Đạn SM-3 Mỹ đánh chặn tên lửa Iran ngoài khí quyển trị giá tới 36 triệu USD/quả

Chiến hạm Mỹ phóng loạt đạn SM-3 trị giá 36 triệu USD mỗi quả để chặn tên lửa đạn đạo Iran ngoài bầu khí quyển, đánh dấu lần đầu loại vũ khí này thực chiến.

Hai quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên hôm 15/4 tiết lộ tàu khu trục USS Arleigh Burke và USS Carney đã phóng tổng cộng 4-7 quả đạn đánh chặn SM-3 để vô hiệu hóa loạt tên lửa đạn đạo Iran đang bay tới Israel vào đêm 13/4.

Các quan chức Mỹ không tiết lộ phiên bản SM-3 trên hai tàu chiến và loại vũ khí được Iran sử dụng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định việc tàu chiến Mỹ phải khai hỏa SM-3 cho thấy Tehran đã sử dụng những tên lửa đạn đạo tầm trung với khả năng bay xa tới 2.900 km.

RIM-161 Standard Missile 3 (hay còn được biết đến với định danh SM-3) là hệ thống tên lửa đánh chặn trên hạm được sử dụng trên các tàu chiến của Hải quân Mỹ.

Nhiệm vụ chính của SM-3 là đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ngay trên biển.

Tuy nhiên điều khiến SM-3 trở nên nổi bật vẫn là khả năng đánh hạ vệ tinh của nó, ngay cả khi chúng đang hoạt động trên quỹ đạo.

SM-3 là một trong số ít vũ khí đánh chặn ngoài khí quyển có nhiệm vụ diệt tên lửa đạn đạo đối phương trong pha giữa, khi mục tiêu bay hành trình trên không gian.

Khi đạt độ cao phù hợp, SM-3 sẽ phóng ra "phương tiện tiêu diệt" sử dụng lực đâm va để hạ mục tiêu, thay vì mang đầu nổ phá mảnh như tên lửa đánh chặn thông thường.

Phiên bản SM-3 Block IIA mới nhất được thiết kế để đối phó tên lửa đạn đạo tầm trung, lấp khoảng trống giữa các tổ hợp phòng thủ tên lửa pha cuối như Patriot và THAAD.

Tên lửa SM-3 có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách tối đa 1.200 km và độ cao 100 km.

Tài liệu ngân sách của hải quân Mỹ năm 2021 cho thấy mỗi quả đạn SM-3 Block IB có giá ước tính gần 12 triệu USD.

Trong khi biến thể Block IIA hiện đại nhất có giá lên tới hơn 36 triệu USD, chưa tính chi phí bảo dưỡng và nâng cấp.

Tên lửa SM-3 có chiều dài 6,5 mét, đường kính 34,3 cm và 53,3 cm cho 2 phiên bản Block I và Block II, trọng lượng từ 1,5-1,7 tấn tùy theo phiên bản.

Tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn nặng 500 kg hỗ trợ đánh chặn nhiều loại mục tiêu khác nhau.

Tốc độ tối đa của loại tên lửa này có thể đạt tới 3 km/giây đối với phiên bản SM-3 Block I và lên tới 4,5 km/giây đối với phiên bản SM-3 Block IIA.

Hiên bản SM-3 Block IIA mới nhất được thiết kế để đối phó tên lửa đạn đạo tầm trung, lấp khoảng trống giữa các tổ hợp phòng thủ tên lửa pha cuối như Patriot và THAAD.

Tên lửa SM-3 Block IIA có kích cỡ, độ chính xác và tầm bắn lớn hơn các phiên bản trước.

Các chiến hạm mang tên lửa SM-3 Block IIA có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sau khi nó rời bệ phóng hoặc trước giai đoạn hồi quyển.

Dòng tên lửa SM-3 được Mỹ triển khai trên tàu chiến từ năm 2004, nhưng chỉ khai hỏa trong diễn tập và chưa từng chặn mục tiêu trong thực tế trước khi tham gia trận đánh đêm 13/4.

Hiện dòng tên lửa SM-3 Block IIA đang được sản xuất cả ở Mỹ và Nhật Bản.

Hải quân Mỹ tuần trước điều động tàu chiến USS Arleigh Burke và USS Carney đến phía đông Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Israel để tăng cường khả năng bảo vệ nước này.

Cả hai chiến hạm đều trang bị hệ thống chiến đấu Aegis được tối ưu cho nhiệm vụ bám bắt và đánh chặn tên lửa đạn đạo.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dan-sm-3-my-danh-chan-ten-lua-iran-ngoai-khi-quyen-tri-gia-toi-36-trieu-usdqua-post573584.antd