Đảm bảo an toàn các công trình mùa mưa bão

Công nhân hồ chứa nước Phú Xuân kiểm tra hệ thống cáp mở cửa tràn xả lũ của hồ. Ảnh: THỦY TIÊN

Mùa mưa bão đã gần kề, các ngành chức năng, địa phương đang triển khai nhiều biện pháp để kịp thời ứng phó, đảm bảo an toàn các công trình, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

Chủ động ứng phó tại các vùng xung yếu

Theo Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh còn nhiều khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến khu dân cư và cơ sở hạ tầng xung quanh, tập trung chủ yếu dọc các bờ sông Ba, Bàn Thạch, Kỳ Lộ và bờ biển.

Theo ông Nguyễn Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa), khu vực dọc sông Ba đoạn từ cuối thôn Lạc Mỹ đến thôn Liên Thạch dài khoảng 2,5km đang bị nước sông Ba “lấn” sâu vào khu dân cư. Trong khi đó, toàn bộ khu vực này có khoảng 600 hộ dân đang sinh sống nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão sắp tới. Cũng theo ông Thắng, nhiều năm nay, địa phương thực hiện trồng tre dọc bờ sông để gia cố. Vào thời điểm có bão lũ, chúng tôi sẽ cập nhật mực nước lũ trên sông thường xuyên để thông báo đến người dân, cử lực lượng hỗ trợ người dân di dời đồ đạc...

Tương tự, 9 năm nay, mỗi khi mùa mưa bão về, người dân các khu phố Phước Mỹ Tây và Mỹ Lệ Đông, thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa) luôn lo âu vì sợ sông “nuốt” thêm đất canh tác. Theo Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ Lê Khắc Liêm, tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra từ năm 2011 đến nay, sau mỗi mùa bão lũ, lòng sông lại lấn thêm vào đất liền vài mét. Khoảng 9 năm qua, sông Ba đã tiến vào bờ khoảng 20m, lấy mất nhiều diện tích đất canh tác. Ông Nguyễn Chín ở thị trấn Phú Thứ, một người dân có đất sản xuất dọc sông Ba, cho hay: Bà con mong muốn Nhà nước sớm đầu tư xây thêm tuyến kè kiên cố dọc đoạn sông này để chấm dứt tình trạng xâm thực, bảo vệ đất sản xuất của người dân.

Còn theo Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, một số khu vực như thôn Thạnh Hội, Ngân Điền thuộc xã Sơn Hà và khu phố Tịnh Sơn, Tây Hòa, Đông Hòa của thị trấn Củng Sơn thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi nước lũ trên sông Ba. Dọc bờ sông qua các địa phương này hiện có khoảng 200 hộ dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng. Mỗi năm, khi nước lũ lên mức báo động cấp 3, chính quyền địa phương phải di dời dân đến nơi an toàn.

Không chỉ dọc các bờ sông mà nhiều khu vực dọc biển cũng có nguy cơ sạt lở, cần có phương án ứng phó trong mùa mưa bão sắp tới. Toàn tỉnh hiện có 8 vị trí xung yếu dọc biển với tổng chiều dài 12,5km thuộc các huyện Tuy An, TX Sông Cầu, TP Tuy Hòa... Hiện các địa phương đều chủ động chuẩn bị các phương án phòng chống, gia cố, di dời dân... trong tình huống có triều cường, bão đổ bộ. Chủ tịch UBND xã An Chấn Huỳnh Cát Hải cho hay: Dọc bờ biển đoạn qua thôn Mỹ Quang Nam có khoảng 400m đang bị nước biển lấn sâu vào khu dân cư, uy hiếp cuộc sống của khoảng 50 hộ dân. Hàng năm mỗi khi có bão lũ, địa phương phải đắp bao cát làm kè tạm, đồng thời di dời người dân khu vực này đi nơi khác để đảm bảo an toàn.

Duy tu, bảo dưỡng các hồ thủy lợi

Toàn tỉnh hiện có 50 hồ chứa thủy lợi đang vận hành. Hiện các đơn vị quản lý triển khai các biện pháp duy tu, bảo dưỡng, xây dựng phương án phòng chống lụt bão, ứng phó trong từng trường hợp sự cố. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, cho biết: Công ty đang quản lý, vận hành khai thác các hệ thống công trình thủy lợi gồm: hồ chứa nước Phú Xuân, Đồng Tròn, Suối Vực, Xuân Bình, Kỳ Châu, Hóc Răm và hồ Lỗ Ân; các đập dâng Đồng Cam, Hà Yến, Tam Giang, Đồng Kho, Sông Con và trạm bơm điện Nam Bình. Trong đó, 3 hồ thủy lợi có dung tích hơn 10 triệu m3 gồm: hồ Đồng Tròn, hồ Phú Xuân và hồ Suối Vực. Các hồ này đều là hồ điều tiết bằng hình thức xả nước qua tràn nên công ty đặc biệt quan tâm đến công tác an toàn tại đây.

Ông Trương Lê Duy Phúc, Trạm phó phụ trách hồ Phú Xuân, cho biết: “Kết thúc vụ tưới hè thu, trạm tiến hành bảo dưỡng, tra dầu mỡ hệ thống cơ khí cửa tràn. Cùng với đó, chúng tôi đã xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp vùng hạ du hồ chứa nước Phú Xuân. Theo đó, khi hồ phải điều tiết xả lũ, trạm sẽ thông báo cho chính quyền địa phương trước 3 giờ để kịp thời di dời dân. Ngoài ra, xã Xuân Phước cũng đã thành lập các tổ ứng cứu cơ động xóm Đồng Bò, xóm Gò Bông và tổ thanh niên xung phong. Mỗi tổ 30 người sẽ phối hợp cùng với trạm để ứng cứu nhanh trong các trường hợp có sự cố”. Theo Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, các hồ chứa nước Đồng Tròn, Suối Vực và các hệ thống thủy nông khác do công ty quản lý cũng đã hoàn thành việc duy tu, bảo dưỡng và xây dựng phương án ứng phó trong mùa mưa bão năm nay.

Trong tỉnh còn hàng chục hồ thủy lợi nhỏ và vừa, đều có thiết kế tràn tự do (nước tích vượt mức thiết kế sẽ tự tràn, không cần điều tiết) và hiện mực nước tích tại các hồ phổ biến 20-45% so với dung tích thiết kế, nên vẫn đang ở mức ổn định, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão sắp tới.

Theo dự báo từ nay đến cuối năm, Phú Yên có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp khoảng 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và xuất hiện nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng có thể gây lũ lụt. Để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa triển khai nhiệm vụ, yêu cầu các địa phương nhanh chóng củng cố nguồn lực tại chỗ, xây dựng phương án phòng chống, chuẩn bị trang thiết bị, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp... đồng thời rà soát các công trình, những khu vực xung yếu để chủ động các biện pháp ứng phó trong mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/247765/dam-bao-an-toan-cac-cong-trinh-mua-mua-bao.html