Đắng chát những đồi cao su không mủ

Cây cao su được xem như vị cứu tinh trong xóa đói giảm nghèo, là "vàng trắng” giúp người dân có niềm tin làm giàu trên những vùng đất cằn cỗi, nay niềm tin ấy lại trở thành gánh nặng, là nước mắt rơi trên những đồi cao su…không mủ! Đốn hạ, chặt bỏ ở nhiều huyện vùng miền núi Ngọc Lặc, Thọ Xuân…tỉnh Thanh Hóa.

Ông Lê Hồng Sơn bên đồi cao su đốn hạ ngổn ngang

"Vàng trắng” một thuở

Chúng tôi đến là xã nghèo Xuân Châu (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), tìm tới gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc (34 tuổi), một trong những hộ có diện tích cao su lớn của xã. Đúng lúc chị chuẩn bị lên đồi, chị nói: "Các anh có cùng đi cho vui, đồi không cao lắm!” – chị Ngọc mời. Theo chân chị không lâu, chúng tôi đã có mặt trên đồi cao su rậm rì gần 3ha của gia đình, như chị cho biết, mặc dù cây cao su không cho mủ đồng đều từ mấy năm về trước, nhưng những năm đầu thu hoạch sản lượng mủ cao su còn có, giá thành lên tới 78 - thậm chí 80 nghìn đồng/1kg mủ khô, thu nhập mỗi tháng cũng ngót trên dưới 3 triệu đồng, lo cho con cái ăn học, mỗi tháng chị còn dụm dành được chút ít bỏ ra. Thời điểm những năm đó, không chỉ gia đình chị Ngọc thoát được cái danh hộ nghèo, mà hầu như tất cả bà con nhân dân trong xã có diện tích cao su đều khá lên về kinh tế trông thấy. "Nói không quá, thời điểm đó cây cao su được bà con chúng tôi ví như "vàng trắng” của người dân, ai cũng hăm hở thầu trồng, nhiều gia đình còn sẵn sàng vay vốn trả lãi để mua lại diện tích cao su của các hộ khác với giá cao”, chị Ngọc nhớ lại.

Quả thực, trước những năm 90, trên dải miền tây xứ Thanh nghèo khó, đồi trống đất trơ, người dân chỉ biết trông ngóng tận thu từ những thứ có sẵn của đồi của núi, nhưng từ những năm 90 trở lại đây, nhờ nhận thức được giá trị của cây cao su đem lại, chính quyền từ địa phương cho tới cấp tỉnh đều xác định cây cao su là một trong những cây kinh tế chủ lực, định hướng lâu dài trong xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng cao khó khăn. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa luôn khuyến khích vận động bà con, thậm chí giao, khoán chỉ tiêu trồng mới cho các huyện, qua các chương trình dự án 327, khoán lâu dài 50 năm, khoán 30 năm, khoán 135,... Tính đến năm hết năm 2013, theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, diện tích cao su đã lên tới 18.106,90 ha, và phấn đấu tới năm 2015 sẽ đạt con số mốc 20 nghìn ha.

Không mủ, giá bèo…chặt bỏ!

Trở lại câu chuyện cùng chị Ngọc, chị cho biết, hai ba năm trở lại đây cây cao su bỗng dưng tuột dốc không phanh, giá mủ cao su thời điểm hiện tại mà gia đình chị nhập cho công ty Sông Âm là 35 nghìn đồng/1 kg mủ khô (tức giảm hơn một nửa so với trước) - chị Ngọc thở dài rồi nói tiếp: trượt giá đã đành, nhưng nỗi đau lớn nhất là diện tích cao su không cho mủ, hoặc có như không. Nói rồi chị đứng dậy dẫn chúng tôi tới một cây cao su được cạo từ tối qua nhưng lượng mủ cao su chỉ là một vài giọt đã ken lại. Chưa hết, chị chỉ tay, hướng chúng tôi về khu đồi bên cạnh là những khoảng trống bị chặt bỏ do sản lượng mủ thấp, những gốc cao su được bốc chốc ngổn ngang sen lẫn những diện tích được đào hốc, cắm tiêu. Chị Ngọc dưng dưng nước mắt rồi cho biết: "Vẫn phải làm thôi chú à, trong khi chồng thì bị thần kinh 7- 8 năm nay, con cái còn đi học, cứ đà này thì nguy mất”, chị Ngọc thở dài.

Không thuộc diện khó khăn về kinh tế như chị Ngọc, gia đình ông Nguyễn Văn Ba (58 tuổi) xã Xuân Châu thì lại hoang mang trước việc chặt bỏ để trồng mới hay cố gắng giữ lại để tận thu với diện tích 1,6 ha. Ông cho biết, ngày trước cây cao su như là vị cứu tinh cho bà con thoát nghèo, nhưng 2-3 năm trở lại đây, cây cao su không còn được như trước, giá thấp, cây cho sản lượng mủ lèo tèo, với người dân nay cây cao su lại trở thành gánh nặng. Với hơn 1ha cao su hiện có, gia đình ông không biết phải xử lý thế nào! Chặt bỏ theo những hộ dân khác thì ắt hẳn sẽ gặp khó khăn bởi đó là nguồn thu chính của gia đình, trong khi khoản đầu tư cũ còn đó, lại gánh thêm một khoản đầu tư mới, và liệu sau 8 năm sau thì kịch bản thất thu có lặp lại.

Tại xã Quảng Phú (huyện Thọ Xuân) với tổng diện tích 142 ha cao su đang cho thu hoạch (chủ yếu là cao su tiểu điền) người dân cũng trong hoàn cảnh chua chát. Tuy nhiên người dân nơi đây vẫn nuôi hy vọng, rằng năm nay không cạo sang năm cao su sẽ cho mủ nhiều hơn. Trong khi đó, có mặt tại xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, trên những thảng đồi nằm ngay trên tuyến quốc lộ, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh tượng bà con rớt nước mắt chặt bỏ những diện tích cao su không mủ đang được chất đống ngổn ngang.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong các cuộc tiếp xúc với người trồng cao su tại hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, người dân đều cho rằng cây cao su thất thu thì cả công ty và người công nhân, người nông dân đều thiệt hại. Tuy nhiên, hệ quả này trách nhiệm thuộc về ai? Gia đình ông Lê Hồng Sơn (thôn 10, xã Minh Tiến, Ngọc lặc) cho biết, hiện gia đình đã cắt bỏ 1,3 ha để trồng mới cao su từ năm 2011; gia đình bà Phùng Thị Hoa (sinh năm 1964, cùng thôn) cũng vừa cắt bỏ 1 ha cao su không cho mủ để tiến hành trồng mới…song không chỉ gia đình ông Hồng, bà Hoa mà hầu hết bà con không khỏi hoang mang khi khoản đầu tư cũ vẫn còn ở đó, chặng đường phía trước với khoản đầu tư mới liệu rồi sẽ thế nào?

Trước sự băn khoăn của người dân, chúng tôi tìm tới Công ty TNHH MTV sông Âm, ông Đinh Văn Minh, giám đốc công ty lý giải: Sở dĩ cao su thời điểm đó cho lượng mủ thấp, nhiều khả năng do chất lượng giống không đảm bảo, yêu cầu quy trình kỹ thuật chăm sóc không được chú trọng, đồng thời mục tiêu trồng cây cao su khi ấy chủ yếu mang tính chất phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng cao su không phải xuất phát từ mục đích kinh tế…Theo nguyện vọng của bà con thì phía công ty có trên dưới 15 ha/220 ha cao su thu hoạch sẽ được cắt bỏ trồng lại, công ty sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho bà con sát cánh cùng cây cao su. Đồng quan điểm về những nguyên nhân dẫn tới cây cao su cho sản lượng mủ thấp, phía công ty Lam Sơn mà cụ thể là ông Nguyễn Xuân Thành, giám đốc công ty cho biết, sẽ khoanh nợ đầu tư cũ cho bà con nhân dân mà không tính lãi, đồng thời đảm bảo trách nhiệm trước bà con về tương lai của hơn 40 ha/500 ha được cắt bỏ trồng lại, nếu kịch bản thất thu lại một lần nữa lặp lại. Qua trao đổi, phía hai công ty đều xác định rõ nguyên nhân dẫn tới cây cao su cho lượng mủ ít, nhưng khi chúng tôi hỏi trách nhiệm đó thuộc về ai? Thì câu trả lời mà chúng tôi nhận được là sự vòng vo, đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan thời điểm đó. Trong khi thực tế người dân cho biết, bấy giờ họ vẫn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, vẫn được cán bộ kỹ thuật tiến hành cắt ghép, có sự hướng dẫn quy trình…

Địa chỉ cuối cùng chúng tôi tìm tới là Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa. Qua trao đổi, ông Mai Bá Luyến, Phó giám đốc sở tỏ ra bất ngờ trước những thông tin chúng tôi phản ánh và cho biết chưa thấy các huyện báo lên. Trong khi đó, ông Đỗ Văn Ký – Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN&PTNN Thanh Hóa thì lạc quan cho rằng cây cao su vẫn là cây trồng chính và đang được tỉnh khuyến khích đầu tư mở rộng diện tích. Còn diện tích bị cắt bỏ là do thời điểm đó cao su được trồng theo chương trình 327, phủ xanh đất trống đồi núi trọc nên chưa chú trọng công tác kiểm định chất lượng giống, chưa chú trọng lợi ích kinh tế của cây cao su…nên phương án cắt bỏ trồng mới là giải pháp tối ưu. Còn chuyện thu khoán thế nào thì đã có quy định chung, trách nhiệm thuộc về ai? Thì ông cũng biện giải từ các nguyên nhân khách quan khi đó.

Trước thực tại người dân đang điêu đứng trước giá mủ cao su tuột dốc, trước diện tích lớn cao su không cho mủ phải chặt bỏ; câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai của người dân vẫn còn đó! Những khoản nợ cũ của bà con cũng vẫn còn đó!…

Đình Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=75183&menu=1372&style=1