Đàm phán liên Triều khó đạt bước đột phá

(VOV) - Tương lai trước mắt của mối quan hệ liên Triều chưa có dấu hiệu sáng sủa

Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên ngày 8/2 đã kết thúc ngày đầu tiên cuộc đàm phán quân sự sơ bộ mà không đạt được nhiều tiến triển. Dự kiến hôm nay (9/2), hai bên sẽ tiếp tục ngày thứ hai của cuộc đối thoại. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, kết quả cuối cùng của cuộc gặp này cũng sẽ không thể như mong đợi khi giữa hai bên vẫn tồn tại nhiều nghi kỵ và các quan điểm cứng rắn. Cuộc đàm phán trong ngày đầu tiên kéo dài 9 tiếng, kết thúc vào lúc 7h tối qua (theo giờ địa phương) tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm nhằm mục đích xác lập ngày giờ, địa điểm cho cuộc gặp quân sự cấp cao, có thể là cấp Bộ trưởng. Trong cuộc đàm phán chính thức đầu tiên kể từ vụ đấu pháo trên đảo biên giới giữa hai nước vào tháng 11/2010, hai bên đã không đạt được thỏa thuận về chương trình nghị sự của cuộc đàm phán quân sự cấp cao dự kiến được tổ chức trong thời gian tới. Triều Tiên đề nghị tổ chức cuộc gặp quân sự cấp cao trước ngày 16/2 – tức là trước ngày sinh nhật của Chủ tịch Kim Jong In. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cho rằng cuộc đàm phán quân sự cấp cao phải làm rõ trách nhiệm của Bình Nhưỡng trong vụ chìm tàu chiến Cheonan và vụ pháo kích vào đảo Yeonpyeong, trong khi Triều Tiên phản đối đề xuất này và gợi ý nên thảo luận "những hành vi ngăn chặn quân sự" có thể được coi là hành động khiêu khích lẫn nhau từ cả hai bên, chẳng hạn như hai vụ tấn công làm 50 người Hàn Quốc thiệt mạng. Bình Nhưỡng cũng một lần nữa phủ nhận trách nhiệm trong vụ chìm tàu Cheonan, đồng thời tuyên bố vụ pháo kích là hành động tự vệ bởi cả Hàn Quốc và Mỹ vào thời điểm đó tiến hành tập trận quy mô lớn gần khu vực biên giới tranh chấp. Chính những bất đồng này đã khiến cho ngày đàm phán đầu tiên lâm vào bế tắc. Nhiều nhà phân tích nhìn nhận, nếu cả hai bên cùng giữ các quan điểm cứng rắn như hiện nay, thì cuộc đàm phán này cũng sẽ không thể mang lại kết quả mong muốn. Đó còn chưa kể, những quan điểm của các bên cũng phụ thuộc vào quan điểm của các cường quốc lớn như Mỹ, Trung Quốc, những nước tham gia vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Giáo sư Kim Jong Huyn, Hàn Quốc cho rằng “ở thời điểm này, Hàn Quốc và Triều Tiên không thể tự mình giải tỏa căng thẳng hay giải quyết cuộc khủng hoảng giữa họ”. Theo ông Kim, mọi việc phụ thuộc nhiều hơn vào các cường quốc. Nhà báo, chuyên gia phân tích chính trị A. Samon - kênh truyền hình France 24 của Pháp nhận định: Quan điểm của Trung Quốc và Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của cuộc đàm phán liên Triều lần này. Cuộc đàm phán ở mức độ thấp hơn nếu không đạt kết quả thì khó có thể tiến đến một cuộc gặp cấp cao hơn. Chính vì thế, các cường quốc lớn cần phải có quan điểm rõ ràng, nhất là thúc đẩy vòng đàm phán 6 bên để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Những tiến bộ trong đàm phán 6 bên cũng sẽ tạo cơ hội để thúc đẩy quan hệ liên triều và ngược lại. Nhưng xem ra, quan hệ liên Triều sẽ chưa thể hết u ám khi mà cả Seoul, Washington và Tokyo vẫn tỏ ý nghi ngờ về thái độ chân thành của Bình Nhưỡng trong đàm phán và kiên quyết giữ quan điểm yêu cầu Triều Tiên tiến hành những bước đi có trách nhiệm. Trong cuộc gặp với các quan chức Hàn Quốc tại Seoul, đặc phái viên của Mỹ về nhân quyền tại Triều Tiên Robert King cho biết: “Thái độ của Triều Tiên là một vấn đề hết sức quan trọng đối với Mỹ và Hàn Quốc khi mà hai nước có cùng quan điểm trong chính sách đối với Triều Tiên. Chúng tôi sẽ cùng chia sẻ quan điểm và cùng phân tích để tăng cường hợp tác và cam kết sự ủng hộ của Mỹ đối với Hàn Quốc”. Tương lai trước mắt của mối quan hệ liên Triều chưa có dấu hiệu sáng sủa, đặc biệt khi mà bán đảo đang bị chia cắt này có ý nghĩa địa chính trị quan trọng đối với các cường quốc lớn của thế giới. Tuy nhiên, không thể mất đi hy vọng khi mà cộng đồng quốc tế vẫn đang có những nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Thậm chí, cuộc đàm phán quân sự liên Triều lần này cũng là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của các bên liên quan./.

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/dam-phan-lien-trieu-kho-dat-buoc-dot-pha/20112/166385.vov