Đảm bảo cung ứng hàng hóa dịp Tết ở miền núi

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu mua sắm hàng hóa người dân tăng cao. Ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, chưa có hệ thống siêu thị, thì các điểm bán hàng bình ổn giá là địa chỉ mua sắm tin cậy của người tiêu dùng, vì lượng hàng hóa đa dạng, phong phú, đảm bảo nguồn hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với giá cả luôn ổn định.

Có mặt tại điểm bán hàng bình ổn giá tại khu Hà Biên, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, không khí mua sắm nhộn nhịp, trên kệ, hàng hóa luôn được nhân viên xếp đầy để phục vụ bà con tới mua sắm Tết. Bà Nguyễn Lệ Thủy - chủ điểm bán hàng cho biết: Xuất phát từ mong muốn đưa những sản phẩm hàng hóa chất lượng, giá cả ổn định, đem lại lợi ích cho người dân địa bàn miền núi, từ năm 2015, gia đình tôi đã đăng ký Điểm bán hàng Việt và bình ổn giá của huyện, hàng năm thực hiện ký cam kết với Sở Công thương và lực lượng quản lý thị trường. Điểm bán hàng phục vụ người dân trên địa bàn xã và các xã lân cận với lượng khách hàng trung bình 2.000 lượt/tháng. Để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân, chúng tôi đã chủ động ký kết, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà phân phối để luôn chủ động nguồn hàng hóa. Hiện tại điểm bán hàng luôn duy trì trên 2.000 mặt hàng khách nhau, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu. Do chủ động được nguồn hàng, nên không có tình trạng thiếu hàng, khan hàng. Qua đó, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, có thu nhập không cao.

Điểm bán hàng bình ổn giá của bà Nguyễn Lệ Thủy ở khu Hà Biên, xã Võ Miếu là điểm bán hàng uy tín được đông đảo bà con trong và ngoài xã tin tưởng lựa chọn mua sắm dịp Tết.

So với năm trước, dịp Tết Nguyên Đán năm nay, nhu cầu hàng hóa của bà con tăng cao hơn. Bên cạnh thực phẩm khô, bánh kẹo Tết, các mặt hàng trang trí nhà cửa là mặt hàng được nhiều người chọn mua. Sự chuyển biến lớn nhất đối với cư dân địa bàn miền núi là bên cạnh tâm lý lựa chọn hàng hóa kỹ càng, ngoài các sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp lớn, uy tín còn lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có sự so sánh giá cả trên thị trường.

Vào dịp cuối năm và thời điểm trước, trong, sau Tết Nguyên Đán nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân trong xã tăng cao đột biến, tại những điểm bán hàng bình ổn giá luôn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ lượng hàng hóa. Bên cạnh các chương trình kích cầu tiêu thụ, các chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp, nhà phân phối, cửa hàng ký kết với các nhà cung ứng, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm như: Gạo, bánh kẹo, thực phẩm khô, nước giải khát các loại... nhằm đáp ứng nhu cầu của bà con.

Cửa hàng thực hiện nghiêm cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, buôn bán, tàng trữ hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không đầu cơ, găm hàng trục lợi, thực hiện niêm yết giá công khai và bán hàng đúng giá niêm yết. Qua đó, đảm bảo cung ứng hàng hóa, phát triển mạng lưới phấn phối bán lẻ tại địa phương cũng như đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn hàng giả và gian lận thương mại - Bà Thủy cho biết thêm.

Bà Nguyễn Lệ Thủy (người bên phải) tư vấn về hàng hóa cho khách hàng.

Đối với địa bàn miền núi, các điểm bán hàng bình ổn giá đã trở thành “cầu nối” giúp các doanh nghiệp đưa các sản phẩm mới đến gần hơn với người tiêu dùng. Cùng với các chủ trương chăm lo cho người dân an vui đón Tết, các điểm bán hàng bình ổn giá đã góp phần mang đến cho đồng bào vùng sâu, vùng xa có thêm nhiều cơ hội mua sắm hàng hóa đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và giá cả phù hợp.

Thùy Phương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/dam-bao-cung-ung-hang-hoa-dip-tet-o-mien-nui/206713.htm