Đăng quang trước Đặng Lê Nguyên Vũ là Trần Thế Trung - THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An vô địch lần thứ 19; Nguyễn Thị Thu Hằng - THPT Kim Sơn A, Ninh Bình vô địch lần thứ 20 và Nguyễn Hoàng Khánh - THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh, vô địch lần thứ 21 vào năm 2021.

Trần Thế Trung - THPT Chuyên Phan Bội Châu

Thế Trung thời điểm đăng quang Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 19

Trần Thế Trung (THPT chuyên Phan Bội Châu) là học sinh đầu tiên của tỉnh Nghệ An vô địch Đường lên đỉnh Olympia. Gần một năm sau đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, chàng trai đạt điểm cao với Lịch sử 9, Địa lý và GDCD đều trên 9. Riêng bài thi Ngoại ngữ (Tiếng Anh), cậu được miễn do có chứng chỉ IELTS 8.0.

Năm 2020, sau khi tốt nghiệp THPT, Thế Trung không sang Úc du học như dự tính ban đầu do dịch COVID-19 bùng phát. Trung có khoảng 3 tháng học online theo chương trình học của trường Swinburne (Úc). Tuy nhiên, cảm thấy bản thân không phù hợp, nam sinh quyết định dừng lại.

"Em đắn đo một thời gian trước khi đưa ra quyết định này, may mắn em nhận được ủng hộ từ gia đình cũng như bạn bè. Vậy là lời hứa trở về Việt Nam sau khi du học không thể thực hiện được nữa", Thế Trung nói.

Trần Thế Trung đang theo học tại Đại học RMIT Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Hiện Thế Trung say mê với ngành học thiết kế tại RMIT Việt Nam. Em tự nhận là người không có năng khiếu về nghệ thuật nhưng luôn nỗ lực làm tốt công việc của mình để mang lại thiết kế đẹp mắt cho mọi người. "Chắc chắn dù sau này có làm ngành nghề nào đi chăng nữa, em cũng sẽ không bỏ 'món' thiết kế đâu", Thế Trung nói.

Ngoài học tập trên trường, Trung còn dành nhiều thời gian cho việc tập luyện thể thao, hoàn thành công việc của một quản trị viên kiêm thiết kế cho CLB Shogi Việt Nam. Đặc biệt, Thế Trung dành nhiều tâm huyết cho công việc trọng tài thuộc Tổ trọng tài Hội bóng rổ không chuyên Hà Nội, cũng như tham gia dự án Hoàng Thành Basketball Agency.

Thế Trung chơi bóng rổ khi là học sinh lớp 7 và bén duyên với bộ môn thể thao này cho đến tận bây giờ. Em cũng hứng thú với công việc trọng tài và tìm hiểu luật bóng rổ quốc tế. Thế Trung từng dịch lại Luật Thi đấu bóng rổ 3x3 do Liên đoàn Bóng rổ Thế giới FIBA công bố. Em cũng biên dịch Luật Bóng rổ chính thức của FIBA, do nhận thấy bản dịch do VBF (Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam) sử dụng vẫn còn một số điều thiết sót.

Thay vì đi du học Úc, Thế Trung lựa chọn học đại học tại Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Kể từ thời điểm đăng quang trong chung kết Olympia vào năm 2019, Thế Trung trải nghiệm cuộc sống ở vị trí khá đặc biệt - được nhiều người biết đến. Đây cũng là cơ hội giúp em thay đổi về suy nghĩ, cách nhìn thế giới sau khi được gặp gỡ và làm quen với nhiều người. Trung trở nên cởi mở, dễ chấp nhận hơn và không còn cố làm hài lòng tất cả mọi người -như điều em từng làm nhiều năm về trước.

"Khi đã ở vị trí đó, chắc chắn cuộc sống sẽ có những khó khăn và thú vị nhất định. Trải qua nhiều chuyện, bây giờ những gì em có thể làm là ngẩng cao đầu bước tiếp, bước đi tìm kiếm bản ngã và những gì thuộc về mình", Thế Trung nói.

Thế Trung mong muốn, Olympia - sân chơi của các bạn học sinh THPT sẽ được duy trì, ủng hộ và đầu tư hơn nữa về chất lượng cũng như thời gian, công sức, để Olympia có thể tồn tại như một biểu tượng vĩnh cửu của tri thức học sinh Việt Nam.

Thế Trung hài lòng với cuộc sống và không nuối tiếc với quyết định cách đây 2 năm. Em cũng hy vọng mọi người luôn tôn trọng quyết định này và lựa chọn của các quán quân Olympia khác. "Việc đi Úc hay ở lại Việt Nam là quyết định của mỗi người và em hy vọng sẽ nhận được sự tôn trọng", Thế Trung nói.

Về dự định trong tương lai, Thế Trung muốn được làm những công việc yêu thích - thiết kế đồ họa, chơi shogi, viết thư pháp và làm trọng tài bóng rổ.

Nguyễn Thị Thu Hằng - THPT Kim Sơn A, Ninh Bình

Vào tháng 3/2022, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 chính thức bắt đầu hành trình đi du học Australia với suất học bổng trị giá 40.000 USD.

Quán quân O20 có khoảng thời gian theo học ngành Kinh doanh tại Đại học Swinburne Việt Nam. Trên trang cá nhân, Thu Hằng thường xuyên chia sẻ về cuộc sống ở xứ sở chuột túi, đặc biệt là gặp gỡ các nhà vô địch năm trước đó như Hồ Đắc Thanh Chương (năm 16) và Nguyễn Hoàng Cường (năm 18). Cô gái 19 tuổi cũng tham gia Hội Sinh viên Việt Nam tại Swinburne (VISS).

Trước nhiều câu hỏi: "Sau khi học xong, Hằng sẽ về nước hay làm việc ở nước ngoài", quán quân Đường lên đỉnh Olympia khẳng định rằng dù có làm việc ở đâu thì cũng không làm giảm đi tinh thần muốn cống hiến cho đất nước. Hiện tại, Hằng đang bắt đầu thích nghi với môi trường, bạn bè, thầy cô mới và đặt mục tiêu phấn đấu trở thành "công dân toàn cầu".

Trước đó, Thu Hằng vượt qua 3 chàng trai, với tổng điểm đạt được là 235 điểm, Nguyễn Thị Thu Hằng không chỉ trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 2020 mà còn là học sinh đầu tiên mang vòng nguyệt quế về tỉnh Ninh Bình. Sau đó, Thu Hằng đã có một khoảng thời gian ngắn theo học ngành Kinh doanh tại Swinburne Việt Nam.

Nguyễn Hoàng Khánh - THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh

Với chiến thắng tại Olympia 2021, Nguyễn Hoàng Khánh là học sinh đầu tiên của trường THPT Bạch Đằng và thứ 3 của tỉnh Quảng Ninh vô địch Olympia. Cậu cũng có thành tích cao thứ 3 (315 điểm) trong số 21 quán quân tính đến hiện tại. Chia sẻ ngay sau trận chung kết, Hoàng Khánh cho biết cậu chưa có hứng thú với việc du học. Ước mơ của chàng trai là trở thành doanh nhân.

Nguyễn Hoàng Khánh có sự lột xác về ngoại hình.

Tháng 7 vừa qua, Hoàng Khánh hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cậu cho biết sẽ cân nhắc việc học ở Việt Nam hay nước ngoài. Quán quân O21 tiết lộ sẽ lựa chọn ngành học liên quan đến lĩnh vực kinh tế mình yêu thích. Thỉnh thoảng, Hoàng Khánh cũng đăng video vui vẻ và hài hước lên các tài khoản mạng xã hội, thu về lượt tương tác khá cao.

Danh sách các nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia:

1. Trần Ngọc Minh - THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long.

2. Phan Mạnh Tân - THPT Năng khiếu Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.

3. Lương Phương Thảo - THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long.

4. Võ Văn Dũng - THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng.

5. Đỗ Lâm Hoàng - THPT Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Lê Vũ Hoàng - THPT Số 1 Bố Trạch, Quảng Bình.

7. Lê Viết Hà - THPT Chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi.

8. Huỳnh Anh Vũ - THPT Tăng Bạt Hổ, Bình Định.

9. Hồ Ngọc Hân - THPT Chuyên Quốc Học - Huế, Thừa Thiên Huế.

10. Phan Minh Đức - THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội.

11. Phạm Thị Ngọc Oanh - THPT Tiên Lãng, Hải Phòng.

12. Đặng Thái Hoàng - THPT Hòn Gai, Quảng Ninh.

13. Hoàng Thế Anh - THPT Chuyên Bắc Giang, Bắc Giang.

14. Nguyễn Trọng Nhân - THPT Chuyên Tiền Giang, Tiền Giang.

15. Văn Viết Đức - THPT Thị xã Quảng Trị, Quảng Trị.

16. Hồ Đắc Thanh Chương - THPT Chuyên Quốc Học - Huế, Thừa Thiên Huế.

17. Phan Đăng Nhật Minh - THPT Hải Lăng, Quảng Trị

18. Nguyễn Hoàng Cường - THPT Hòn Gai, Quảng Ninh.

19. Trần Thế Trung - THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An.

20. Nguyễn Thị Thu Hằng - THPT Kim Sơn A, Ninh Bình.

21. Nguyễn Hoàng Khánh - THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh.

22. Đặng Lê Nguyên Vũ - THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình.

Dạy trẻ sống có mục tiêu sẽ khiến con dễ thành công hơn trong tương lai

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/dang-le-nguyen-vu-dang-quang-duong-len-dinh-olympia-lan-thu-22-cuoc-song-3-nha-vo-dich-gan-day-nhat-hien-ra-sao-172221003065811297.htm