Đại tướng Võ Nguyên Giáp với con sông tuổi thơ

Lớn lên ở một làng quê bên dòng sông Kiến Giang, tuổi thơ vị tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp luôn gắn với hình bóng con sông xứ Lệ.

Sinh ra và lớn lên ở một làng quê bên dòng sông Kiến Giang, tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn gắn với hình bóng con sông. Để rồi sau này dù có ở trong bất kỳ hoàn cảnh, cương vị nào, dòng sông Kiến Giang “xanh và ngọt mát như dòng sữa mẹ” luôn in sâu trong tâm khảm người con xứ Lệ.

Từ dòng sông tuổi thơ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/08/1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đây là vùng chiêm trũng, giàu phù sa, tuy nhiên quanh năm chịu thiên tai lũ lụt. Con người nơi đây chất phác và có truyền thông hiếu học nổi tiếng cả một vùng.

Đại tướng về thăm quê và xem đua bơi thuyền trên sông Kiến Giang

Được biết tuổi thơ Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với dòng sông Kiến Giang hiền hòa. Để mô tả hết vẻ đẹp của con sông này, trong sách “Ô châu cận lục” của Tiến sĩ Dương Văn An viết về dải đất từ Quảng Bình (Châu Bố Chính) đến Bắc Quảng Nam, hoàn tất năm 1555, khi nhắc đến dòng Kiến Giang đã ghi rằng: “Nước trong xanh, vị ngọt, khuấy không vẩn đục, uống không biết chán, đó là dòng sông đẹp nhất”. Hai bên dòng sông này là những ngôi làng mang cái tên rất cổ như: “Những Kẻ Tiểu, Kẻ Tuy, Kẻ Soi, Kẻ Tréo...; những Nhà Phan, Nhà Vàng, Nhà Ngo, Nhà Nòi... Cùng với cây lúa, cây dâu, cây cói là nghề dệt vải, dệt chiếu, nghề rèn, nghề gốm, nghề mộc phát triển, xóm làng đông đúc chung nghe tiếng gà, sông hồ đầy nước, đất đai màu mỡ, ngày xuân mở hội bơi trải, phất phới lụa là...”

Sông Kiến Giang hiền hòa xanh thẳm (ảnh: Nguyễn Chiến)

Dưới mái nhà thân thương bên dòng sông đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc lên bốn đến năm tuổi, chú bé Giáp được cha của mình là cụ Võ Quang Nghiêm, một nhà nho nghèo, nhân hậu, yêu nước, bất khuất và kiên cường dạy học ở nhà, 8 tuổi lên học trường huyện. Ngoài những vườn chuối hàng cau, cây dương, gốc khế thì dòng sông Kiến Giang được coi như những người bạn thầm lặng chứng kiến quá trình trưởng thành của vị Đại tướng huyền thoại.

Rồi cũng dòng sông tiễn chân chàng thiếu niên Võ Nguyên Giáp vào Huế bước vào cuộc đời cách mạng khi mới qua tuổi 17. Trong suốt cuộc trường chinh dằng dặc từ lúc thoát ly gia đình cho đến ngày về yên nghỉ trên đất mẹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn canh cánh nỗi nhớ thương thẳm sâu về quê nhà và dòng sông.

Ân tình sâu nặng với quê hương

Một ngày trời cuối thu vào tháng 11/2004, bên dòng sông Kiến Giang, già trẻ gái trai đổ ra đường như một ngày hội khi nghe tin Đại tướng về thăm quê, Đại tướng ân cần hỏi thăm bà con, chất giọng ấm và đặc trưng địa phương: “Hôm nay tôi về quê, đầu tiên, chúc tất cả bà con tốt lành, nghe nói năm nay được mùa, như thế là tốt. Làm sao giữ con sông Kiến Giang nước cho đầy đủ. Chúc các cháu học giỏi xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ, ai là cháu ngoan Bác Hồ thì phải cố gắng học giỏi”- Đại tướng bày tỏ.

Hình ảnh con sông quê luôn xuất hiện trong mọi suy nghĩ và phát biểu của Đại tướng khi nhắc về quê hương yêu dấu.

Trở về thăm căn nhà mái lá tại làng An Xá, Đại tướng sau khi thắp hương bàn thờ Tổ tiên, ông bà như những người con đất Việt khác, Đại tướng đã có đôi lời với bà con chòm xóm, làng xã: “Các anh chị em, già trẻ, gái trai phải phát triển các ngành nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp theo hướng hiện đại”. Tiếng nói ấm áp, yêu thương mà bình dị của một vị Đại tướng nhân dân, một công dân ưu tú của quê hương Quảng Bình và đất mẹ Việt Nam.

Đồng chí Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh cùng đoàn công tác thăm căn nhà ở quê làng An Xá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hầu như lần nào về quê, Đại tướng cũng quan tâm về công việc trồng lúa, đồng áng của nhân dân trong huyện. Đại tướng nói, quê hương mình có sông dài, đồng rộng nên chúng ta phải duy trì và phát triển nông nghiệp cho xứng với câu ca xưa: “Lệ Thủy gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về”.

Sau khi thăm hỏi ân cần, Đại tướng chào bà con rồi rảo bước ra dòng sông Kiến Giang, gần suốt 1 thế kỷ trên trận mạc, bảo vệ đất nước, ngày trở về bên dòng sông thân thương, nghe trong gió tiếng gió Lào, dòng sông như dào dạt kể những câu chuyện của tuổi thơ và sẽ mãi reo ca những kỷ niệm xúc động lòng người của vị Đại tướng huyền thoại luôn khiêm nhường chỉ nhận mình là “giọt nước giữa biển cả”.

Là người con Lệ Thủy, nếu có dịp về thăm quê, Đại tướng sẽ thu xếp thời gian để tham gia, xem và cổ vũ cho lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.

Tình yêu mà Đại tướng dành cho quê hương, cho làng xóm và cho dòng sông nơi thuở thiếu thời đã in sâu vào trong tâm khảm của mình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và dòng Kiến Giang đã trở thành hình ảnh đại diện cho quê hương Lệ Thủy luôn ngọt ngào, hiền hòa, chảy mãi với thời gian, kiên cường vượt qua thiên tai bão lũ...

Đoàn công tác Báo Công Thương chụp ảnh lưu niệm tại căn nhà ở quê của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Dân làng kể lại mỗi lần về thăm quê, Tướng Giáp đều đi bộ từ ngoài đường vào, xuống bến nước ngắm nhìn dòng sông, lấy hai tay bụm nước lên để rửa mặt. Đại tướng cũng nhiều lần kể về kỷ niệm những lần nước lũ về, khi nước tràn bờ sông Kiến Giang, nhấn chìm nhà Đại tướng, Đại tướng đã nghĩ cách trèo lên cây mít trước nhà để ngồi trong khi đợi người lớn dọn dẹp đồ đạc lên cao cho đỡ vướng víu người nhà. Đối với Đại tướng, những kỷ niệm đó không bao giờ quên!

Những lần về thăm quê hương, Đại tướng luôn nhắc nhở bà con họ hàng, con cháu ở An Xá, Lộc Thủy phải luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cố gắng lao động sản xuất và học tập để xứng đáng với truyền thống yêu nước của dòng họ, của quê hương. Đi thăm các vùng quê trong huyện Lệ Thủy, đến đâu Đại tướng cũng nhắc nhở cán bộ chính quyền phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, biết yêu thương dân, biết khơi dậy sức mạnh của sự đoàn kết để chung tay, góp sức xây dựng Lệ Thủy ngày càng giàu mạnh. Đại tướng chân tình nhắc nhở bà con Lệ Thủy - nơi chôn nhau cắt rốn của Người: Trong mọi hoàn cảnh bà con chúng ta phải luôn luôn cố gắng, không được đầu hàng trước hoàn cảnh và số phận. Phải biết tự lực cánh sinh, không được chủ quan, ỷ lại. Dân giàu thì nước mới mạnh, tự thân vận động là chính, ai cũng phải cố gắng vươn lên trên đôi chân của chính mình.

Giờ đây, ca khúc “Đưa em về Kiến Giang”- của nhạc sĩ Xuân Đồng viết nhân dịp Đại tướng đưa phu nhân về thăm quê hương luôn ngân vang: “Kiến Giang ơi! Dòng Kiến Giang/ Rằng quê anh đây là quê mẹ/ Bởi em yêu anh năm tháng/ Gạo trắng nước trong thương ai mưa nắng/ Tình ta xin gửi vào đây quê ta xứ Lệ/ Để Kiến Giang xanh, xanh mãi một màu/ Để duyên đôi ta như dải lụa màu” tha thiết, trữ tình và chứa chan nhung nhớ”.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-voi-con-song-tuoi-tho-268681.html