Dán decal quảng cáo kín xe ô tô diễu phố, lái xe bị phạt gì?

Theo luật sư, chủ phương tiện không được phép dán quảng cáo trên ô tô lên mặt trước, mặt sau và trên nóc của xe. Diện tích dán quảng cáo cũng không được vượt quá 50% bề mặt cho phép dán.

Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng hình thức dán quảng cáo trên các phương tiện giao thông bởi khả năng tiếp cận nhanh chóng đến đông đảo đến người dân. Tuy nhiên hành vi dán decal quảng cáo phủ kín khắp xe là hành vi vi phạm pháp luật

Điển hình, sáng 17/10, Tổ tuần tra kiểm soát của Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) thực hiện tuần tra địa bàn theo kế hoạch.

Khi tuần tra đến khu vực trước Nhà hát lớn Hà Nội (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tổ công tác phát hiện xe khách 2 tầng BKS 29F-017.XX do anh N.K.C. (SN 1981, trú tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) điều khiển được dán decal để quảng cáo cho một nhãn hàng thương mại, vi phạm quy định của pháp luật.

Tài xế xe khách dán quảng cáo phủ kín bị CSGT lập biên bản. (ảnh CACC).

Làm việc với tài xế N.K.C., tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính lỗi "Quảng cáo ở mặt sau của phương tiện giao thông" với mức phạt 3,5 triệu đồng, tạm giữ GPLX 7 ngày và buộc phải tháo gỡ phần quảng cáo không đúng quy định.

Đồng thời hướng dẫn, giải thích cho lái xe các quy định của pháp luật liên quan đến việc quảng cáo trên phương tiện giao thông.

Theo Đại úy Nguyễn Hoàng Ninh, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông, ngoài việc phải chấp hành các quy định của Luật giao thông đường bộ thì cũng phải tuân thủ nghiêm các quy định về quảng cáo trên phương tiện giao thông. Trường hợp lực lượng chức năng phát hiện vi phạm sẽ căn cứ theo Nghị định số 38/2021 NĐ-CP ngày 29/03/2021 để xử lý.

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông cho hay, nhiều người dán decal quảng cáo kín xe mà không biết rằng hành vi trên là vi phạm Luật quảng cáo và các quy định có liên quan.

Luật Quảng cáo 2012, quảng cáo trên phương tiện giao thông không cần phải xin giấy phép trước khi thực hiện. Tuy nhiên theo Điều 29 của Luật này, mẫu quảng cáo phải được gửi hồ sơ lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương để được kiểm duyệt trước khi đưa vào sử dụng. Quy định này nhằm hạn chế trường hợp quảng cáo vi phạm pháp luật và trái với thuần phong mỹ tục và gây mất mỹ quan đô thị.

Tại điều 32 Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định cụ thể về việc quảng cáo trên phương tiện giao thông. Theo đó, những vị trí không được phép dán quảng cáo trên ô tô gồm mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không vượt quá 50% bề mặt cho phép dán.

Ngoài ra, chủ xe phải đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn phương tiện hay gây nguy cơ mất ATGT như che khuất hoàn toàn tầm nhìn kính xe, làm mất khả năng thoát hiểm qua cửa kính xe.

Những hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh theo quy định pháp luật không được phép quảng cáo trên xe ô tô.

Điều 7 của Luật quảng cáo 2012, những hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh theo quy định pháp luật không được phép quảng cáo trên xe ô tô.

Thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của bác sĩ.

Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục. Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo.

Cũng theo Luật sư Diệp Năng Bình, quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng theo khoản 49 Điều 1 Nghị định 28/2017/NĐ-CP. Đồng thời, buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Đan Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dan-decal-quang-cao-kin-xe-o-to-dieu-pho-lai-xe-bi-phat-gi-16923101913214631.htm