Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

BHG - Thời tiết nắng nóng kéo dài trong mùa Hè là môi trường thuân lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển trong các loại đồ ăn, thức uống, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP). Chính vì vậy, việc kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là việc hết sức quan trọng.

Chị Phạm Lan Phương, phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) thường xuyên chọn các siêu thị, cửa hàng để lựa chọn thực phẩm đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. Chị chia sẻ: “Mùa Hè thức ăn, rau, củ, quả để ngoài rất nhanh hỏng, vì vậy tôi lựa chọn những cửa hàng, siêu thị có thực phẩm được bảo quản quy chuẩn, sạch sẽ, có hạn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đồng thời để phòng tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra trong mùa Hè, tôi thường không nấu nhiều thức ăn, tránh thức ăn dồn ứ lại bữa sau, vừa đảm bảo thức ăn đa dạng, phong phú lại tươi, mới”.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Hà Giang.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Hà Giang.

Tại các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, mặc dù trời nắng nóng nhưng lượng khách hàng sử dụng dịch vụ vẫn khá đông. Chị Đỗ Ngọc Duyên, chủ cửa hàng Bánh bao Bếp mẹ Bơ (thành phố Hà Giang) chia sẻ: “Quán tôi làm các loại bánh bao, từ bánh bao chay đến bánh bao nhân, các loại nhân đa dạng (thịt bò, thịt gà, phô mai), trong thời điểm nắng nóng để tránh thức ăn có thể ôi, thiu, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho nên nguyên liệu đầu vào tôi nhập vừa đủ, bán hết trong ngày, đảm bảo thức ăn được tươi ngon, an toàn cho sức khỏe của thực khách”.

Trong mùa nắng nóng như hiện nay, rất dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm do nhiệt độ tăng cao làm ảnh hưởng chất lượng thực phẩm. Chưa kể tình trạng thiết bị bảo quản không đầy đủ, không đảm bảo vệ sinh, chế biến thức ăn không kỹ, nấu xong không ăn ngay, hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các chợ còn tình trạng nhiều loại thực phẩm chín bày bán sát cạnh thực phẩm sống, điều này không chỉ gây mất vệ sinh mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo. Chính vì vậy cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu vật phẩm tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực 3 miền Bắc – Trung – Nam Hà Giang 2023.

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu vật phẩm tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực 3 miền Bắc – Trung – Nam Hà Giang 2023.

Trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm làm 21 người mắc, 2 trường hợp tử vong. Chi cục ATVSTP tỉnh đã triển khai các cuộc kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học, doanh nghiệp; thành lập 235 đoàn thanh tra, kiểm tra 1.815 cơ sở. Trong đó, số cơ sở đạt 1.713, chiếm tỷ lệ 94,4%; 102 cơ sở không đạt, chiếm tỷ lệ 5,6%; 21 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính; tổng số tiền xử phạt là 46,8 triệu đồng; 35 kg thực phẩm bị tiêu hủy. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Viện Kiểm nghiệm quốc gia vệ sinh ATTP thực hiện xét nghiệm phục vụ cho công tác công bố tiêu chuẩn sản phẩm, công tác kiểm nghiệm mẫu xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, công tác kiểm tra ATTP, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm.

Đại diện Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi rút phát triển, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm rất cao. Chính vì vậy, việc bảo quản thực phẩm cần cẩn thận theo đúng nguyên tắc, tuyệt đối không để lẫn thực phẩm chín đã qua chế biến với thực phẩm sống. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tăng cường tuyên truyền kiến thức về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người dân; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm bị bệnh chết, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động, thực vật có nguy cơ có độc như: Côn trùng lạ, các loại nấm, cây, quả, rau rừng khoáng rõ…

Đặc biệt cần bảo đảm vệ sinh tay, dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch để chế biến thực phẩm; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh, thực hiện ăn chín, uống sôi; tiếp tục tổ chức kiểm tra theo kế hoạch hay đột xuất đối vơi các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước về đảm bảo VSATTP.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202308/dam-bao-an-toan-thuc-pham-mua-nang-nong-f6848c0/