Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong bếp ăn trường học

Cùng với việc nâng cao chất lượng hoạt động dạy học, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành giáo dục tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện để học sinh có bữa ăn an toàn, đảm bảo dinh dưỡng.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Mầm non xã Đề Thám, huyện Tràng Định

Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 650 bếp ăn tập thể (trong đó, có trên 360 bếp ăn đạt tiêu chuẩn “bếp ăn 1 chiều”). Để đảm bảo an toàn cho học sinh ăn bán trú tại trường, những năm gần đây, ngành GD&ĐT chú trọng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động của các bếp ăn bán trú; sở yêu cầu các trường có bếp ăn tập thể cải thiện chất lượng bữa ăn bằng cách thay đổi khẩu phần ăn theo từng bữa, tăng chất dinh dưỡng cho bữa ăn và thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSTP từ khâu nhập nguyên liệu cho đến chế biến… Kết quả, trong 5 năm học gần đây, toàn ngành không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm nào từ các bếp ăn trường học.

Vào những ngày đầu tháng 10/2023, chúng tôi có mặt tại Trường Mầm non 2/9, thành phố Lạng Sơn và được tận mắt theo dõi quy trình chế biến nguyên liệu ở bếp ăn, mọi khâu chế biến đều sạch sẽ, gọn gàng. Cô Đoàn Ngọc Linh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để đảm bảo ATVSTP, nhà trường chỉ nhập thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng theo hợp đồng mua bán với đơn vị cung ứng. Quá trình giao nhận thực phẩm được Ban Giám hiệu cùng kiểm tra, đánh giá chất lượng. Nhà trường kiên quyết “nói không” với thực phẩm đông lạnh, thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

Không chỉ ở Trường Mầm non 2/9, để đảm bảo ATVSTP, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã yêu cầu 100% trường học tổ chức ăn bán trú trên địa bàn ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các cơ sở có uy tín, chỉ sử dụng những thực phẩm có xuất xứ rõ ràng. Cùng đó yêu cầu 100% trường tổ chức ăn bán trú phải lưu mẫu thức ăn trong 24 giờ. Ngoài ra, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố thường xuyên thành lập tổ kiểm tra (ít nhất 2 lần/năm học) kiểm tra nguồn thực phẩm đưa đến các trường và kiểm tra khâu sơ chế, sử dụng, cũng như bảo quản thực phẩm trong bếp ăn. Về phía các trường tổ chức ăn bán trú cũng đã ưu tiên lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, theo mùa, có sẵn tại địa phương, khi chế biến món ăn tạo sự hấp dẫn, ngon miệng cho trẻ; tích cực xây dựng khẩu phần ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi học sinh…

Bà Hoàng Thanh Hoa, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Lãng cho biết: Toàn huyện có 42 trường học tổ chức ăn bán trú với 42 bếp ăn, trong đó có 13 bếp đạt tiêu chuẩn “bếp ăn một chiều”, các trường còn lại thực hiện nấu ăn theo nguyên tắc một chiều. Mỗi trường có từ 2 đến 5 nhân viên tùy thuộc vào số lượng học sinh. Phòng yêu cầu 100% nhân viên nấu ăn phải có chứng chỉ nghề, hằng năm có giấy khám sức khỏe, lĩnh hội được các kiến thức dinh dưỡng, cách chế biến món ăn cho học sinh, tạo hứng thú cho học sinh ăn hết suất, đủ chất và lượng.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, toàn ngành hiện có trên 1.600 nhân viên nấu ăn trong đó 97% nhân viên đã được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức ATVSTP, gần 100% nhân viên được khám sức khỏe định kỳ. Nhờ đó, chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh trên địa bàn tỉnh ngày càng được đảm bảo. Qua tìm hiểu tại một số trường học, đơn cử tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh như: Trường Mầm non 8/3, 2/9, Hoàng Văn Thụ, 19/5 (thành phố Lạng Sơn); Đào Viên, Chí Minh (Tràng Định); thị trấn Na Sầm (huyện Văn Lãng)… cho thấy, kết quả cuối năm học 2022 – 2023: trẻ đạt cân nặng phát triển bình thường luôn đạt trên 98% tăng từ 1% đến 3%, trẻ suy sinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 1% đến 2%, trẻ có chiều cao phát triển bình thường đạt trên 98% tăng 1% đến 3% so với năm học 2017 – 2018.

Việc đảm bảo ATVSTP tại các bếp ăn trong trường học luôn là vấn đề cần sự chung tay của các nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Mặc dù nhiều năm gần đây không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm nào song vấn đề này vẫn cần được các trường quan tâm thực hiện thường xuyên, không chủ quan, lơ là. Trong thời gian tiếp theo, cùng với áp dụng các biện pháp trên, ngành GD&ĐT tiếp tục đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp nâng cao chất lượng bữa ăn để học sinh được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ.

THU HIỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/615925-dam-bao-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-trong-bep-an-truong-hoc.html