Dầm mưa, đội gió, lội bùn tham gia tìm kiếm cứu nạn đồng đội

Những ngày qua, tình hình thiên tai, bão lũ đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và đời sống của nhân dân các tỉnh miền Trung. Trong lúc gian khó, hiểm nguy nhất, Bộ đội Công binh đã nêu cao truyền thống 'Mở đường thắng lợi', nhận lệnh là đi, đã đi là đến, đã đến là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nên nhiều chiến công trên mặt trận phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

3 giờ 30 phút, ngày 13-10-2020, khi bộ đội đang trong giấc ngủ say, cảnh vật chìm trong tĩnh lặng bỗng “tuýt tuýt, tuýt tuýt, tuýt tuýt tuýt” - tiếng còi báo động dồn dập vang lên, xé toang màn đêm yên tĩnh. “Toàn đơn vị báo động phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn” - Khẩu lệnh của Trung tá Nguyễn Thành Hưng, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn công binh 414 (Quân khu 4) phát qua loa cầm tay; đèn điện các phòng ở toàn đơn vị đồng loạt vụt sáng; tiếng rầm rập của những bước chân càng làm cho không khí thêm khẩn trương, nghiêm túc.

“Rạng sáng nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, mưa lũ đã làm sạt lở núi, vùi lấp nhiều người dân, đơn vị chúng ta nhận nhiệm vụ nhanh chóng cơ động cứu hộ, cứu nạn tại huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế)…”. Với giọng nói đanh thép, dõng dạc, Thượng tá Mai Văn Thanh, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng quán triệt mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Quân khu 4, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và từng bộ phận. Sau khẩu lệnh “Bắt đầu”, toàn đơn vị khẩn trương làm công tác chuẩn bị. Vốn quen với báo động các tình huống, có kế hoạch và luyện tập thường xuyên, nên ngay khi có lệnh, sau hơn 30 phút, 64 cán bộ, chiến sĩ, trang bị cùng nhiều phương tiện, trang bị, khí tài, lương thực, thực phẩm, quân tư trang cá nhân đã cơ động làm nhiệm vụ.

 Cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm 13 cán bộ Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên-Huế hy sinh tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Ảnh: Trần Sâm.

Cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm 13 cán bộ Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên-Huế hy sinh tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Ảnh: Trần Sâm.

Hơn 8 tiếng hành quân bằng xe trong mưa bão, gió rít liên hồi, mưa như trút nước, 13 giờ 30 phút ngày 13-10-2020 toàn đơn vị đã vào vị trí tập kết (trường Tiểu học Phong Xuân, xã Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Sau khi ổn định nơi ăn ở, cán bộ, chiến sĩ vượt núi, băng rừng thêm 2 tiếng đồng hồ, qua nhiều điểm sạt lở để tiếp cận Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ (nơi 13 cán bộ Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên-Huế hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn các công nhân nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 bị mất tích do sạt lở núi). Nhìn hiện trường lầy lội, tan hoang, ngổn ngang đất, đá, lòng ai cũng thấy xót xa. Gần 3 ngày đêm dầm mưa, đội gió, lội bùn, vượt dốc cao, suối dữ tham gia tìm kiếm cứu nạn; bằng tình cảm và trách nhiệm với đồng đội đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ mỗi người làm việc bằng hai, cùng với các lực lượng cứu nạn của Bộ, quân khu và địa phương, bộ đội dùng cuốc, xẻng, xà beng, cưa máy thay nhau xới tung hiện trường tìm kiếm đồng đội.

Nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện thời tiết mưa gió; hiện trường toàn bùn trộn đất, đá lầy lội; cường độ làm việc cao, khối lượng công việc lớn, bộ đội tốn rất nhiều sức lực. Các chiến sĩ áo quần ướt đẫm mồ hôi, dầm mình trong mưa gió, người dính đầy bùn đất; cần mẫn cắt từng phiến đá, xẻ từng thân cây; khệ nệ khiêng và chuyền nhau từng tảng đá; giữa buổi còn không dám nghỉ giải lao “vì còn nghỉ ngơi thì còn để thủ trưởng và đồng đội chờ”...

 Bữa ăn vội vàng của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 tại hiện trường cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: Trần Sâm.

Bữa ăn vội vàng của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 tại hiện trường cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: Trần Sâm.

21 giờ 30 phút tối 15-10-2020, bữa cơm muộn cuối ngày của cán bộ, chiến sĩ sau khi tìm thấy 13 đồng đội hy sinh; không khí trầm xuống; phần vì mệt, lạnh, đói, phần vì thương thủ trưởng và các đồng đội đã anh dũng hy sinh, vậy là không còn điều kỳ diệu; nhiều cán bộ, chiến sĩ cầm chén cơm mà nước mắt rưng rưng, lòng nghẹn ngào, cơm, thức ăn và nước mắt hòa vào nhau mặn chát.

Vừa hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại Tiểu khu 67, rạng sáng ngày 18-10-2020, lữ đoàn nhận lệnh chia đôi lực lượng làm hai mũi, một mũi tìm kiếm 15 công nhân bị vùi lấp do sạt lở đất tại nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, một mũi cơ động ứng cứu sạt lở núi tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Mũi 1, do Đại úy Vương Đình Tuệ, Phó đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 4 (Lữ đoàn 414) chỉ huy cùng 4 chiến sĩ công binh tăng cường cho Bộ CHQS và Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cơ động theo đường thủy trên sông Bồ tới nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 tập kết vật chất, khí tài, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các công nhân rút về đây; đồng thời tổ chức trinh sát mạng đường từ nhà máy Rào Trăng 4 đến Rào Trăng 3, báo cáo Sở chỉ huy tìm phương án tiếp cận cứu nạn.

 Chiến sĩ Công binh Lữ đoàn 414 trinh sát, cắm tuyến cảnh báo vị trí sạt lở trên trục đường 71 vào Rào Trăng 3. Ảnh: Đình Tuệ.

Chiến sĩ Công binh Lữ đoàn 414 trinh sát, cắm tuyến cảnh báo vị trí sạt lở trên trục đường 71 vào Rào Trăng 3. Ảnh: Đình Tuệ.

Mũi 2, ngay từ rạng sáng ngày 18-10-2020, 59 cán bộ, chiến sĩ công binh của Lữ đoàn Công binh 414 đã nhận lệnh của quân khu tức tốc di chuyển vào Hướng Hóa (Quảng Trị), chi viện cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở đất xảy ra tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4). Tại đây, ngày 21-10-2020, lực lượng lữ đoàn do Thượng tá Mai Văn Thanh, Phó lữ đoàn trưởng, tham mưu trưởng chỉ huy, phối hợp với Phòng Công binh quân khu và Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị trinh sát phương án mở đường, khắc phục sạt lở tại đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn lên một số xã bị cô lập của huyện Hướng Hóa, để các lực lượng tiếp cận, tiếp tế lương thực, thực phẩm, giúp đỡ nhân nhân vùng lũ; lực lượng còn lại ém quân chờ lệnh.

Sau một ngày trèo đèo, băng rừng, lội suối hàng chục km trinh sát tìm phương án mở đường lên Hướng Hóa giúp nhân dân vùng lũ, ngày 22-10-2020, lữ đoàn lại nhận lệnh cử một lực lượng công binh nổ mìn, phá đá vào Rào Trăng 3. Nhận lệnh từ Sở chỉ huy tiền phương, Trung tá Nguyễn Thành Hưng, Phó tham mưu trưởng lữ đoàn dẫn đầu một lực lượng nhanh chóng cơ động từ Quảng Trị vào Thừa Thiên-Huế; một lực lượng công binh của Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 414) thi công công trình ở Cam Lộ (Quảng Trị) được điều qua tăng cường; cùng với bộ phận tiền trạm tại Rào Trăng 4 do Đại úy Vương Đình Tuệ, Phó đại đội trưởng Đại đội 10 (Tiểu đoàn 4) chỉ huy, ba mũi đã hợp nhất lực lượng. Từ sáng ngày 22-10-2020 đến 7 giờ 30 phút ngày 23-10-2020 đã khoan nổ, phá xong tảng đá hơn 40 tấn, sạt xuống đường 71, khai thông tuyến đường vào Rào Trăng 3, để phương tiện cơ giới vào tiếp tục tìm kiếm các công nhân bị mất tích.

 Lực lượng Công binh Lữ đoàn 414 khoan, nổ mìn phá tảng đá nặng hơn 40 tấn trên trục đường 71, mở đường vào Rào Trăng 3. Ảnh: Đình Tuệ.

Lực lượng Công binh Lữ đoàn 414 khoan, nổ mìn phá tảng đá nặng hơn 40 tấn trên trục đường 71, mở đường vào Rào Trăng 3. Ảnh: Đình Tuệ.

Sau khi mở đường để các lực lượng vào Rào Trăng 3, đơn vị tiếp tục chia làm ba bộ phận: Một tổ đảm nhiệm trinh sát, cắm biển cảnh báo phạm vi có nguy cơ sạt lở từ Rào Trăng 4 đến Rào Trăng 3; một tổ tiếp tục khoản nổ mở rộng đường 71; một tổ sử dụng bộ thủy lực cứu hộ, cứu nạn Weber, tăng cường cho lực lượng cứu nạn của Bộ, quân khu và địa phương khẩn trương tìm kiếm các công nhân còn mất tích.

Trong nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, đã xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó, tận tâm, tận tụy với công việc, hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể. Đó là tấm gương Thượng tá Mai Văn Thanh, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 414. Vừa tốt nghiệp lớp cao cấp lý luận chính trị mấy hôm, chưa kịp ghé thăm gia đình, anh đã vội vã vào đơn vị chỉ huy cứu nạn; đôi chân anh không ngừng nghỉ, liên tục di chuyển để chỉ huy bộ đội; hô hét nhiều, cộng thêm dầm mưa, dãi gió dài ngày, giọng anh khản đặc vì mất tiếng. Hay Trung tá Nguyễn Thành Hưng, Phó tham mưu trưởng lữ đoàn, đang trong thời gian nghỉ phép cưới vợ, nhận được lệnh, anh vội vàng chào tạm biệt người vợ mới cưới để lao ngay vào đơn vị, cùng bộ đội xông pha trên tuyến đầu cứu nạn, dẫm lên trên tất cả hiểm nguy. Đó là Đại úy Vương Đình Tuệ, Phó đại đội trưởng Đại đội 10 (Tiểu đoàn 4) luôn xông xáo trong chỉ huy bộ đội cứu hộ, cứu nạn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy nổ mìn, phá đá mở đường vào Rào Trăng 3.

Đó là Trung sĩ Vũ Thành Đạt, Tiểu đội trưởng, Đại đội 12 (Tiểu đoàn 4) tích cực trong cứu nạn, làm ai cũng cảm động với câu nói: “Thấy thủ trưởng và đồng đội nằm nơi rừng sâu, nước độc cảm giác lạnh lẽo, cô đơn lắm, ai cũng nghẹn lòng anh ơi! Dù hy vọng mong manh những chúng em vẫn mong một điều kỳ diệu dưới từng lớp đất, vì vậy, ráng sức làm mà quên đi mệt nhọc”. Hay Binh nhất Nguyễn Phong Sắc, chiến sĩ Đại đội 11 (Tiểu đoàn 4) luôn xung phong trong nhiệm vụ khó với trải lòng: “Chưa bao giờ trong cuộc đời em trải qua một quãng thời gian nhiều xúc cảm như thế. Nhìn những đống đất đá đè lên người đồng chí, đồng đội của mình mà chúng em lòng đau như cắt, không ai bảo ai, nén đau thương thành hành động, gắng sức để sớm đưa thủ trưởng và đồng đội về với đơn vị và gia đình”. Đó là Thượng úy QNCN Lê Hữu Vân (Tiểu đoàn 4) phụ trách bộ phận nuôi quân cần mẫn, tận tâm với bữa ăn của bộ đội… Các đồng chí đã góp phần làm ngời sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, khẳng định lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ X “Ở đâu nhân dân gặp khó, ở đó có bộ đội giúp dân”.

 Bà con nhân dân huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) chung tay với chiến sĩ nuôi quân Lữ đoàn 414 chăm lo bữa ăn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: Đình Tuệ.

Bà con nhân dân huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) chung tay với chiến sĩ nuôi quân Lữ đoàn 414 chăm lo bữa ăn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: Đình Tuệ.

Còn nữa, đó là tình cảm của chị Thái Thị Thành, cô giáo Lê Thị Cẩm, Hoàng Thị Mộng, Trường tiểu học Phong Xuân, Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) cùng nhiều bà con nhân dân địa phương dành cho bộ đội trong những lúc “nước sôi, lửa bỏng”; hỗ trợ lương thực, thực phẩm; phụ giúp bộ đội vệ sinh khu vực đóng quân, bảo đảm hậu cần cho lực lượng cứu nạn như người mẹ, người chị trong gia đình, làm sáng ngời nghĩa tình quân dân trong gian khó.

Những ngày tới, tình hình khí hậu, thời tiết dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 vẫn đang duy trì nghiêm chế độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; rèn luyện đôi tay vững chắc, đôi chân bền bỉ, ý chí quyết tâm cao, mang theo trái tim rực lửa, sẵn sàng đi đến nơi Tổ quốc và Nhân dân cần.

HOÀNG THÁI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/dam-mua-doi-gio-loi-bun-tham-gia-tim-kiem-cuu-nan-dong-doi-642078