Dân số 'vàng' - cơ hội và thách thức

'Việt Nam cần chuyển trọng tâm chính sách dân số (DS) từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số,...

Gs.Ts Nguyễn Đình Cử mong muôn sớm có Nghị quyết về chính sách dân số mới mà trọng tâm xoay quanh mối quan hệ mật thiết giữa dân số và phát triển.

Sự biến đổi cơ cấu dân số diễn ra dữ dội và phức tạp

Gs.Ts Nguyễn Đình Cử cho rằng, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn cơ hội dân số "vàng" với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Theo tính toán, thời kỳ dư lợi dân số này sẽ kéo dài khoảng 34 năm. Song thách thức đặt ra là chúng ta cũng đồng thời bước vào giai đoạn già hóa dân số, đòi hỏi cần có những chính sách phù hợp để tận dụng các cơ hội dân số cho tăng trưởng kinh tế. "Hiện nay, số người trong độ tuổi lao động của Việt Nam (từ 15 - 65) đạt tới 69% dân số. Tuy nhiên, lợi thế này đang gặp phải một số thách thức khi phải giải quyết công ăn việc làm để tận dụng cho được lực lượng "vàng" này. Bên cạnh đó, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ tiếp tục tăng không ngừng trong giai đoạn 2010 - 2029, đạt cực đại là 25,67 triệu người, đưa đến những thách thức về việc đảm bảo đầy đủ các phương tiện và dịch vụ tránh thai, nhằm đảm bảo duy trì được mức sinh hợp lý", Gs Cử nói.

Cũng theo Gs.Ts Nguyễn Đình Cử, chất lượng dân số của nước ta đã được nâng lên, song chưa vững chắc, chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) vẫn ở bậc trung bình. Năm 2014 chỉ số này là 0,666, đứng thứ 116/188 quốc gia. Ngoài ra, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã đến mức nghiêm trọng với 112,8 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng trên được xác định do lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính như áp dụng ngay từ lúc có thai... Dự báo trong tương lai, Việt Nam sẽ xảy ra tình trạng thiếu phụ nữ và dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn. Điều này có thể sẽ dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ không có khả năng kết hôn. Đặc biệt, biến đổi mạnh cơ cấu dân số theo tuổi khi dân số "vàng" đang giảm và dân số già Việt Nam đang tăng. Cụ thể, theo số liệu năm 2015, tỷ lệ dân số từ 0-14 tuổi giảm 0,5% so với năm 2009 khi ở mức 24%; độ tuổi từ 15-64 giảm 1%, còn 68,4% so với năm 2009; và dân số ở độ tuổi 65 trở lên tăng 0,5% ở mức 7,6% so với năm 2009. Bên cạnh đó là sự khác biệt lớn về mức sinh giữa các tỉnh, các vùng miền trong cả nước. Đối với một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên mức sinh còn cao, cần giảm và sớm đạt mức sinh thay thế, để từ đó có điều kiện nâng cao chất lượng dân số. Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh đã xuống khá thấp. Đặc biệt TPHCM, trung bình mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1,45 con, nếu giảm nữa sẽ khó đạt được mức sinh thay thế. Đây là điều rất đáng báo động, nhiều người ở TPHCM chỉ sinh một con, trong khi tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh đang có xu hướng tăng.

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, di cư diễn ra ngày càng sôi động, dân số đang tích tụ nhanh vào một số thành phố và khu vực, vừa tạo động lực phát triển, đồng thời cũng gây ra nhiều thách thức. Vấn đề điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý và chính sách đối với người di cư cũng trở nên cấp bách. Những vấn đề dân số nói trên đang và sẽ mang lại không những cơ hội mà cả thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước. "Sự biến đổi cơ cấu dân số một cách dữ dội và phức tạp trên, nếu biết tận dụng sẽ đem lại những cơ hội tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, sự phát triển đó là nền tảng tốt cho thời kỳ hậu dân số "vàng". Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đứng trước những nghịch lý của thời kỳ "vàng" này, đòi hỏi những giải pháp hợp lý để giải quyết", Gs.Ts Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn cơ hội dân số vàngvới lực lượng lao động trẻ dồi dào.

Cần sớm có Nghị quyết về chính sách dân số mới

Gs.Ts Nguyễn Đình Cử cho rằng, thời điểm này là lúc Việt Nam cần chuyển hướng chính sách dân số, gắn công tác này với tất cả các hoạt động khác, nhằm tận dụng thành công những biến đổi trong dân số cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự bền vững của đất nước. Theo GS Cự, từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã chuyển hướng chính sách từ "kiểm soát quy mô dân số" sang "nâng cao chất lượng dân số". Nội dung chính sách về quy mô dân số chuyển từ "chủ động kiểm soát" sang "chủ động điều chỉnh", tốc độ tăng dân số từ "cản trở" đã trở thành "động lực" cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách dân số bao gồm cả "cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phát huy lợi thế của cơ cấu "dân số vàng", thích ứng với "giai đoạn già hóa dân số" và "kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh". "Việc chuyển đổi trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển là cuộc cách mạng trong chính sách dân số. Chính vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân tiếp nhận, hiểu rõ, ủng hộ và thực hiện hiệu quả chủ trương này", GS Cử khẳng định.

Để thực hiện chính sách dân số mới với mục tiêu mới, nội dung mới trọng tâm là dân số và phát triển, theo GS Cử, cần có một bộ máy tổ chức thích hợp, với chức năng, nhiệm vụ mới. Điều này không chỉ liên quan đến hệ thống bộ máy tổ chức DS-KHHGĐ hiện nay mà cả những cơ quan, đơn vị hiện có, đang có chức năng, nhiệm vụ điều phối một nội dung, thành phần nào đó của mối quan hệ dân số và phát triển. Vì vậy, theo GS Cự, ngay từ bây giờ các nhà quản lý và các nhà khoa học phải tư duy nghiên cứu về vấn đề này. "Tôi cũng rất mong chúng ta sớm có Nghị quyết về chính sách dân số mới mà trọng tâm xoay quanh mối quan hệ mật thiết giữa dân số và phát triển, soi sáng phương hướng giải quyết các vấn đề về dân số có lợi nhất cho sự phát triển bền vững của đất nước".

Trí Dũng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_158541_dan-so-va-ng-co-ho-i-va-tha-ch-thu-c.aspx