Dâng hương tưởng niệm 80 năm ngày đồng chí Tô Hiệu hy sinh

Ngày 7/3, tại Di tích quốc gia Khu lưu niệm Tô Hiệu, thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên), diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm 80 năm ngày hy sinh của đồng chí Tô Hiệu (7/3/1944 – 7/3/2024), lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm 80 năm ngày hy sinh của đồng chí Tô Hiệu (Ảnh: Lê Hiếu).

Dự lễ dâng hương có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng lãnh đạo tỉnh Sơn La, TP Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã dành phút tưởng niệm, dâng hương bày tỏ lòng thành kính, biết ơn công lao to lớn của đồng chí Tô Hiệu, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tô Hiệu, Bí thư Huyện ủy Văn Giang Lê Văn Hưng nêu rõ: Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang). Đồng chí tham gia cách mạng từ khi còn nhỏ tuổi. Năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Mãn hạn tù, đồng chí bị thực dân Pháp quản thúc tại làng Xuân Cầu.

Đồng chí tham gia lãnh đạo phong trào mặt trận Đông Dương, được bầu làm Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ. Năm 1936 -1937, đồng chí tham gia chỉ đạo phong trào ở Hà Nội và một số tỉnh; năm 1938 - 1939 được điều về đặc trách Bí thư liên khu B gồm các tỉnh duyên hải Bắc Bộ, Hải Dương và Hưng Yên kiêm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Cuối năm 1939, đồng chí lại bị địch bắt, đày lên Sơn La. Trước sự tra tấn dã man của địch, mặc dù bị lao phổi nặng nhưng với cương vị là Bí thư Chi bộ Nhà tù Sơn La, đồng chí Tô Hiệu hăng hái tham gia lãnh đạo anh em trong tù đấu tranh, giữ vững khí tiết cách mạng, đồng thời biến nhà tù thành trường học, đào tạo được nhiều cán bộ cốt cán cho Đảng, cho cách mạng.

Ngày 7/3/1944, đồng chí hy sinh khi mới 32 tuổi. 80 năm trôi qua kể từ ngày đồng chí Tô Hiệu hy sinh nhưng tên tuổi, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí mãi ghi vào trang sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Khu lưu niệm Tô Hiệu không chỉ là địa chỉ lịch sử, văn hóa đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nhân dân và du khách thập phương về tham quan, tưởng nhớ, mà đã trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Phát biểu tại buổi lễ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Đồng chí Tô Hiệu là người yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Dù trong thời gian dài bị giam cầm, tra tấn, hành hạ trong những nhà tù khét tiếng tàn bạo, như “địa ngục trần gian” ở Côn Đảo, Sơn La, đồng chí vẫn giữ vững bản lĩnh kiên cường, tinh thần lạc quan cách mạng, vững tin vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc.

Cuộc đời, phẩm chất cách mạng cao đẹp của đồng chí Tô Hiệu mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Tòng Thị Phóng mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các tỉnh Hưng Yên, Sơn La và TP Hải Phòng noi gương “Tinh thần Tô Hiệu” và các bậc tiền bối cách mạng, một lòng đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đức Dương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dang-huong-tuong-niem-80-nam-ngay-dong-chi-to-hieu-hy-sinh-post505793.html