'Dân cường, nước thịnh'

Tháng 3, về thăm lại các di tích lịch sử cách mạng trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa), khi đứng dưới tán đa Khuôn Tát, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cán bộ, chiến sĩ tập thể dục, luyện sức bền để làm việc dẻo dai, trong tôi văng vẳng lời Người kêu gọi toàn dân tham gia tập thể dục vì 'Dân cường, nước thịnh'. Lời Người mộc mạc: 'Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, trai gái, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được'.

Diễu hành tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VIII. Ảnh Thế Hà.

Thực hiện lời dạy của Người, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên thi đua, tích cực tham gia rèn luyện thể dục thể thao (TDTT). Nhiều vận động viên (VĐV) Thái Nguyên đã ghi danh ở các giải đấu thể thao lớn của thế giới, khu vực, khẳng định được tiềm năng, thế mạnh về TDTT phong trào và thể thao thành tích cao.

Theo số liệu tổng hợp của ngành chức năng: Hiện toàn tỉnh có 30% dân số thường xuyên luyện tập TDTT; trên 23% gia đình thể thao; 100% cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an thường xuyên tập luyện thể thao, rèn luyện thân thể; TDTT trường học có gần 86% đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; số đạt giáo dục thể chất có chất lượng: Bậc Tiểu học đạt 95%; bậc THCS đạt từ 87 - 95%; bậc THPT đạt 100%.

Ông Tạ Đình Chiến, Trưởng Phòng Nghiệp vụ TDTT (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Từ nhiều năm gần đây, luyện tập TDTT đã trở thành phong trào lớn trong nhân dân. Phong trào mang tính tự nguyện, tự giác cao, tạo thành ý thức tự rèn, tự luyện và phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu. Kết quả này là nhờ các cấp, ngành, đơn vị đã có sự quan tâm thỏa đáng. Trực tiếp là ngành Văn hóa đã chủ động tham mưu, hướng dẫn các cơ quan, ban, ngành, địa phương linh hoạt trong phối hợp triển khai thực Kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đó, nâng cao nhận thức của mọi người dân về tác dụng của việc tham gia tập luyện TDTT, nâng cao sức khỏe, thể lực, giáo dục đạo đức, nhân cách, góp phần xây dựng xã hội văn minh, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 200 nhà tập luyện TDTT; hơn 1.600 sân vận động tập luyện bóng đá phổ thông; hơn 2.680 sân bóng chuyền, cầu lông; gần 50 sân tennis; hơn 20 bể bơi đủ tiêu chuẩn phục vụ tập luyện. Chưa kể hàng nghìn các phòng tập thể hình, tập aerobic, sân cầu lông ở quy mô nhỏ được xây dựng ở khu vực nông thôn. Hỗ trợ cho phong trào thể thao quần chúng phát triển đúng hướng phải kể đến đội ngũ gần 4.000 cộng tác viên TDTT ở cơ sở. Họ là người trực tiếp hướng dẫn tập luyện, truyền cảm hứng, tạo một thói quen tốt trong đại bộ phận quần chúng về ý thức tập luyện, nâng cao sức khỏe nhân dân. Theo đó là hàng nghìn câu lạc bộ, nhóm sở thích được thành lập, như: kinh lạc thao, đạp xe, chạy bộ, cờ tướng, bóng bàn, cầu lông...

Vận động viên đội bóng đá nữ Thái Nguyên trong giờ tập luyện.

Trong 5 năm gần đây, trên toàn tỉnh có hơn 5.000 lượt người là cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên các môn thể thao, nhân viên làm công tác cứu hộ được tham gia các lớp huấn luyện về kỹ thuật tập luyện cho từng bộ môn thể thao; kỹ năng xây dựng, duy trì hoạt động câu lạc bộ TDTT. Cũng trong giai đoạn này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cấp, ngành tổ chức thành công hàng chục giải thể thao cấp tỉnh; hơn 100 giải thể thao các ban, ngành, đoàn thể; gần 30 giải thể thao toàn quốc; hàng trăm giải cấp huyện; hơn 2.000 giải cấp cơ sở, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.

Từ thể thao phong trào, các nhà chuyên môn đã phát hiện, lựa chọn được những VĐV ưu tú để đầu tư huấn luyện, cử tham gia thi đấu tại các giải thể thao trong nước, quốc tế. Điển hình như các VĐV Nguyễn Ngọc Thành, bộ môn Karate tiêu biểu của Việt Nam; Vũ Thị Hương, bộ môn Điền kinh được giới truyền thông ví là “Nữ hoàng tốc độ”… Rồi các VĐV thế hệ kế tiếp là Hà Văn Dĩnh; Phùng Thị Huệ bộ môn Vật; Bàng Thị Mai, môn Wushu tán thủ và Lê Thị Hoa, môn Boxing… đều có điểm xuất phát từ thể thao phong trào, trường học.

Một ghi nhận là từ nhiều năm gần đây, thể thao phong trào và thể thao thành tích cao đã được lãnh đạo các cấp, ngành quan tâm thỏa đáng, đồng thời huy động được sự tham gia tài trợ lớn từ các doanh nhân. Như việc xã hội hóa dụng cụ tập luyện tại các điểm tập luyện công cộng; một số bộ môn thi đấu thể thao chuyên nghiệp đã có nhà tài trợ lớn đến hợp tác, chia sẻ, tạo động lực cho các VĐV gắn bó, phấn đấu. Cũng vì thế, thể thao phong trào ngày càng có lực hấp dẫn đối với đại bộ phận nhân dân. Còn thể thao thành tích cao không ngừng nâng cao thành tích thi đấu. Ông Đoàn Văn Công, Giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh tự hào: 5 năm gần đây, VĐV của 18 môn tỉnh huấn luyện, đào tạo đã giành được hơn 1.000 huy chương các loại. Nhiều VĐV là kiện tướng, được đội tuyển Quốc gia triệu tập huấn luyện và tham gia các giải đấu lớn trên thế giới.

Tập luyện TDTT, một phương pháp bảo vệ, nâng cao sức khỏe hiệu quả, mà không tốn nhiều tiền của. Như lời khuyên giản dị của Bác Hồ: “Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập, khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe". Và “Mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe”.

Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/the-thao/dan-cuong-nuoc-thinh-282469-83.html