Đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ

ĐBP - Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15 hồ chứa nước, trong đó 14 hồ đã đưa vào khai thác sử dụng với tổng dung tích hơn 64,5 triệu mét khối. Tuy nhiên, nhiều đập, hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị bồi lắng, hư hỏng, xuống cấp, giảm công năng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn... Trước tác động của thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, cơ quan chức năng và các đơn vị quản lý, khai thác công trình trên địa bàn tỉnh đã chủ động kiểm tra, sửa chữa và xây dựng phương án ứng phó, bảo vệ công trình trong mùa mưa lũ.

Cán bộ Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên kiểm tra cao trình mực nước và an toàn hồ đập tại hồ Huổi Phạ.

Theo phân cấp quản lý, Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên được giao quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ 13 hồ chứa nước, với tổng dung tích thiết kế hơn 66,7 triệu mét khối và UBND huyện Tủa Chùa quản lý, vận hành 1 hồ chứa nước. Qua kiểm tra đánh giá bằng trực quan của cơ quan chức năng trước mùa mưa lũ năm 2022, các đập, hồ chứa cơ bản đều đảm bảo an toàn, sẵn sàng tích nước trong mùa mưa. Các đơn vị quản lý khai thác đã lập bản kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa theo quy định; các hồ chứa đang khai thác đã lập quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với những công trình hư hỏng nhỏ, đơn vị đã chủ động triển khai sửa chữa, đảm bảo yêu cầu. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn, hiện có một số hồ chứa thủy lợi được sửa chữa, nâng cấp (Pa Khoang, Bản Ban, Sái Lương, Hồng Sạt, Bồ Hóng) từ nguồn vốn Trung ương.

Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, đánh giá tình trạng các hồ chứa nước, nhất là các công trình đầu mối quan trọng để sửa chữa, khắc phục kịp thời những hư hỏng, xuống cấp. Đồng thời kiểm tra các hạng mục đập dâng nước, tràn xả lũ, cống lấy nước, cống xả cát; chuẩn bị vật tư, trang thiết bị dự phòng trước, trong mùa mưa lũ. Cùng với đó, đơn vị đã xây dựng phương án phòng, chống lũ phù hợp, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường, gây mất an toàn. Công ty đã phân công cán bộ, công nhân phụ trách các hồ, đập và duy trì chế độ trực 24/24 giờ.

Mặc dù qua kiểm tra, đánh giá trực quan hiện trạng thì các hồ chứa cơ bản đều đảm bảo an toàn, nhưng do được đầu tư từ lâu, một số hồ chứa đã xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng dẫn đến dung tích trữ nước bị hạn chế, không đảm bảo như thiết kế. Qua rà soát, hiện nay có 11 hồ chứa đã đến kỳ điều chỉnh quy trình vận hành nhưng chưa được thực hiện; 1 hồ chứa chưa lập quy trình vận hành (hồ Sông Ún). Về công tác kiểm định an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, có 8/14 hồ chứa thủy lợi đang khai thác sử dụng đã đến kỳ kiểm định, nhưng chưa được tổ chức kiểm định; các đơn vị chưa thực hiện lập quy trình bảo trì công trình hồ chứa thủy lợi... Nguyên nhân là do chưa có nguồn kinh phí.

Bên cạnh đó, hiện nay mới chỉ có 3/14 hồ được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành và 6/14 hồ có thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập. Trong công tác lập và rà soát, điều chỉnh, bổ sung hàng năm phương án ứng phó thiên tai, hiện có 13 hồ chứa đã lập nhưng chưa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo quy định, có 3 hồ đã lập và được UBND tỉnh phê duyệt (Pa Khoang, Nậm Ngám, Nậm Khẩu Hu); còn 10 hồ đã lập nhưng chưa được phê duyệt và 1 hồ chưa lập. Hiện nay 4 hồ có đập bị thấm nước và lún mức độ nhẹ (Pe Luông, Bản Ban, Hồng Khếnh và Na Hươm); 1 tràn xả lũ thuộc hồ Pe Luông bị xói lở mức độ nặng; dàn van cống lấy nước của hồ Sái Lương hư hỏng nhẹ.

Theo ông Hoàng Văn Viên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì do nguồn ngân sách của địa phương còn hạn chế nên chưa có kinh phí để thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước như: Kiểm định an toàn đập hồ chứa; lập quy trình bảo trì công trình; lắp đặt thiết bị quan trắc công trình và thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành; thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập, lập phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình, sửa chữa nâng cấp... Trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi chưa thực hiện đền bù, thu hồi đất gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ công trình.

Để đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là vào mùa mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Tổng cục Thủy lợi quan tâm xem xét, trình Chính phủ bố trí nguồn vốn cho địa phương thực hiện sửa chữa nâng cấp các hồ: Hồng Khếnh, Pe Luông, Na Hươm và thực hiện các các nội dung về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước khác trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phong-chong-thien-tai/197004/dam-bao-an-toan-ho-dap-mua-mua-lu