Đan Phượng thay đổi như nào sau 15 năm về Thủ đô?

Kinhtedothi – Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, huyện Đan Phượng đã có bước phát triển ngoạn mục, vươn lên dẫn đầu Thành phố Hà Nội về xây dựng nông thôn mới và từng bước đạt tiêu chí thành quận của Thủ đô.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng cùng lãnh đạo huyện Đan Phượng gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội: Sân vận động huyện Đan Phượng, tháng 8/2010.

Đến hết năm 2015, Đan Phượng có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện đầu tiên của Thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới gia đoạn 2011 – 2015. Trong ảnh: Sự thay đổi của nhà văn hóa xã Song Phượng, huyện Đan Phượng vào thời điểm năm 2011 (bên trái) và 2014 (bên phải).

Đặc biệt, đến nay huyện có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, là địa phương dẫn đầu của Thành phố Hà Nội về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, được nhiều đoàn của các tỉnh, thành phố về thăm quan học tập. Trong ảnh: Thay đổi diện mạo cảnh quan môi trường xã Song Phượng năm 2011 (bên trái) và 2014 (bên phải).

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái kiểm tra việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, tháng 4/2012.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái thăm mô hình trồng hoa tại Đan Phượng, tháng 4/2012.

Nhờ xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Đan Phượng thay đổi từng ngày. Đến năm 2023, 100% tuyến đường trên địa bàn huyện đã được bê tông hóa trở lên, nhiều tuyến đường tiếp tục được cải tạo, nâng cấp trái nhựa, đồng bộ chiếu sáng, vỉa hè. Trong ảnh: Đường giao thông nông thôn xã Trung Châu huyện Đan Phượng tháng 10/2012 (bên trái) và năm 2022 (bên phải).

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh kiểm tra chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Đan Phượng năm 2013.

Trong những năm qua, huyện Đan Phượng đã tập trung đầu tư các công trình văn hóa cấp đô thị như: Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, thư viện huyện, nhà truyền thống huyện (tổng diện tích là 2,1ha); Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện (tổng diện tích 6,74ha); vườn hoa 19/5, vườn hoa công nhân viên chức lao động, vườn hoa, Công viên cây xanh... với tổng diện tích là 1,34ha. Trong ảnh: Tượng đài phụ nữ "Ba đảm đang" thời điểm tháng 9/2012 (bên trái) và tháng 4/2023 (bên phải).

Đan Phượng là địa phương dẫn đầu của Thành phố Hà Nội về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, được nhiều đoàn của các tỉnh, thành phố về thăm quan học tập. Trong ảnh: Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Bộ Công xã và các vấn đề xã hội Venezuela - ngài Elias Jaua Milano cùng đoàn công tác thăm và tặng quà cho học sinh Đan Phượng, tháng 3/2015.

Đối với sản xuất nông nghiệp, xác định thế mạnh ven đô, huyện Đan Phượng tập trung chuyển hướng sang nông nghiệp sinh thái, hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu ngành kinh tế đến năm 2022 giảm 11,86% so với năm 2008. Tính đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 1.624,5ha/3.600ha đất nông nghiệp sang trồng hoa, rau, cây ăn quả, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao. Trong ảnh: Mô hình trồng hoa tại xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng tháng 2/2013 (bên trái) và mô hình trồng lan công nghệ cao tại Đan Phượng hiện nay.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cho xã Tân Lập, tháng 6/2023.

Các tuyến đường khung của huyện được đầu tư đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các tuyến đường xã kết nối hệ thống đường khung giúp việc đi lại sinh hoạt của người dân ngày càng thuận tiện.

Theo báo cáo của UBND huyện Đan Phượng, tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố trên địa bàn huyện đến năm 2023 đạt 99,8%. Về phát triển nhà thương mại, đến năm 2023 đã phát triển 426.252m2 sàn nhà ở thương mại (Khu đô thị Tân Tây đô và Khu đô thị sinh thái Đan Phượng). Đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng (y tế, văn hóa giáo dục, thể dục, thể thao, thương mại) đạt 2,56m2/người, cơ bản đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của Nhân dân.

Đặc biệt, hiện nay Đan Phượng đang tăng tốc thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đoạn tuyến trên địa bàn huyện Đan Phượng dài 6,3km, đi qua 5 xã, thị trấn: Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Tân Hội và Phùng. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm hỏi, động viên bà con trong diện giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Thanh Hải

Tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, huyện tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như đầu tư xây dựng 15,92km đường trục xã; 65,64km đường trục thôn; 2,4km đường ngõ xóm; 22,1km đường nội đồng.

Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng có diện tích hơn 21ha tại xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng) được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015 với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm.

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội và lãnh đạo huyện Đan Phượng ấn nút khởi công dự án Cụm công nghiệp Đan Phượng giai đoạn 2, tháng 5/2022. Dự án có quy mô 6,8ha trên địa bàn xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng với tổng mức đầu tư 188 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đồng bộ, hiện đại nhằm giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các DN trên địa bàn, ưu tiên thu hút các ngành nghề công nghiệp sạch, thân thiện môi trường.

Cơ cấu ngành kinh tế chuyền dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt 10,5 triệu đồng/người/năm, năm 2010 đạt 13,8 triệu đồng/người/năm, năm 2015 đạt 29,1 triệu đồng/người/năm; năm 2020 đạt 61,2 triệu đồng người năm, năm 2022 đạt 73 triệu đồng người năm. Chuyển đổi số ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Trong ảnh: Người dân xã Song Phượng làm thủ tục hành chính qua quét mã QR code.

Kinh tế phát triển cũng tạo điều kiện cho huyện làm tốt công tác văn hóa, y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Tính đến năm 2022, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn đạt 92,2%, tăng 123% so với năm 2008. 119/120 làng, cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa (chiếm tỷ lệ 99,2%). Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng lan tỏa trong đời sống Nhân dân, đạt kết quả tích cực. Trong ảnh: Một tiết mục biểu diễn trong Đại hội Thể dục thể thao huyện Đan Phượng lần thứ X, năm 2022.

Đặc biệt, Đan Phượng còn tham gia tổ chức thành công thi đấu môn Jujitsu trong khuôn khổ SEA Games 31, tổ chức tại Hà Nội, tháng 5/2022.

Sới vật Hồng Hà được đầu tư cơ sở vật chất khang trang với sàn thi đấu có mái che, khán đài dành cho khán giả và nhà điều hành. Khu vực xây dựng sới vật cũng khá rộng rãi, thoáng mát nên có thể phục vụ hàng nghìn người dân đến xem mỗi trận đấu.

Chất lượng giáo dục toàn diện của huyện ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, toàn huyện đã có 54/55 trường mầm non, tiểu học, THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 98,2%. Trong đó có 39/55 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt tỷ lệ 70,9%. Trong ảnh: Cô và trò Trường Mầm non Tân Hội B, huyện Đan Phượng trong giờ học.

Các giá trị văn hóa truyền thống được huyện Đan Phượng quan tâm, bảo tồn và phát huy. Trong ảnh: Lễ hội thả diều Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng năm 2023.

Đến nay, huyện Đan Phượng có 2 điểm được UBND TP Hà Nội công nhận điểm du lịch gồm: Điểm du lịch xã Hạ Mỗ, điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng. Trong ảnh: Một góc điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng.

Điểm du lịch xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng.

Huyện Đan Phượng ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp. Tính đến tháng 6/2023, huyện đã đạt 20/31 tiêu chí huyện lên quận; còn 11 tiêu chí chưa đạt (tính theo dân số hết năm 2021: 186.224 người). Đối với tiêu chí xã lên phường huyện đạt 8/16 tiêu chí, còn 8 tiêu chí chưa đạt. Huyện phấn đấu trở thành quận của Thủ đô đến năm 2025.

Thiên Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dan-phuong-thay-doi-nhu-nao-sau-15-nam-ve-thu-do.html