Đan Phượng: Không để xảy ra tình trạng cơ sở vi phạm PCCC 'hoạt động chui'

Giám sát chặt chẽ việc chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở vi phạm về PCCC, không để xảy ra tình trạng cơ sở 'hoạt động chui', đây là một trong những yêu cầu được UBND huyện Đan Phượng đặt ra tại hội nghị đánh giá tiến độ, chất lượng, hiệu quả việc triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn năm 2024 diễn ra chiều 25-3.

Theo thống kê, năm 2023, trên địa bàn huyện Đan Phượng xảy ra 5 vụ cháy, không có thiệt hại về người; tài sản thiệt hại hơn 300 triệu đồng; so với năm 2022, giảm 10 vụ cháy; thiệt hại tài sản giảm khoảng gần 600 triệu đồng.

3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện đã xảy ra 3 vụ cháy; không có thiệt hại về người; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 100 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy tăng 1 vụ cháy, thiệt hại về tài sản thành tiền ước tính giảm 65 triệu đồng.

Trong thời gian qua, hiệu quả công tác chữa cháy và CNCH của lực lượng Công an huyện đã từng bước được nâng cao, quá trình chữa cháy và CNCH luôn đảm bảo về kỹ chiến thuật, giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân, không để xảy ra thiệt hại về người.

Lực lượng PCCC cơ sở, đội viên đội dân phòng tại các xã, thị trấn đã sử dụng thành thạo đối với các phương tiện chữa cháy và CNCH thông dụng được trang bị vào thực tiễn chiến đấu. 100% các vụ cháy và CNCH đều được tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc, đảm bảo theo quy định.

Bên cạnh kết quả đạt được, lực lượng dân phòng tại thời điểm ban đầu đôi lúc còn chưa phát huy được tối đa sức mạnh trong (thời gian vàng) ban đầu.

Ông Nguyễn Thạc Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng yêu cầu triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PCCC

UBND huyện đã kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội, Công an thành phố về công tác PCCC và CNCH.

Với sự quan tâm chú trọng, công tác PCCC và CNCH đã đạt được một số kết quả nổi bật như hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH tiếp tục được thực hiện một cách chủ động, tích cực, góp phần phát huy hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” ngay từ địa bàn, cơ sở.

Bên cạnh đó, qua phong trào toàn dân tham gia PCCC đã phát huy được vai trò của người dân trong công tác phòng ngừa cháy, nổ và xử lý hiệu quả nhiều vụ cháy ngay từ khi mới phát sinh, không để nguy cơ xảy ra cháy lớn...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn huyện còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, điển hình như tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa được kiểm soát; còn tồn tại các công trình chưa thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng...

Thượng tá Đặng Trung Kiên, Phó trưởng CAH Đan Phượng chỉ rõ những vướng mắc trong công tác PCCC tại cơ sở cần khắc phục

Nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục và triển khai thực hiện phương hướng, nhiệm vụ về PCCC và CNCH trong năm 2024, phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thạc Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng yêu cầu các đơn vị phải tự rà soát các tồn tại, hạn chế của đơn vị mình; tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm điểm thật sâu về các tồn tại, hạn chế, làm rõ trách nhiệm, phân tích thật kỹ về các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan; từ đó chủ động đề ra biện pháp, giải pháp khắc phục đảm bảo rõ lộ trình, rõ cán bộ, chiến sĩ thực hiện.

Trọng tâm trong thời gian tới, Công an huyện tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan, các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan truyền thông của huyện, cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH. Trong đó, công tác tuyên truyền phải xây dựng được những khái niệm đơn giản, dễ hiểu nhất, phải đa dạng hóa các hình thức, lựa chọn đối tượng, thời gian tuyên truyền phù hợp để phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động người dân; người dân phải chung tay cùng lực lượng Công an trong thực hiện công tác tuyên truyền về PCCC và CNCH.

Các đơn vị ký cam kết thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn

Cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu đúng pháp luật về PCCC và CNCH, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, lực chức năng cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra nhằm phát hiện xử lý triệt để các vi phạm về PCCC và CNCH, nhất là đối với những tồn tại có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.

“Đối với các cơ sở đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, lực lượng chức năng phải giám sát chặt chẽ việc chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, không để xảy ra tình trạng cơ sở “hoạt động chui”; công khai trên trang thông tin điện tử, phương tiện truyền thông để chính quyền, người dân cùng phối hợp giám sát. UBND cấp xã phải phối hợp cùng các phòng, ban, Công an huyện cùng giám sát hoạt động của cơ sở, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương các cấp và các đơn vị có liên quan để chỉ đạo kiểm tra, xử lý”, ông Nguyễn Thạc Hùng nêu rõ tại hội nghị.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dan-phuong-khong-de-xay-ra-tinh-trang-co-so-vi-pham-pccc-hoat-dong-chui-post571106.antd