Đam mê với đồ gia dụng thủ công Việt Nam

Từng là sinh viên chuyên ngành Kiến trúc, từng theo học thạc sĩ và gắn bó với công việc kiến trúc sư hơn hai năm, Đào Lê Hồng Mỹ đã phối hợp với tay nghề của người nghệ nhân tạo nên những sản phẩm đồ gia dụng thủ công Việt Nam đẹp mắt.

Từ nhu cầu đảm bảo sức khỏe cho bản thân và người trong gia đình, Hồng Mỹ bắt đầu quan tâm nguồn gốc và chất liệu các sản phẩm đồ gia dụng. Chuyến đi thăm các làng nghề thủ công gần Hà Nội cũng khiến Hồng Mỹ nhận ra tiềm năng phát triển của lĩnh vực kinh doanh này. Năm 2016, một hộ kinh doanh đồ gia dụng thủ công Việt Nam mang tên “Trại Cá” đã bắt đầu được hình thành.

Hiện tại, Đào Lê Hồng Mỹ là một trong hai người dẫn dắt chính của Trại Cá. (Ảnh: NVCC).

Hầu hết các sản phẩm đồ gia dụng của “Trại Cá” đều sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường và được tạo thành từ những kỹ nghệ tinh xảo của những nghệ nhân nổi tiếng ở Việt Nam.

Thời gian đầu, nhiều người xung quanh không tin tưởng vào quyết định khởi nghiệp của Hồng Mỹ, cho rằng chỉ có người nước ngoài mới mua đồ gia dụng thủ công, còn người Việt không quen dùng các sản phẩm thế này. Nhưng dần dần, cô đã khẳng định được vị thế của "Trại Cá" trong ngành hàng đồ gia dụng, với gần 99% khách hàng là người Việt, trong 8 năm qua.

Ngoài đồ gia dụng, "Trại Cá" còn sản xuất các bộ quà tặng vào những dịp đặc biệt trong năm và bánh Trung Thu là một trong những sản phẩm được ưa chuộng nhất, bởi giá trị mà Trại Cá gửi gắm cùng với hương vị chiếc bánh. Không lâu đời như các thương hiệu bánh Trung Thu khác nhưng bánh Trung Thu của "Trại Cá" được làm bởi nghệ nhân Nguyễn Anh Văn - một nghệ nhân bánh truyền thống lão làng của Hà Nội, với gần 40 năm tuổi nghề. Ngoài ra, "Trại Cá" còn sử dụng các chất liệu thủ công truyền thống đơn thuần như hộp tre, vải thêu, giấy dó Ngô Đức, hoa văn Đại Việt… nhằm tôn vinh các kỹ thuật thủ công mỹ nghệ của người Việt, khiến hộp bánh Trung Thu giản dị nhưng không kém phần tinh tế.

Set bánh Trung Thu “Dó” là sự kết hợp giữa giấy dó, chỉ kim tuyến óng ánh bao quanh vỏ hộp và hoa văn Đại Việt. (Ảnh: NVCC).

Chuyến đi về các làng nghề truyền thống để tìm hiểu và vận dụng kỹ thuật của các nghệ nhân vào việc tạo ra sản phẩm đồ gia dụng đã cho cô những trải nghiệm quý giá về việc lựa chọn, xử lý và bảo quản các sản phẩm thủ công. Cũng có những chuyến đi đem lại cho Hồng Mỹ nhiều suy nghĩ vì có những kỹ nghệ không có người tiếp nối, có thể sẽ bị mai một.

Hồng Mỹ cho rằng, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống nói chung và các kỹ nghệ làng nghề nói riêng, điều quan trọng nhất là sự kiên nhẫn. Bởi vì, để có thể truyền được nghề, theo được nghề thủ công có phần nhàm chán, khó khăn thì đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn. “Ngày nay, các bạn trẻ và kể cả mình thường bị cuốn theo guồng quay công việc, khiến chúng ta thiếu đi sự kiên nhẫn, trở nên nóng vội, muốn mọi thứ có kết quả ngay. Nhưng đối với thủ công thì không thể nhìn thấy kết quả ngay, có thể là hàng năm, hàng chục năm, với sự nhẫn nại và lòng yêu nghề”, Đào Lê Hồng Mỹ chia sẻ.

Hồng Mỹ thả hồn vào từng sản phẩm thủ công. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, cô cũng cho rằng việc giữ gìn và phát huy phải phù hợp với nhu cầu thời đại, nghĩa là các giá trị truyền thống phải được ứng biến và sáng tạo vào các sản phẩm mà nó thực sự phục vụ cho đời sống hiện đại. Không thể vì muốn giữ gìn giá trị truyền thống mà sử dụng các sản phẩm hoài cổ hay lỗi thời.

Lan Huỳnh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/dam-me-voi-do-gia-dung-thu-cong-viet-nam-post1572251.tpo