Đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà giáo khối công lập và ngoài công lập

Ngày 7-5, Bộ GD-ĐT tổ chức phiên họp toàn thể ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật Nhà giáo. Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).

Bộ GD-ĐT tổ chức phiên họp toàn thể ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật Nhà giáo.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau quá trình nỗ lực chuẩn bị, Luật Nhà giáo được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024), tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để phát triển đội ngũ nhà giáo.

“Đảng ta xác định 3 đột phá chiến lược là hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực. Ở đây, chúng ta đang thực hiện cho cả hai vấn đề là thể chế và nhân lực”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Ngành giáo dục xác định nhà giáo là yếu tố nền tảng, cốt lõi. Muốn thay đổi giáo dục, yếu tố đột phá chính là đội ngũ. Do đó, xây dựng Luật Nhà giáo cần làm sao có đủ yếu tố mới, mạnh mẽ trong đề xuất, vì sự phát triển của lực lượng nhà giáo.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) báo cáo tiến độ triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo, dự thảo tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục"; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục (trong đó có nhà giáo).

Cùng với đó, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo. Điều chỉnh các vấn đề về nhà giáo nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của nhà giáo.

Đồng thời, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển của giáo dục, khoa học, công nghệ trên thế giới (nhất là trí tuệ nhân tạo) để thực hiện 1 trong 3 đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cùng với đó, đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập. Xây dựng chính sách bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, an sinh và môi trường làm việc.

Tại phiên họp, các đại biểu, chuyên gia trao đổi, cho ý kiến góp ý liên quan đến đề cương chi tiết dự thảo Luật Nhà giáo; các nội dung trong dự thảo luật; lộ trình tổ chức biên soạn dự án Luật Nhà giáo và các nội dung khác có liên quan...

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dam-bao-su-binh-dang-giua-nha-giao-khoi-cong-lap-va-ngoai-cong-lap-post738742.html