Đắk Nông kỳ vọng vào tín chỉ các bon

Việc chủ động triển khai xây dựng tín chỉ các bon (carbon) được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn lực kinh tế không nhỏ từ những cánh rừng của Đắk Nông.

Nằm ở phía Nam của tỉnh, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Công ty Nam Tây Nguyên) hiện đang quản lý hơn 27,2 ngàn ha đất rừng. Trong số này, có hơn 22,1 ngàn ha rừng tự nhiên và 1.600ha rừng trồng.

Rừng thuộc lâm phần Công ty Nam Tây Nguyên quản lý chủ yếu là rừng thường xanh. Với diện tích rừng tập trung, doanh nghiệp nhận định diện tích rừng quản lý là kho lưu trữ các bon rất lớn.

Rừng ở Nam Tây Nguyên được đánh giá là kho lưu giữ các bon lớn

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Nam Tây Nguyên, trong thời gian tới, xu hướng các doanh nghiệp sẽ phải đóng tiền thuê đất, thuê rừng. Trong khi đó, nguồn thu củaCông ty rất hạn hẹp. Việc xây dựng tín chỉ các bon là vấn đề mang tính chất xu hướng tất yếu.

Đứng trước xu hướng trên, Công ty Nam Tây Nguyên đã chủ động liên hệ với các trường đại học, các cơ sở giáo dục trong nước để tìm hiểu việc xây dựng tín chỉ các bon. Công ty triển khai tìm các đơn vị, nhà tư vấn về định lượng các bon.

Công ty Nam Tây Nguyên đã mạnh dạn đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông cho thí điểm thuê đơn vị tư vấn trong, ngoài nước để xây dựng, định lượng tín chỉ các bon trên lâm phần. Nguồn kinh phí tổ chức thuê tư vấn được Công ty tự cân đối.

Theo ông Bình, vào dịp tháng 3/2023, Bộ NN-PTNT đã tham quan mô hình sản xuất của Công ty. Qua trao đổi, lãnh đạo Cục Lâm nghiệp của Bộ NN-PTNT rất ủng hộ đề xuất thí điểm xây dựng tín chỉ các bon của Công ty.

Công ty xác định giá trị kinh tế rừng mang lại rất đa dạng. Trong đó, dịch vụ các bon là một nguồn thu có tính chất bền vững đối với doanh nghiệp.

"Ngoài việc tăng thu nhập cho Công ty và đóng nghĩa vụ cho Nhà nước, những người trực tiếp giữ rừng sẽ được hưởng lợi. Điều này tạo ra động lực to lớn giúp cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng tốt hơn", ông Bình phân tích.

Tín chỉ các bon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh phát thải khí CO2. Mỗi tín chỉ các bon được xác định tương đương 1 tấn khí nhà kính. Tín chỉ các bon rừng được xác định từ lượng CO2 tạo ra từ hoạt động REDD+ (Giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng).

Đắk Nông hiện có gần 293.000ha đất lâm nghiệp, chiếm 45% diện tích tự nhiên. Tổng diện tích đất có rừng theo rà soát là gần 251.000ha (gồm hơn 196.000ha rừng tự nhiên và gần 55ha rừng trồng).

Đắk Nông xác định phát triển tín chỉ các bon rừng là xu hướng trong tương lai gần

Hiện nay, việc xây dựng tín chỉ các bon rừng còn khá lạ lẫm ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, tỉnh Đắk Nông đang nhận định đây là xu hướng trong tương lai để mang lại nguồn lợi kinh tế từ rừng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, trong quá trình xây dựng tín chỉ các bon, tỉnh đã triển khai nhiều vấn đề mang tính chất định hướng. Trước mắt, tỉnh xây dựng phương án quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có.

Tiếp đó, tỉnh đang triển khai việc phát triển các loại cây rừng mang lại kết quả về tín chỉ các bon. Đây là những loại cây trồng đa mục đích, được công nhận hiệu quả về kinh tế và tăng độ che phủ.

“Chúng tôi đang bám sát Nghị quyết của Trung ương, cơ chế chính sách hiện tại để xây dựng điểm vấn đề tín chỉ các bon. Tỉnh đang đồng bộ việc phát triển rừng, chống biến đổi khí hậu gắn với dịch vụ môi trường rừng để xây dựng tín chỉ các bon và bán trên thị trường trong tương lai”, ông Lê Trọng Yên cho hay.

Nguồn thu bình quân hàng năm từ dịch vụ môi trường rừng của Tây Nguyên đạt trên 900 tỷ đồng. Đắk Nông được các chuyên gia nhận định là khu vực có tiềm năng lớn cho việc phát triển thị trường tín chỉ các bon về rừng.

Lê Phước

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-ky-vong-vao-tin-chi-cac-bon-144053.html