Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trong mùa mưa bão

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, để hạn chế rủi ro cho người và tài sản của ngư dân, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn trên tàu cá, cơ quan chức năng và các địa phương còn triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Ngư dân thu gọn giàn tăng gông trên tàu chụp mực trước khi vào khu neo đậu tránh trú bão - Ảnh: L.A

Thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền và ngư dân nhiều nhất tỉnh. Toàn thị trấn có 161 tàu thuyền khai thác thủy sản với tổng công suất trên 52.000 CV. Trong đó, tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên chuyên đánh bắt ở các vùng biển xa là 97 chiếc.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm vươn khơi bám biển, vấn đề cần quan tâm trước tiên của ông Nguyễn Văn Ngọc, thuyền trưởng tàu cá QT 92756TS khi chuẩn bị cho chuyến đánh bắt hải sản dài ngày ở vùng biển xa đó là diễn biến thời tiết trên biển ít nhất trong khoảng 10 - 15 ngày tới. Bên cạnh đó, việc tu sửa, bảo dưỡng máy tàu, máy phát điện, kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc để kịp thời nắm bắt những thông tin thời tiết trên biển cũng được ông và các thuyền viên thực hiện xong trước mùa mưa bão.

“Đi biển mùa mưa bão lo nhất là hệ thống thông tin liên lạc không được thông suốt. Vì thế, ngoài thiết bị giám sát hành trình, tàu cá của tôi còn có máy thông tin liên lạc tầm xa (máy ICOM), thiết bị nhận dạng tàu cá (AIS)... Trước mỗi chuyến ra khơi tôi đều đích thân kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống này, chỉ khi hoạt động tốt, tàu mới ra khơi. Nếu phát hiện hỏng hóc phải sửa chữa, thay thế ngay”, ông Ngọc cho biết.

Còn với ngư dân Ngô Văn Ánh, chủ tàu cá QT 94295TS, ngoài việc thường xuyên kiểm tra máy móc, trang thiết bị nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động trên biển thì việc đảm bảo an toàn khi cập bến, neo đậu, tránh trú cũng được ông hết sức quan tâm. Theo ông Ánh, mùa mưa bão những năm trước có một số tàu cá trong quá trình ra vào cửa lạch bị tác động của sóng gió làm hư hỏng bánh lái, trang thiết bị trên tàu, tốn chi phí hàng chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng để sửa chữa, khắc phục.

Do vậy, để đảm bảo an toàn cho tàu cá, ông luôn tuân thủ quy định của chính quyền địa phương và hướng dẫn của cơ quan chức năng khi neo đậu tàu thuyền. Giữ vị trí, khoảng cách an toàn giữa các tàu cá; trên mạn tàu có sẵn phao xốp, lốp xe ô tô, các vật liệu chống va đập, tránh gây hư hỏng thiết bị, vỡ mạn tàu thuyền. Thiết bị máy móc, ngư lưới cụ được chằng buộc chắc chắn, tránh hư hỏng khi mưa bão xảy ra.

Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Nguyễn Xuân Phương cho biết, thời gian qua, địa phương luôn chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức để ngư dân chủ động bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản khi hoạt động trên biển; phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn xử lý tình huống thiên tai, sóng to, gió lớn trên biển; hỗ trợ áo phao, túi thuốc trang bị trên tàu, thuyền cho ngư dân. Đồng thời, đề nghị tàu thuyền khi hoạt động trên biển phải thông báo cụ thể ngư trường để cơ quan chức năng biết, hỗ trợ khi có tình huống xấu xảy ra.

“Chúng tôi luôn yêu cầu các chủ tàu cá cũng như thuyền viên trên địa bàn thị trấn phải đề cao cảnh giác, chấp hành quy định, hướng dẫn của địa phương và các cơ quan chức năng trong quá trình vươn khơi, khai thác hải sản. Trang bị đầy đủ máy thông tin liên lạc tầm xa, thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định. Kiểm tra, bổ sung thiết bị cứu hộ, cứu nạn như áo phao, phao tròn...

Yêu cầu ngư dân trong quá trình hoạt động trên biển, khi nhận được thông tin hoặc thấy pháo hiệu từ đất liền phải khẩn trương di chuyển tàu, thuyền về bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn gần nhất theo sự chỉ dẫn của cơ quan chức năng. Trong quá trình neo đậu trú tránh bão tại các âu thuyền, cảng cá phải luôn tuân thủ quy định của pháp luật”, ông Phương cho hay.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh cho biết, đến nay toàn tỉnh có khoảng 2.300 tàu thuyền các loại với tổng công suất trên 139.000 CV. Để đảm bảo an toàn hoạt động đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân trong mùa mưa bão, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương ven biển tích cực tuyên truyền cho ngư dân về điều kiện bảo đảm an toàn cho tàu thuyền khi ra khơi trong mùa mưa bão, nhất là các tàu đánh bắt xa bờ.

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thuyền viên; khi tàu thuyền xuất bến phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị an toàn cho thuyền viên. Chỉ đạo Chi cục Thủy sản hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng sử dụng, khai thác các chức năng thông tin trên máy thông tin liên lạc để theo dõi nhằm có giải pháp tránh bão, áp thấp, gió mùa Đông Bắc...

Thông báo tần số gọi cấp cứu, khẩn cấp của hệ thống Đài thông tin duyên hải đến toàn bộ các tàu cá xa bờ để được ứng cứu kịp thời khi có sự cố hàng hải. Phối hợp với các địa phương ven biển tập trung công tác kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền tránh trú để đảm bảo an toàn trong thiên tai; rà soát, sắp xếp, bố trí các điểm neo đậu phù hợp, bố trí nhân lực để hướng dẫn tàu thuyền vào bến an toàn, sắp xếp tàu cá neo đậu, tránh trú bão đúng quy định.

Yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của tàu cá, trang bị đầy đủ hệ thống bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá như: trang thiết bị cứu sinh gồm phao áo, phao tròn, phao bè, can nhựa...; cứu thủng (vải bạt, máy bơm, nêm gỗ ); cứu hỏa (máy bơm, bình chữa cháy, chăn...); trang bị tín hiệu (đèn tín hiệu, đèn đánh cá, đèn neo, vật hiệu, âm hiệu...); hệ thống thông tin liên lạc (máy thu phát vô tuyến điện, máy đàm thoại sóng ngắn, máy HF tầm xa và thiết bị giám sát hành trình...) trước khi đưa tàu ra khơi hoạt động.

Bố trí thuyền viên làm việc trên tàu theo định biên an toàn tối thiểu của tàu cá. Tổ chức thành các đoàn, tổ, đội... khi đi khai thác trên biển để hỗ trợ nhau trong sản xuất, chia sẻ thông tin về ngư trường, thời tiết, kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau xử lý rủi ro trên biển, tổ chức dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm, tương trợ gia đình các tổ viên, phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

“Việc đảm bảo kết nối thông tin liên lạc từ đất liền với những tàu cá đang đánh bắt trên biển trong mùa mưa bão đã giúp hạn chế thiệt hại về người và tài sản cho ngư dân Thực tế cho thấy, ý thức phòng, chống thiên tai của ngư dân được nâng cao nên chủ động giữ kết nối với đất liền. Nghiêm túc thực hiện hướng dẫn của ngành chức năng, góp phần nâng cao mức an toàn cho tàu cá hoạt động trên biển trong mùa mưa bão”, ông Vinh nhấn mạnh.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/dam-bao-an-toan-cho-tau-thuyen-trong-mua-mua-bao/181348.htm