Đắk Lắk ghi nhận 3 ca sốt rét từ Angola, nguy cơ sốt rét quay trở lại

Sốt rét ngoại lai từ các nước Châu Phi, trong đó có Angola đang là nguy cơ làm cho sốt rét có thể quay trở lại.

Bệnh nhân L.D.H (SN 1985 ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), làm việc tại Angola, khi trở về Việt Nam được 2 ngày thì có dấu hiệu sốt, rét run, vã mồ hôi. Nghĩ bị sốt siêu vi nên bệnh nhân tự đi truyền nước và tiêm thuốc ở một phòng khám tư nhân nhưng vẫn không có dấu hiệu hạ sốt.

Ngày 25/3 bệnh nhân H. nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium Falciparum thể thông thường, có dấu hiệu cảnh báo sốt rét ác tính. Theo điều tra dịch tễ, trước đó, bệnh nhân L.D.H. cũng đã bị sốt rét 2 lần tại Angola và đã được điều trị khỏi bệnh.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Vy, phụ trách chương trình phòng, chống sốt rét, Trung tâm Y tế huyện Ea Kar (Đắk Lắk) cho biết, trên địa bàn hiện có nhiều người dân đi làm ăn, sinh sống ở Angola. Trường hợp sốt rét ngoại lai được ghi nhận vào tháng 11/2023 tại xã Xuân Phú và tháng 3/2024 xã Ea Kmút kể trên đều từ Angola trở về.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk lấy máu xét nghiệm kịp thời đối với trường hợp về từ vùng sốt rét lưu hành hoặc nghi mắc sốt rét để ngăn chặn nguy cơ lây lan. Ảnh: Bảo Trọng.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk lấy máu xét nghiệm kịp thời đối với trường hợp về từ vùng sốt rét lưu hành hoặc nghi mắc sốt rét để ngăn chặn nguy cơ lây lan. Ảnh: Bảo Trọng.

Để hạn chế bệnh sốt rét, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Ea Kar đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

"Thời gian tới, trên địa bàn huyện Ea Kar sẽ còn người lao động từ Angola về thăm quê nên mầm bệnh sốt rét ngoại lai có thể sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Nguy cơ sốt rét quay trở lại là vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra với khả năng lây truyền tại chỗ từ ký sinh trùng sốt rét ngoại lai.

Do vậy, Trung tâm y tế cũng đã chỉ đạo cho cán bộ y tế, khi thu dung bệnh nhân điều trị các trường hợp sốt cần khai thác có yếu tố dịch tễ sốt rét nhằm phát hiện sớm, điều trị đúng. Đặc biệt, tăng cường quản lý người dân di biến động, người nhập cư trên địa bàn. Khi phát hiện bệnh nhân nghi ngờ sốt rét, ngành y tế sẽ kịp thời tiến hành giám sát, điều tra dịch tễ, khoanh vùng dập dịch, không để lan rộng trên địa bàn", bà Nguyễn Thị Mỹ Vy chia sẻ.

Không để sốt rét ngoại lai trở thành sốt rét nội địa

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã ghi nhận 9 trường hợp sốt rét. Trong đó, 3 trường hợp là sốt rét ngoại lai từ Angola trở về Việt Nam.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk tổ chức truyền thông phòng chống bệnh sốt rét trong cộng đồng. Ảnh: Bảo Trọng.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk tổ chức truyền thông phòng chống bệnh sốt rét trong cộng đồng. Ảnh: Bảo Trọng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk, với sốt rét ngoại lai, mầm bệnh sốt rét sẽ lây truyền bằng nhiều con đường khác nhau. Muỗi truyền bệnh sốt rét có cơ hội và điều kiện phục hồi phát triển hoạt động để truyền bệnh sau khi biện pháp tác động can thiệp diệt muỗi được thu hẹp dần. Nguy cơ sốt rét quay trở lại là vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra với khả năng lây truyền tại chỗ từ ký sinh trùng sốt rét ngoại lai.

"Nguyên nhân làm cho tình hình sốt rét không ổn định với những diễn biến bất thường đã được biết rõ từ thực trạng sốt rét ngoại lai nhưng giải pháp xử trí trên thực tế không phải là việc dễ dàng, đơn giản. Vấn đề khó khăn hiện nay là làm thế nào để phát hiện, quản lý được bệnh nhân sốt rét ngoại lai nhằm có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời. Phải làm sao để mầm bệnh không có cơ hội và điều kiện lây lan ra tại địa phương, qua trung gian muỗi truyền bệnh được phục hồi hoạt động, hoặc muỗi không bị tiêu diệt bởi kháng hóa chất can thiệp", ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, vấn đề sốt rét ngoại nhập cũng cần được quan tâm để phát hiện, quản lý và chủ động xử trí biện pháp can thiệp phù hợp. Những người nước ngoài hoặc Việt kiều ở nước ngoài đến từ các quốc gia có bệnh sốt rét lưu hành rất dễ có nguy cơ mang mầm bệnh xâm nhập vào nội địa. Từ đó lây truyền tại chỗ qua trung gian của muỗi truyền bệnh có sẵn tại cơ sở, biến sốt rét có yếu tố ngoại nhập thành sốt rét nội địa.

Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng cũng cho biết, người mắc bệnh sốt rét có thể bị thiếu máu, da xanh, niêm mạc mắt nhợt, người gầy yếu. Sốt rét lâu ngày có thể làm cho lách to, phù nề do suy dinh dưỡng. Phụ nữ có thai mắc sốt rét dễ bị đẻ non, sảy thai, thai chết lưu, trẻ em mắc sốt rét dễ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn. Người mắc sốt rét không được điều trị sẽ chuyển thành sốt rét ác tính và tử vong.

Bệnh sốt rét được chữa khỏi hoàn toàn nếu dùng đúng thuốc, đủ liều và không bị muỗi truyền bệnh đốt lại. Nếu người bệnh không uống thuốc đúng và đủ liều sẽ xuất hiện lại các triệu chứng bệnh sốt rét từ đó gây ra sốt rét kháng thuốc (nhờn thuốc). Do đó, khi thấy các triệu chứng ban đầu của bệnh sốt rét, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được lấy lam máu, thử test để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thời gian ủ bệnh sốt rét trung bình từ 7 - 21 ngày. Sau thời gian ủ bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình như rét run, sốt, vã mồ hôi. Đối với những bệnh nhân sốt rét, nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ thì trong vòng 3 ngày sẽ thuyên giảm và trong vòng 1 tuần, các chỉ số sẽ trở lại bình thường.

Hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa bệnh sốt rét. Phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất vẫn là ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh bằng việc phun hóa chất, tẩm màn bằng hóa chất để diệt muỗi, mắc màn mỗi khi đi ngủ, mặc áo dài tay, quần dài khi đi làm rừng, làm nương. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà.

Bảo Trọng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dak-lak-ghi-nhan-3-ca-sot-ret-tu-angola-nguy-co-sot-ret-quay-tro-lai-16924051511303317.htm