Đậm dấu ấn làm báo trách nhiệm, nhân văn

Các cuộc thi viết do Báo Người Lao Động tổ chức thu hút đông đảo bạn đọc, bạn viết tham gia, trong đó có em nhỏ chỉ hơn 10 tuổi và cũng có cụ già đã gần 100 tuổi

Xác định rõ bên cạnh nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, cơ quan báo chí phải đồng hành với sự phát triển của đất nước và luôn hướng tới xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, Báo Người Lao Động đã liên tục tổ chức các cuộc thi viết với chủ đề đa dạng, thiết thực.

Khơi dậy mạnh mẽ, toàn diện sức dân

Ngày 29-8-2019, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM ban hành Kế hoạch 305/2019 về "Khảo sát, tiếp nhận ý kiến của nhân dân góp phần xây dựng TP HCM sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước". Là cơ quan ngôn luận của Thành ủy TP HCM, Báo Người Lao Động đã rất trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong việc lan tỏa và hiện thực hóa kế hoạch này thông qua phát động cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" vào ngày 24-9-2019.

Đến nay qua 4 năm, cuộc thi đã tổ chức được 4 lần. Trong lần thứ nhất, từ ngày 24-9-2019 đến 21-1-2020, Ban Tổ chức nhận được 71 tác phẩm dự thi với những hiến kế thiết thực góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình đột phá của TP HCM, như: giảm ô nhiễm môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển hạ tầng xã hội, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa - thể thao; phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo; xây dựng chính quyền thành phố hiệu lực, hiệu quả...

Sau thành công của lần 1, cuộc thi lần 2 bắt đầu từ ngày 4-6-2020 đến 31-5-2021 với 3 chủ đề chính: "Đô thị thông minh", "Khởi nghiệp - thương hiệu của TP HCM" và "Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM". Ban Tổ chức nhận được gần 50 bài viết, qua đó lựa chọn 20 tác phẩm vào vòng chung khảo.

Lần thứ 3 - với 87 tác phẩm gửi đến - là lần ghi nhận số lượng bài dự thi lớn nhất tính đến thời điểm này. Cuộc thi xoay quanh chủ đề: "Các giải pháp duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch COVID-19", "Hiến kế để TP HCM giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước", "Làm gì để chuyển đổi số thành công?".

Trong lần tổ chức thứ 4, cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" có chủ đề "Chỗ ở và nhà ở cho người thu nhập thấp", được phát động từ ngày 5-10-2022 đến 10-3-2023 và đã nhận được hơn 50 tác phẩm.

Cuộc thi lần 4 tiếp nối đợt 2 với chủ đề "TP HCM cần làm gì để phát huy hiệu quả Nghị quyết 31/2022?", dự kiến trao giải vào dịp lễ Quốc khánh 2-9 sắp tới. Hầu hết bài viết không đơn thuần chỉ để dự thi mà còn chứa đựng tâm huyết, ý thức trách nhiệm và tình cảm yêu quý đối với TP HCM của các tác giả. Vì thế, những hiến kế được đưa ra là "tài sản" quý cho TP HCM để duy trì vị thế "đầu tàu kinh tế" trong sự phát triển chung của đất nước.

Lãnh đạo TP HCM và các tác giả (là chuyên gia) đoạt giải trao đổi bên lề Lễ trao giải cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần 3 và phát động cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần 4Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Có thể khẳng định Báo Người Lao Động là tờ báo đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công cuộc thi nhằm lắng nghe góp ý, hiến kế của đông đảo người dân, chuyên gia tên tuổi trên nhiều lĩnh vực. Thành công của cuộc thi có ý nghĩa lớn, đúng như tiêu chí, mục đích đề ra: "Khơi dậy mạnh mẽ, toàn diện sức dân, bao gồm cả trí tuệ, kinh nghiệm và những bài học rút ra từ chính cuộc sống; qua đó huy động, tập hợp các sáng kiến để báo cáo lãnh đạo Thành ủy, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố thực hiện đạt kết quả cao các chương trình, chỉ tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM đã đề ra".

Nơi hội ngộ của người tốt - việc tốt

Bên cạnh cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế", có đến 3 cuộc thi viết đang "chạy" cùng lúc trên Báo Người Lao Động là "Lòng tốt quanh ta" (lần 2), "Người Thầy kính yêu" (lần 2) và "Người Thầy thuốc trong tôi" (lần 2). Điểm chung của cả 3 cuộc thi này là bạn đọc, bạn viết tìm tòi, phát hiện và thông qua bài dự thi đăng báo sẽ kể cho công chúng về những điển hình người tốt - việc tốt. Qua đó làm tấm gương sáng, truyền cảm hứng và tiếp thêm nghị lực cho người khác, đóng góp thiết thực cho cộng đồng và sự phát triển của đất nước.

Trong lần tổ chức đầu tiên, năm 2022-2023, "Lòng tốt quanh ta" đã nhận hơn 200 bài dự thi của bạn viết từ mọi miền Tổ quốc. Chân dung nhân vật rất đa dạng, từ doanh nhân, chủ trang trại, sĩ quan, cán bộ - công chức đến người dân bình thường... ở khắp nơi trong và ngoài nước.

Chị Võ Thị Sương (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), mẹ của nhân vật trong bài viết “Món quà vô giá của chàng trai ra đi ở tuổi 22” đoạt giải nhất cuộc thi “Lòng tốt quanh ta” năm 2022-2023, cùng con gái út Nguyễn Võ Anh Tú nhận phần quà của Ban Tổ chức cuộc thi và phần hỗ trợ kinh phí học tập từ chương trình “Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo”Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dù xuất thân khác nhau song tất cả đều chung lòng nhân ái, thương yêu con người, nhiệt thành giúp đỡ người nghèo khó, bệnh tật, yếu thế; hết lòng làm những việc họ biết là đúng để xây dựng xã hội, góp phần tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Từng bài viết khắc họa những chân dung sáng trong, bình dị mà lấp lánh tình người, tình yêu cuộc sống, chứa đựng niềm tin vào những giá trị tốt đẹp, vĩnh hằng của đời sống con người.

Không chỉ trao thưởng cho 8 tác giả của 8 tác phẩm đoạt giải cao nhất, Ban Tổ chức còn chọn ra hai trường hợp là nhân vật xuất sắc điển hình về người tốt - việc tốt trong tác phẩm đoạt giải đặc biệt và tác phẩm đoạt giải nhất để vinh danh, hỗ trợ tiền và quà - như tiếp thêm động lực để những tấm gương bình dị mà cao cả ấy càng thêm tỏa sáng.

Dấu ấn để lại của cuộc thi viết "Người Thầy thuốc trong tôi" và "Người Thầy kính yêu" lần 1 cũng hết sức ấn tượng. Những "chiến binh" blouse trắng xung phong lên tuyến đầu chống đại dịch COVID-19 hay chỉ là những điều dưỡng viên, nhân viên y tế lặng thầm nơi hậu phương hết lòng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân - tất cả đều tuyệt vời, xứng đáng được ngợi ca. Đâu chỉ dành trọn trái tim và khối óc cho bệnh nhân, cho sự bình yên của người dân, không ít y - bác sĩ còn hy sinh cả tính mạng trong trận chiến sống còn với đại dịch. Qua những trang viết cảm động, thậm chí gay cấn và khốc liệt, những người thầy thuốc đã hiện lên như những tượng đài về lòng nhân ái và đức hy sinh.

Trong khi đó, "Người Thầy kính yêu" kể nhẹ nhàng hơn, thâm trầm hơn về những người "đưa đò" qua bao thế hệ. Một cô bé 14 tuổi viết bài gửi dự thi, kể về người giáo viên em yêu quý. Nét chữ non xanh thể hiện tấm lòng trắng trong và tôn kính hết mực của cô học trò lớp 8. Một cụ bà đã 96 tuổi, tự tay viết bài trên giấy trắng, rồi ngồi đọc, nhờ con gái đánh máy gửi dự thi. Hay những tác giả dù tóc đã bạc trắng mái đầu mà vẫn nhớ như in ký ức về "lương sư" thuở nào của mình...

Qua những tác phẩm đó, độc giả Báo Người Lao Động được đọc, được biết rất nhiều điều hay, lẽ đẹp; được khai sáng bởi nhiều đại thụ đã đóng góp to lớn, miệt mài cho nền giáo dục Việt Nam. Và cũng từ đó, truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc một lần nữa được khẳng định, xiển dương.

Mỗi cuộc thi đều nhận được từ hơn 200 bài viết gửi đến (trong vòng một năm), cho thấy người tốt - việc tốt trong cuộc sống này còn nhiều lắm, vì thế mà Báo Người Lao Động có trách nhiệm tiếp tục giới thiệu và tôn vinh.

"Tự hào hàng Việt" vì giá trị Việt

Đầu tháng 7-2023, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi "Tự hào hàng Việt" nhằm chung tay thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, lan tỏa rộng hơn niềm tự hào về doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt. Dự kiến trao giải vào cuối tháng 9-2023, chỉ kéo dài hơn 2 tháng nhưng chương trình nhất định sẽ thu được nhiều kết quả ý nghĩa.

Chương trình đang tiếp tục nhận tác phẩm dự thi là bài viết và ảnh đơn hoặc loạt ảnh, xoay quanh chủ đề tiêu dùng hàng hóa - sản phẩm Việt Nam. Các nhóm đề tài viết bao gồm: tình cảm đối với hàng Việt; mua sắm thời nay; nội trợ thông minh; món ngon mẹ nấu; cùng vào bếp... Về ảnh/loạt ảnh, Ban Tổ chức tiếp nhận các tác phẩm ảnh đẹp siêu thị, ảnh vui tiêu dùng, ảnh về sản xuất - chế biến - bán hàng - giao hàng, về món ngon...

TỐ TRÂM - HOÀI DƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/dam-dau-an-lam-bao-trach-nhiem-nhan-van-20230727231249708.htm