Dân 'khát' chỗ vui chơi, công viên cỏ dại lút đầu người (Bài 1)

Tại một đô thị lớn như Hà Nội, mật độ dân số quá đông khiến cho hệ thống hạ tầng luôn rơi vào tình trạng quá tải. Không gian sống ngày càng chật hẹp, thế nhưng có một nghịch lý là hàng loạt công viên với vốn đầu tư hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng sau khi khởi công, suốt một thời gian dài lại đang đắp chiếu, bỏ hoang.

Theo quy hoạch, hệ thống công viên cây xanh này khi được đưa vào sử dụng không chỉ tạo cảnh quan môi trường đô thị mà còn là không gian sống xanh cho hàng triệu cư dân Thủ đô. Thế nhưng, các dự án công viên bỏ hoang, chậm tiến độ này hiện nay đang gây mất mỹ quan, lãng phí lớn.

Hoang phí, mất mỹ quan

Công viên Chu Văn An được phê duyệt quy hoạch và công bố quy hoạch chi tiết 1/500 khu tưởng niệm nhà giáo, danh nhân Chu Văn An từ năm 2009 trên địa bàn xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Quy hoạch ban đầu, dự án có tổng diện tích 90ha. Đến năm 2016, dự án này được công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An với tổng diện tích khoảng 55ha. Thế nhưng sau 8 năm, hiện Công viên Chu Văn An vẫn đang chỉ là những bãi cỏ dại mọc hoang cao lút đầu người.

Sau 8 năm triển khai xây dựng, công viên Chu Văn An vẫn đang chỉ là bãi cỏ dại mọc hoang cao lút đầu người.

Mục sở thị tại công viên này, hàng rào quây xung quanh đã được xây dựng nhưng do bỏ hoang lâu ngày nên cũng đã nhuốm màu thời gian. Hai cổng vào từ phía đường Nguyễn Xiển – Xa La, những ống bê tông lớn được dựng lên để ngăn xe cộ đi vào. Bỏ không lâu ngày, lại không có người quản lý dẫn đến việc những điểm này đã trở thành khu tập kết rác thải không biết từ lúc nào. Bên trong công viên, ngoài các hạng mục như hệ thống đường nội bộ đã được lát đá, hệ thống đèn chiếu sáng cũng đã được lắp đặt thì tất cả chỉ là những bãi cỏ hoang. Khung cảnh um tùm, vắng lặng.

Bà Nguyễn Thị Thanh, người có thâm niên bán nước trên vỉa hè đường Nguyễn Xiển – Xa La cho hay, từ khi được khởi công, đơn vị thi công đã triển khai một vài hạng mục cơ bản rồi để đó nhiều năm nay. Hiện bên trong công viên, một phần diện tích ngay giáp đường được cải tạo làm bãi tập xe máy. Thi thoảng ban ngày có người ra vào tập xe, còn lại là một không gian mênh mông, um tùm, vắng lặng.

“Bên trong đó um tùm, rậm rạp nên bình thường chẳng ai vào. Trước cũng có người vào đi bộ, tập thể dục nhưng chiều muộn vào đó vắng vẻ, cảm giác lạnh lẽo quá nên rồi cũng chẳng mấy ai vào mà chủ yếu người ta đi thể dục trong đường nội bộ của khu đô thị quanh đây. Cả một công viên lớn như thế mà không hoàn thành, bỏ hoang thật sự là lãng phí”, bà Thanh cho hay.

Cũng được khởi công từ năm 2016, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2017 nhưng 8 năm trôi qua Công viên hồ Phùng Khoang nằm ngay sát đường Tố Hữu (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng vẫn đang bỏ hoang. Con đường Tố Hữu được mệnh danh là con đường nhiều chung cư nhất Hà Nội. Chỉ trên một tuyến đường này có đến hàng chục dự án nhà chung cư, cảnh ùn tắc diễn ra như cơm bữa. Có thể thấy với mật độ chung cư dày đặc, chắc chắn ở đây, lượng dân cư rất lớn.

Không gian sống chật chội, nhưng một dự án công viên lên đến 46ha lại bị bỏ hoang đến gần chục năm trời vừa mất mĩ quan, vừa là sự lãng phí. Thực tế tại công viên này, mặc dù bên ngoài được quây bởi lớp tôn cũ kỹ nhưng bên trong rất nhiều hạng mục đã được thi công. Các hạng mục như hồ điều hòa, chòi nghỉ, đường đi quanh công viên, đèn chiếu sáng đã được chủ đầu tư thi công. Tuy nhiên, đường đi rêu phủ đen vì không có người đi lại. Nhiều cây xanh cũng đã được trồng, nhưng do bỏ hoang lâu ngày nên cây cối xác xơ, cỏ dại mọc um tùm. Màu thời gian còn thể hiện rõ qua hàng rào, lan can quanh hồ được làm bằng khung sắt đã bắt đầu hoen gỉ…

Dở dang, chưa hẹn ngày về đích

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội về việc thực hiện kế hoạch của UBND TP về cải tạo, nâng cấp công viên, vườn hoa giai đoạn 2021 – 2025. Dự kiến, cấp TP đầu tư cải tạo 4 công viên (Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất, Hòa Bình); cấp quận cải tạo 41 công viên, vườn hoa bằng nguồn vốn ngân sách quận.

Tuy nhiên hết tháng 3/2024, các quận mới hoàn thành, đưa vào sử dụng 14 vườn hoa: Lê Trực, Vạn Xuân, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Trúc Bạch, Bãi Nhãn (Ba Đình); Diên Hồng, Tao Đàn, Ngô Quyền (Hoàn Kiếm); Pasteur, Tăng Bạt Hổ, Yec-Xanh (Hai Bà Trưng); Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai); Ngọc Lâm (Long Biên). Như vậy trong số 45 công viên, vườn hoa được cải tạo, nâng cấp của cả cấp thành phố và cấp quận mới đến nay mới chỉ khoảng 1/3 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội thì các dự án cải tạo, nâng cấp đã được phê duyệt chủ trương đầu tư không có vướng mắc lớn. Đến năm 2025, đa số sẽ được hoàn thành theo kế hoạch. Bốn công viên lớn nằm trong kế hoạch cải tạo nâng cấp (Thủ Lệ, Thống Nhất, Bách Thảo, Hòa Bình) bị chậm tiến độ do thay đổi phân cấp quản lý, từ TP sang quận. Hiện công viên Thủ Lệ, Thống Nhất, Bách Thảo đã được HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 2023 – 2026 với 900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong số 9 dự án công viên xây dựng xây dựng mới, lại có những dự án hiện chưa biết khi nào sẽ “về đích”. Đơn cử như Công viên Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (Thanh Liệt, Thanh Trì) hiện chưa triển khai do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Công viên hồ Phùng Khoang (phường Trung Văn, Nam Từ Liêm) hiện còn hơn 2.000m2 chưa giải phóng mặt bằng, việc đấu nối hệ thống thoát nước từ công viên sang mương Mễ Trì đang triển khai nhưng gặp vướng. Công viên Văn hóa vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông (95ha, quận Hà Đông) đang tổ chức thi tuyển kiến trúc sau khi thành phố công bố quy hoạch chi tiết năm 2023. Công viên Hữu Nghị (quận Bắc Từ Liêm) gần 16ha vẫn chưa được triển khai, đất bỏ trống… Báo cáo của Sở Xây dựng cũng khẳng định tiến độ thực hiện 9 dự án công viên xây mới này còn chậm.

Thực trạng thiếu hụt không gian vui chơi, không gian công cộng ở Hà Nội không còn là câu chuyện mới. Trong khi người dân Thủ đô luôn rất “khát” không gian sinh hoạt công cộng thì thực trạng công viên, vườn hoa bỏ hoang là một sự lãng phí rất lớn. Theo các chuyên gia, việc xây dựng, cải tạo công viên, vườn hoa của Hà Nội thời gian qua còn nhiều bất cập. Điều này thể hiện rõ qua việc, Hà Nội đặt mục tiêu cải tạo 45 công viên, vườn hoa và xây mới 9 công viên đến năm 2025, nhưng đến nay rất nhiều dự án đang chậm tiến độ.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế như hiện nay, trước mắt Hà Nội nên tập trung vào việc cải tạo các công viên lớn. Các công viên, vườn hoa khác thì sẽ được đầu tư xây dựng, cải tạo theo giai đoạn.

“Trước mắt, trong giai đoạn này cần sớm hoàn thành nâng cấp các công viên như Thống Nhất, Thủ Lệ, Hòa Bình, Bách Thảo… Một “Hà Nội đáng sống” phải bắt đầu từ các công viên. Khi chưa có điều kiện để phát triển nhiều công viên thì cần cải tạo những công viên hiện có, nâng cấp lên một cách quy củ. Không chỉ dừng lại ở việc nâng cấð, cải tạo những công viên, vườn hoa đã xuống cấð mà chính quyền thành ðhố, các quận, huyện được ðhân cấð quản lý cũng ðhải quan tâm đến công viên, vườn hoa còn lại trên địa bàn, bảo đảm có một không gian xanh, sạch, đẹp, để người dân Thủ đô không "khát" không gian vui chơi”, KTS Phạm Thanh Tùng bày tỏ quan điểm.

Phan Hoạt – Ngọc Yến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/dan-khat-cho-vui-choi-cong-vien-co-dai-lut-dau-nguoi-bai-1--i728381/