Đầm Cù Mông - Điểm đến hấp dẫn

Trên đường thiên lý Bắc - Nam, khi qua khỏi đèo Cù Mông (hầm Cù Mông) là đến đầm Cù Mông. Đầm nằm trải dài dọc theo phía đông quốc lộ 1, thuộc TX Sông Cầu.

Đầm Cù Mông. Ảnh: LÊ CHÂU ĐẠO

Đầm nước lợ giàu tiềm năng

Đầm Cù Mông là đầm nước lợ, có diện tích 26,55km2, được bao bọc bởi 6 xã, gồm: Xuân Cảnh, Xuân Phương, Xuân Bình, Xuân Lộc, Xuân Hải, Xuân Thịnh. Theo quy hoạch đến năm 2025 khi TX Sông Cầu phát triển lên thành phố thì đầm Cù Mông thuộc khu vực nội thành.

Đầm được hình thành bởi dãy núi Cù Mông dài khoảng 15km, chạy dọc theo bờ biển tạo nên bán đảo Xuân Hải. Nhìn từ đỉnh núi Cù Mông xuống, đầm Cù Mông như dải lụa óng ả, nằm uốn lượn, len lỏi qua các thôn xóm với bóng dừa xanh bạt ngàn.

Đến với đầm Cù Mông, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên yên bình và thân thuộc, với những tán lá dừa xanh như chiếc lược khổng lồ chải trên nền trời, những cơn gió biển nhè nhẹ thổi, mặt đầm tĩnh lặng trong xanh, đôi lúc nổi lên vài gợn sóng lăn tăn theo làn gió. Nơi đây có Bãi Bàu, Bãi Rạng…, cửa biển dẫn vào đầm được che chắn bởi hai mỏm núi đá tạo thành vòng cung như vòng tay của mẹ biển Đông ôm ấp đứa con đầm Cù Mông.

Đầm còn được tô điểm thêm bởi cây cầu Bình Phú, nối đôi bờ Bình Định và Phú Yên. Từ ngày có cầu này và quốc lộ 1D đi Quy Nhơn, khu đông bắc Sông Cầu phát triển khá nhanh, Sông Cầu trở thành cửa ngõ phía bắc của tỉnh Phú Yên. Ngoài ra còn có chiếc cầu gỗ bắc ngang eo đầm, thu hút du khách đến check-in giữa màu xanh bạt ngàn của đầm.

Đến đầm Cù Mông, bạn đừng quên thưởng thức các món ăn hải sản như tôm hùm, cua, cá, mực, ghẹ… Nơi đây còn có những loài hải sản quý như sò đá, cá ngựa ngâm với rượu mang lại giá trị kinh tế cao.

Đề nghị xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia

Đầm Cù Mông từ lâu đã nuôi sống hàng ngàn người bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Nơi đây có đồng muối Tuyết Diêm với những hạt muối chắc, trắng tinh, là một trong những nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình làm nước mắm Gành Đỏ thơm ngon, có thương hiệu từ xa xưa.

Trong đầm còn có Hòn Nần là một đảo nhỏ, với các phiến đá chen nhau lô nhô, cây lá nơi đây không rậm rạp. Trên đảo Hòn Nần có một miếu thờ gọi là miếu Công Thần; đây là di tích ghi công những nghĩa sĩ quân của Nguyễn Ánh trong trận giao chiến với quân Tây Sơn. Hiện nay, miếu là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân.

Theo sử xưa, khi quân Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn rượt đuổi phải ẩn nấp vào Hòn Khô thuộc dãy núi Cù Mông. Trong thời gian tìm đường xuống chân núi để đi vào phía Nam, Nguyễn Ánh và binh lính của ông được người dân sống ở ven đầm tiếp tế lương thực để duy trì sự sống. Chuyện kể có một phụ nữ luống tuổi Phạm Thị lấy bánh nậm cho Nguyễn Ánh ăn và ngụy trang ông làm người dân bán bánh nậm, chỉ đường đi bằng ghe thuyền giúp ông thoát nạn lúc gian nguy. Sau khi lên làm vua, Nguyễn Ánh đã tìm về nơi đây để tạ ơn và tài trợ cho người dân tạo lập nên miếu Công Thần.

Ngoài ra nơi đây còn có di chỉ khảo cổ Gò Ốc, là ngọn đồi chạy dài dọc ven bờ đầm Cù Mông, thuộc xã Xuân Bình; di chỉ này được phát hiện năm 1980. Các cơ quan chuyên môn đã hai lần thăm dò, kết quả thu được đồ đá, đồ gốm và các di vật khác…

Theo Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025-2030, TX Sông Cầu phát triển lên thành phố, là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Phú Yên; trong đó đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài là hai công viên xanh ở khu vực nội thành. Đây là đặc trưng khác biệt của đô thị du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao Sông Cầu.

Được biết, hiện các cơ quan của tỉnh Phú Yên đang lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTT&DL xếp hạng đầm Cù Mông là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Được biết, hiện các cơ quan của tỉnh Phú Yên đang lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTT&DL xếp hạng đầm Cù Mông là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/314290/dam-cu-mong-diem-den-hap-dan.html