Dằn lòng bát cháo chia ba, đợi nghe một tiếng gọi 'Bà'

Bên hành lang bệnh viện, có những người bà chăm cháu lầm lũi, tất tả. Họ vẫn giống như ngọn đuốc luôn chực cháy hết mình vì tình thương yêu dành cho con cháu.

Bà nội Minh Quân vui mừng khi thấy cháu trai đi được, dù bước đi như người say rượu

Chia ba một bát cháo này

Gặp bà Nguyễn Thị Hoa (51 tuổi, quê ở Ứng Hòa, Hà Nội) đi ra từ cửa Bệnh viện Nhi Trung ương với lỉnh kỉnh ba lô đeo trước ngực, tay xách túi đồ và trên lưng cõng cậu bé khoảng 3 tuổi.

Vừa đi đường bà Hoa vừa dạy cậu bé gọi “bà ơi”, “con gà”, “ô tô”… Mặc cho bà Hoa nói không ngừng, cậu bé với gương mặt thiên thần trên lưng bà vẫn ngơ ngác hết nhìn trời lại nhìn đất.

Hỏi ra thì được biết, cậu bé Thiên Trường, cháu nội bà Hoa đã hơn 3 tuổi mà chưa biết nói.

Bố mẹ Thiên Trường mang cậu bé ra Bệnh viện Nhi Trung ương để khám thì bác sỹ cho biết Trường có các dấu hiệu của bệnh tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ.

Để Thiên Trường có thể nói chuyện và phát triển như những đứa trẻ bình thường, gia đình bà Hoa đang cho cháu theo điều trị bệnh tại Khoa Tâm bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương.

Lúc này 2 bà cháu vừa tan buổi học kỹ năng sống cho trẻ và trên đường trở về phòng trọ.

Bà Hoa cho biết, đây là tuần thứ 3 điều trị của Trường và trong khoảng thời gian này đều là bà đi chăm cháu.

Bởi, bố Trường còn bận đi kiếm tiền nuôi gia đình và chạy chữa cho con. Còn mẹ Trường phải ở nhà chăm em gái Trường mới được 4 tháng tuổi.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, hơn nữa, bệnh của cháu trai phải điều trị dài ngày mới có kết quả vậy nên bà Hoa phải tính toán chi tiêu từng đồng để tiết kiệm chi phí.

Lúc đầu mới mang cháu ra viện điều trị, bà Hoa đến ở nhờ phòng trọ của người quen để giảm bớt chi phí ăn ở.

Chỗ trọ cách viện khoảng 4km nên hàng ngày 2 bà cháu dậy sớm để bắt xe buýt đi cho kịp giờ. Nhưng chỉ ở nhờ được khoảng 3 ngày thì mọi dự tính của bà Hoa đều tan theo bọt nước.

Hà Nội mưa to ngập khắp các ngả đường, để ra được điểm xe buýt 2 bà cháu phải chật vật lội trong biển nước. Sợ cháu trai gặp mưa sẽ ốm nên 2 ngày liên tiếp bà Hoa phải thuê taxi về chỗ người quen.

Trong lúc chờ đợi các bé điều trị, bà và các mẹ tâm sự về tình trạng sức khỏe của con trẻ

“Cứ tiếp tục như vậy thì tiền núi cũng hết nên tôi học theo các bà, các mẹ ở viện thuê phòng trọ giá rẻ 20.000 đồng/đêm. Buổi trưa thì 2 bà cháu ngủ ở ghế chờ bệnh viện hoặc ngồi nhờ ở quán ăn trưa để chiều vào viện điều trị tiếp”-bà Hoa tâm sự.

Với cách làm này, bà Hoa giảm được kha khá chi phí đi lại, ăn ở so với mấy ngày đầu. Mặc dù phòng trọ giá rẻ không được sạch sẽ, có phần tạm bợ, lộm nhộm cả đàn ông và phụ nữ nhưng đều là những người nghèo đem con, cháu đi điều trị bệnh nên họ hòa đồng rất nhanh.

Không chỉ tìm chỗ ở giá rẻ mà bà Hoa còn tìm tòi, học hỏi người nhà bệnh nhân khác đi xin cháo từ thiện, tìm những quán cơm giá chỉ 12.000 – 15.000 đồng/suất.

Với suất cháo từ thiện xin được lúc sáng sớm, bà Hoa chia làm 3 phần, 1 phần để Thiên Trường ăn bữa sáng, 1 phần nhỏ bà ăn lót dạ, còn 1 phần bà cất bình giữ nhiệt để cháu trai ăn thêm lúc giữa buổi sáng.

Với bữa cơm trưa 15.000 đồng cũng vậy, bà cho cháu trai ăn no rồi mới đến lượt mình ăn nốt phần cơm rau còn lại.

Còn nước, còn tát

Đồng cảnh ngộ với bà cháu Thiên Trường là 2 bà cháu bé Phạm Minh Quân. Minh Quân năm nay 4 tuổi (quê huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đang điều trị bại não tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

4 tháng bé điều trị tại viện đều do một tay bà nội chăm sóc, bởi, bố mẹ bé phải đi làm kiếm tiền nuôi sống các thành viên trong gia đình và chi trả phí thuốc men điều trị cho bé.

Theo lời kể của bà nội Minh Quân thì lúc sinh bé, các bác sỹ chỉ định sinh thường, nhưng bé xoay ngang nên dẫn đến bị ngạt.

Và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến Minh Quân bị bại não, 4 tuổi chưa thể nói chuyện, tay chân yếu ớt, đi lại khó khăn.

Lúc đầu gia đình cho bé điều trị tại bệnh viện tỉnh cho gần nhà nhưng bệnh tình không tiến triển.

Sau đó có người thân chỉ ra Bệnh viên Châm cứu Trung ương điều trị bằng phương pháp Đông y. Với hy vọng “còn nước còn tát” nên dù khó khăn trong việc đi lại, eo hẹp về kinh tế nhưng gia đình vẫn quyết tâm mang bé ra Hà Nội điều trị.

Và suốt thời gian nằm viện, bố mẹ Minh Quân chỉ có thể ra Hà Nội thăm con ngày cuối tuần hoặc ra đón con về nhà sau mỗi đợt trị liệu, thời gian còn lại đều là bà nội chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ và chơi đùa cùng Quân.

Bà và cha mẹ chờ đợi trước cửa khoa Tâm bệnh, BV Nhi Trung ương khi con trẻ vào điều trị và học kỹ năng sống

Việc chăm sóc một đứa trẻ bình thường với một người lớn tuổi đã là rất khó, nhưng với những đứa trẻ “có mồm ăn mà không có mồm nói” như Quân thì việc chăm sóc còn khó gấp vạn lần.

“Khi đau cháu chỉ biết khóc, không vừa ý cũng khóc, nhớ bố mẹ cũng khóc, buồn vệ sinh không biết gọi, không biết ra hiệu nên không ít lần làm bẩn phòng bệnh, bẩn khuôn viên trong viện làm tôi lại thêm việc dọn dẹp “chiến trường”.

“Những ngày đầu vào viện, ở nơi xa lạ, không có người quen nên cháu bám bà không buông, vậy nên đi mua đồ ăn, đồ dùng, thậm chí đi vệ sinh cũng phải tha cháu…”, bà nội Minh Quân chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc điều trị bệnh lâu dài, chi phí đi lại, ăn ở tốn kém nên những bát cháo miễn phí, bữa cơm rau 15.000 đồng là thực đơn quen thuộc hàng ngày của 2 bà cháu Minh Quân.

Vất vả, khó khăn là thế, nhưng trên mặt bà vẫn thoáng những nét vui vẻ, những nụ cười khi thấy sức khỏe cháu tốt hơn.

Sau tất cả là niềm hạnh phúc vô bờ

Kể về việc cháu trai bắt đầu bập bẹ tập nói và lẫm chẫm biết đi, bà nội Minh Quân xúc động chảy những giọt nước mắt hạnh phúc.

Thấy cháu chập chững biết đi là bà đã mừng lắm rồi, không nghĩ tới giờ cháu còn nhận thức được mọi vật xung quanh, ra hiệu người khác làm theo ý mình và thi thoảng bập bẹ vài từ làm bà nội Minh Quân và bố mẹ cháu mừng rơi nước mắt.

Sau đợt điều trị này, Minh Quân có thể về nhà chơi nửa tháng rồi hai bà cháu lại tiếp tục hành trình đi tìm tiếng nói cho Minh Quân.

Bà nội Minh Quân chăm và chơi cùng cháu tại BV Châm cứu Trung ương

Còn với Thiên Trường, sau một thời gian điều trị tại bệnh viện bé cũng đã có những thay đổi bất ngờ như biết chào, biết gọi “bà ơi”, bớt cáu giận…

Thấy Thiên Trường có nhiều tiến bộ bà Hoa mừng lắm: “Tôi thấy sự kiên trì của tôi có tác dụng. Và đúng như lời bác sỹ nói, một ngày đẹp trời cháu ngọng nghịu nói “bà ơi”. Dù không nói rõ như những đứa trẻ khác nhưng gia đình tôi vẫn thấy giọng cháu hay và đáng yêu vô cùng"

Quãng thời gian điều trị để các bé có thể cất tiếng nói và phát triển như những đứa trẻ bình thường còn khá dài, nhưng hy vọng rằng, với những nỗ lực, sự hy sinh của những người bà, những người làm cha mẹ và sự giúp đỡ của các bác sỹ sẽ giúp các bé sớm bình phục.

Linh Nhi

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/dan-long-bat-chao-chia-ba-doi-nghe-mot-tieng-goi-ba-d759.html