Đakrông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ

Là huyện miền núi biên giới, Đakrông có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, có tập quán, thói quen sử dụng súng để săn bắt thú rừng, bảo vệ mùa màng. Để hạn chế tới mức thấp nhất và tiến tới xóa bỏ tình trạng người dân sử dụng các loại súng trái quy định, Công an huyện Đakrông đã tập trung thực hiện công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đem lại kết quả cao và được người dân đồng tình ủng hộ.

Anh Hồ Văn Pha, thôn Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông đã tự giác giao nộp súng cho công an sau khi nhận thức được việc sử dụng súng là vi phạm pháp luật - Ảnh: H.G

Qua rà soát, nắm tình hình tại địa bàn cơ sở, Công an huyện Đakrông nhận định vẫn còn một số người dân cất giấu súng săn, súng tự chế tại các lều, lán ở nương rẫy. Việc tàng trữ, sử dụng các công cụ này là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ săn bắn nhầm, giải quyết mâu thuẫn cá nhân, gia đình, bạn bè, dòng họ gây thương vong, thậm chí gây hậu quả chết người. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn.

Tại xã Hướng Hiệp, khi màn đêm buông xuống các thôn, bản của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều cũng là lúc lực lượng công an xã xuống địa bàn, gặp dân bản để tuyên truyền, tổ chức cho người dân ký cam kết và giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Trong đó, Công an xã đã tuyên truyền trọng tâm về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định số 137/2020/NĐCP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Thông qua tuyên truyền rộng rãi, không những giải quyết tốt những mâu thuẫn nội tại trong gia đình, bạn bè, dòng tộc mà người dân đã nhận thức và hiểu rõ hơn việc dùng súng tự chế là nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội, cần phải được ngăn chặn và loại bỏ.

Anh Hồ Văn May, người dân thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp nói: “Dân bản mình có thói quen cất giấu và thường sử dụng súng để bảo vệ mùa màng, dọa thú rừng về phá nương rẫy. Vì vậy, công an đã tuyên truyền việc sử dụng súng là vi phạm pháp luật thì mong bà con ai còn cất giấu súng hãy giao nộp cho cơ quan chức năng”.

Đối với tập tục của đồng bào vùng cao, khi đi làm nương rẫy thường mang theo bên mình một khẩu súng tự chế, vừa để bảo vệ bản thân, vừa để săn bắn thú rừng, bảo vệ mùa màng, nương rẫy. Muốn thay đổi tập tục này, không chỉ thực hiện trong ngày một, ngày hai. Vì vậy, lực lượng công an các cấp đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, tranh ảnh, pano, áp phích, vận động Nhân dân tích cực giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

Trưởng Công an xã Hướng Hiệp, Trung Tá Trần Huy Thành cho biết: “Hướng Hiệp là địa bàn trọng điểm, bà con có tập tục săn bắt, đánh cá ở khe suối có sử dụng các loại vũ khí tự chế, công cụ hỗ trợ, máy kích điện. Vì thế chúng tôi đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ gia đình để tuyên truyền vận động. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, nhất là tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các già làng, trưởng bản, người uy tín trong đồng bào để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”.

Ngoài tuyên truyền rộng rãi, lực lượng công an xã tiến hành rà soát, lập danh sách các hộ gia đình, các đối tượng có liên quan đến sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để tuyên truyền, vận động cá biệt, giúp gia đình, cá nhân đó hiểu về sự nguy hại, vi phạm pháp luật khi sử dụng súng tự chế, để từ đó họ tự giác giao nộp những vũ khí tự chế của mình còn cất giấu cho cơ quan chức năng.

Anh Hồ Văn Pha, thôn Tà Lao, xã Tà Long chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 ha rừng trồng, thường xuyên bị khỉ xuống phá phách nên dùng súng để dọa xua đuổi. Nay được cán bộ thôn tuyên truyền, tôi nhận thấy sử dụng súng là nguy hiểm và vi phạm pháp luật nên tự giác giao nộp cho công an”.

Ngoài trường hợp của anh Pha, Công an xã Tà Long cũng vừa tiếp nhận một khẩu súng AK, một khẩu súng CKC và 8 viên đạn của 2 người dân mang đến giao nộp. Công an xã đã tăng cường vận động người dân tích cực tố giác, phối hợp với lực lượng công an ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ.

Trưởng Công an xã Tà Long, Thiếu tá Phạm Minh Tùng cho biết: “Tâm lý của người dân thường là không muốn giao nộp súng, vật liệu nổ. Đó là khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy Công an huyện, chúng tôi đã phân công cụ thể cho cán bộ, chiến sĩ và công an viên phụ trách các thôn từng bước tiếp cận, gặp gỡ, giải thích cho người dân hiểu rằng việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, súng thô sơ là việc làm đúng pháp luật, việc làm tốt.

Thông qua các buổi tuyên truyền, vận động như vậy, người dân đã chủ động giao nộp hoặc phát hiện, cung cấp thông tin cho chúng tôi thực hiện thu hồi”.

Phó Trưởng Công an huyện Đakrông, Thượng tá Hoàng Văn Dũng cho biết: “Chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để giúp bà con hiểu rõ hơn về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, giúp người dân nâng cao cảnh giác và hiểu rõ tính chất nguy hiểm của việc tàng trữ, sử dụng súng, vật liệu nổ để đảm bảo ANTT tại địa phương. Từ đó, người dân nhận thức đầy đủ hơn, có ý thức cao hơn và chủ động thông tin cho cơ quan công an những trường hợp có dấu hiệu tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn”.

Việc tổ chức thí điểm mô hình tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại huyện Đakrông bằng những cách làm đổi mới, sáng tạo đã đem lại kết quả hết sức khả quan. Thời gian tới, mô hình này sẽ được Công an tỉnh nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, góp phần tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/dakrong-day-manh-tuyen-truyen-van-dong-thu-hoi-vu-khi-vat-lieu-no/183023.htm