Đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của trẻ khuyết tật

Nhằm thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục, những năm qua, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT tổ chức thực hiện dạy và học cho học sinh khuyết tật trên cơ sở kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu và khả năng. Tuy nhiên, để được thực hiện quyền tiếp cận giáo dục, tham gia vào giáo dục hòa nhập (GDHN) tại Phú Thọ vẫn còn có những khó khăn nhất định.

Lớp ghép - Khiếm thị của Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì hiện có 11 học sinh đang theo học.

Lớp ghép - Khiếm thị của Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì hiện có 11 học sinh đang theo học.

Thiếu cả nhân lực lẫn vật lực

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật (NKT) Việt Nam, cả nước có hơn 7 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo. Theo số liệu của Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 30.000 trường hợp NKT, số trẻ em khuyết tật khoảng 8.500 trẻ. Trẻ khuyết tật (TKT) thường được phân thành các nhóm sau: Trẻ khiếm thính, trẻ khiếm thị, trẻ khó khăn về học, trẻ khó khăn về vận động, trẻ khó khăn về ngôn ngữ, trẻ đa tật và trẻ có các dạng khuyết tật khác. Số lượng nhiều là thế, nhưng toàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở giáo dục chuyên biệt là Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì và 3 trung tâm GDHN được cấp phép trên địa bàn thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao, với số lượng học sinh khuyết tật được vào học rất ít so với nhu cầu đi học của trẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì, hằng năm, số lượng phụ huynh học sinh nộp hồ sơ dự tuyển đầu năm học rất lớn. Tuy nhiên do điều kiện cơ sở vật chất và số lượng giáo viên còn hạn chế nên số trẻ được nhận vào học ít hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Năm học 2023-2024, Trung tâm có 132 học sinh, chia thành 11 lớp, gồm 2 lớp khuyết tật, 1 lớp khiếm thị và 8 lớp khiếm thính với 27 giáo viên. Tuy nhiên, chỉ có 3 giáo viên trong số đó được đào tạo đúng chuyên ngành, còn lại là giáo viên phổ thông, sau khi được nhận vào làm, được tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành Giáo dục đặc biệt để có chứng chỉ hoặc phải được hướng dẫn, kèm cặp từ những giáo viên có kinh nghiệm lâu năm mới được dạy học.

Trong khi đó, theo thông tin từ Sở GD-ĐT, 3 trung tâm GDHN được cấp phép gồm: Trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN Hy Vọng (phường Vân Phú, TP Việt Trì), Trung tâm Hỗ trợ phát triển GDHN Trường An (phường Tiên Cát, TP Việt Trì) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển GDHN Bình Minh (thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao) có chương trình giảng dạy chủ yếu là sàng lọc phổ tự kỷ, can thiệp sớm và dạy kỹ năng sống với giáo trình riêng của trung tâm. Tổng số giáo viên của cả 3 trung tâm là 38 người, giảng dạy cho 160 học viên các lứa tuổi từ mầm non đến THCS.

Có thể thấy, tình trạng thiếu giáo viên có chuyên môn cũng là rào cản, khó khăn trong việc xử lý các tình huống xảy ra trong lớp hoặc giúp học sinh kiểm soát được hành vi, ổn định tâm lý, cũng như tiếp thu kiến thức phù hợp với mỗi cá nhân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có trường đào tạo về ngành Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Hùng Vương là đơn vị duy nhất trên địa bàn mở mã ngành Công tác xã hội trong đó có các môn: Tâm lý giáo dục, Chăm sóc sức khỏe tâm thần... nhưng mỗi năm số lượng học sinh đăng ký thi vào mã ngành này rất thấp, có những thời gian dừng tuyển sinh do không có học sinh đăng ký.

Bên cạnh đó, vấn đề về giáo án giảng dạy là điều khiến các giáo viên trăn trở. Hiện học sinh của Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì được học các môn văn hóa theo chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 chung của Bộ GD-ĐT dành cho học sinh khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ cấp tiểu học. Sách giáo khoa chuyên biệt dành cho học sinh lớp 1 khiếm thính, khuyết tật trí tuệ vẫn dùng bản thử nghiệm của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, sách chữ nổi đều xin sách cũ của Trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Sách giáo khoa ở các lớp 2-5 vẫn sử dụng sách giáo khoa phổ thông. Để phù hợp với thực tế địa phương, giáo viên phải soạn giáo án riêng nhằm áp dụng các phương pháp đặc thù với từng đối tượng học sinh khuyết tật. Không những vậy, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập hỗ trợ TKT còn thiếu thốn, sơ sài gây khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức của các em.

Cô giáo Vũ Thu Dung dạy các em lớp 1A- Khiếm thính cách diễn đạt câu hoàn chỉnh bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Cô giáo Vũ Thu Dung dạy các em lớp 1A- Khiếm thính cách diễn đạt câu hoàn chỉnh bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Không để trẻ khuyết tật bị bỏ lại phía sau

Nhận thức được những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực này, những năm qua, các tổ chức, cá nhân, ban, ngành, đoàn thể, các trung tâm và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã và đang không ngừng nỗ lực để khắc phục khó khăn, giúp TKT có cơ hội tiếp cận giáo dục một cách công bằng qua những việc làm cụ thể.

Bà Hoàng Thị Chí Thành - Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: Thời gian qua, Hội đã tích cực vận động, tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động bảo trợ cho hàng nghìn lượt NKT với tổng giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Đặc biệt, Hội đã vận động, kết nối các tổ chức, nhà hảo tâm chăm lo, tặng quà và học bổng cho học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật.

Đơn cử như trường hợp em Phùng Thị Ngọc Ánh ở khu 8, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông hiện đang là sinh viên Khoa Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Hùng Vương bị mắc bệnh xương thủy tinh từ nhỏ, hai chân bị liệt, sức khỏe yếu, gia đình em thuộc diện khó khăn, bố mất, mẹ không có việc làm ổn định. Trước hoàn cảnh của em, Hội đã vận động các nhà hảo tâm tặng xe lăn, kết nối tổ chức phi chính phủ “Trả lại tuổi thơ” của Mỹ trao tặng học bổng và máy tính cho em trị giá 70 triệu đồng. Có học bổng và máy tính xách tay đã góp phần chia sẻ áp lực kinh tế cho gia đình, giúp em thuận tiện hơn trong học tập, tạo động lực vươn lên trong cuộc sống.

Mới đây, Hội cũng đã hoàn thành việc khảo sát về tiếp cận giáo dục của TKT theo Đề án 1190 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, qua đó tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các nhóm đối tượng để đề xuất đưa ra các định hướng, chính sách phù hợp. Còn tại các trung tâm và cơ sở GDHN, công tác giáo dục chuyên biệt cũng đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho TKT.

Cô giáo Vũ Thu Dung - Giáo viên của Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì cho biết: “Nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy thực tế, Trung tâm thường xuyên kết nối và tổ chức các khóa đào tạo, lớp học bồi dưỡng cho giáo viên. Hiện tôi cùng 3 giáo viên nữa đang tham gia lớp học trực tuyến do Khoa Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức vào mỗi buổi tối nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng giáo trình chuyên biệt, áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả cao vào thực tế. Ngoài ra, chúng tôi cũng được trau dồi thêm kỹ năng xử lý tình huống khi chăm sóc và dạy dỗ các con”.

Với phương pháp giáo dục mang tính đặc thù riêng, ngoài trình độ chuyên môn vững vàng, các giáo viên ở đây còn phải có lòng yêu nghề, mến trẻ, tinh thần trách nhiệm cao và nghị lực vượt qua chính bản thân, chịu được áp lực công việc bởi dạy học sinh chuyên biệt, vất vả hơn nhiều so với dạy cho học sinh bình thường. Không chỉ dạy chữ, các cô còn dạy cách cầm thìa tự xúc cơm ăn, rửa tay sau khi đi vệ sinh, gấp chăn màn sau khi ngủ dậy, bỏ rác đúng nơi quy định... để các em có khả năng tự phục vụ bản thân trong sinh hoạt hàng ngày. Hơn thế nữa, Trung tâm cũng tạo điều kiện cho các em tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, sinh hoạt ngoại khóa như tham gia vào các hội diễn văn nghệ, giải thể thao dành cho NKT toàn quốc, dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ, tham quan, thăm các địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước... Những hoạt động này đã giúp TKT hình thành, phát triển nhân cách và kỹ năng sống cần thiết; giúp các em trở thành những thành viên độc lập, hòa nhập cộng đồng nhanh chóng và tích cực.

Trong quý IV năm 2023, Bộ GD-ĐT đã liên tiếp tổ chức các tọa đàm xin ý kiến về một số nội dung chính thuộc quy hoạch hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên biệt đối với NKT, hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt với NKT và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh các chỉ tiêu đề ra, Bộ dự kiến thành lập mới 30 trung tâm trên toàn quốc, trong đó có 4 trung tâm tại Hà Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Kiên Giang được đầu tư chuyên sâu vào chức năng tổ chức dạy học và giáo dục đối với TKT, đi kèm với đó là phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, được chuẩn hóa về trình độ theo yêu cầu ngày càng cao của giáo dục đối với NKT. Qua đó hiện thực hóa mục tiêu đáp ứng cơ hội công bằng trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ giáo dục có chất lượng, học tập suốt đời đối với NKT ở tất cả địa phương.

Cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, mong rằng, toàn xã hội sẽ tiếp tục chung tay trợ giúp NKT, mang nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục hơn cho TKT, để trẻ được học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh, hòa nhập tốt với cộng đồng, phát huy hết khả năng của mình, đóng góp cho gia đình và xã hội, không có trường hợp nào bị bỏ lại phía sau.

Phương Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dam-bao-quyen-tiep-can-giao-duc-cua-tre-khuyet-tat-211899.htm