Đắk Lắk, thiếu hụt lao động có tay nghề

Từ đầu năm đến nay, tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề ở các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk rất phổ biến. Sự thiếu hụt trầm trọng này đã ảnh hưởng đến việc mở rộng sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị.

Suốt nhiều tháng qua, Cơ sở sản xuất lông mi và may Hà Thư, Cụm công nghiệp Tân An, tỉnh Đắk Lắk luôn trong tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Bà Nguyễn Thị Trang, chủ cơ sở cho biết, mình cần tuyển khoảng 800 lao động có tay nghề, nhưng dù thông qua nhiều kênh tuyển dụng cũng chỉ tuyển được khoảng 200. Không đủ lao động, cơ sở đành phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phục hồi sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp tại Đắk Lắk đang khát người lao động có tay nghề.

“Chúng tôi cũng đăng trên các trang tìm kiếm nhưng số lượng công nhân đến nộp hồ sơ rất ít. Những bạn có tay nghề làm ở trong kia về nghỉ dịch thì chỉ làm một vài tháng rồi họ quay lại Bình Dương, Đồng Nai để làm chứ họ không gắn bó với công ty của mình. Công nhân đang làm nhưng đến mùa tiêu, mùa cà thì họ lại nghỉ để đi làm rẫy mà hầu như mọi người nghỉ thì không ai trở lại làm nữa”, bà Trang cho biết.

Giống như tình trạng của bà Trang, ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc công ty TNHH SX-TM & XD Tùng Bách cho biết, công ty của ông cũng không thể mở rộng sản xuất, thậm chí chưa hoạt động hết công suất hiện có của đơn vị vì thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề.

“Từ đầu năm đến giờ công ty mình cần khoảng 50 lao động mà đăng khoảng hơn 10 ngày nay, trên nhiều kênh nhưng cũng chỉ tuyển được chưa tới 10 người. Thiếu lao động như vậy ảnh hưởng rất nhiều, doanh nghiệp của mình cần mở rộng một số mảng và ổn định mảng cũ nhưng không dám mở ra vì thiếu nhân sự”, ông Tùng nói.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, tính đến quý I, năm nay, có 674 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký tuyển dụng, với nhu cầu tuyển khoảng 30.000 lao động. Tuy nhiên, 3 tháng qua, đơn vị mới tư vấn việc làm gần 10.000 lượt người và nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm cho rằng, phần lớn lý do là từ ảnh hưởng của dịch COVID-19 còn nặng nề. “Đa số người lao động đến thời điểm này đã tiếp cận được với người tuyển dụng của doanh nghiệp thông qua các thông báo của các xã phường cũng như các phiên giao dịch việc làm. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số lao động họ còn e ngại vẫn chưa dám trở lại các khu công nghiệp do vậy tình trạng thiếu lao động rất lớn”, ông Cường cho hay.

Thống kê của UBND tỉnh Đắk Lắk, trong quý I năm 2022, có 227 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, tăng 22,7% so với cùng kỳ 2021. Ngoài ra, có 327 doanh nghiệp thành lập mới, bằng 21,8% kế hoạch, tăng 19,78% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do khó khăn trong việc tìm kiếm lao động, nhất là những lao động có tay nghề đã khiến các công ty, doanh nghiệp rơi vào thế khó.

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, Sở đang nỗ lực từng bước để gỡ khó trong công tác hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo nghề cho lao động. Tuy nhiên hiệu quả bước đầu vẫn chưa được như mong đợi.

“Sở đang cố gắng phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp thông tin, tạo mức độ hấp dẫn đối với chế độ chính sách để thu hút người lao động. Còn đối với những người có nhu cầu để học nghề, đào tạo nghề thì hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cũng đáp ứng mọi yêu cầu cũng như Trung tâm giáo dục thường xuyên của các huyện đều thực hiện chiêu sinh để đào tạo các ngành nghề rất đa dạng, nhưng tới thời điểm hiện nay mới chiêu sinh đạt 8,6% thôi. Sắp tới sẽ cố gắnghết sức để thực hiện việc đào tạo nghề cho người lao động tại Đắk Lắk”, ông Giang nói.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp “khát” lao động có tay nghề và sự thiếu hụt này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phục hồi sản xuất kinh doanh thì việc triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động để gỡ khó kịp thời cho doanh nghiệp đang cấp bách hơn bao giờ hết./.

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/viec-lam/dak-lak-thieu-hut-lao-dong-co-tay-nghe-post938910.vov