Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Bản lĩnh kiên trường, trí tuệ mẫn tiệp và nhãn quan chính trị sắc sảo

Ngày 29-12, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: 'Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam'. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 70 báo cáo, tham luận. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích dẫn một số ý kiến phát biểu, tham luận của các đại biểu, nhà khoa học tại hội thảo.

Tiến sĩ Duy Thị Hải Hường, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Sâu sát cơ sở, tạo “đột phá” cho nông nghiệp phát triển

Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng mà Đại hội toàn quốc lần thứ III đề ra, ngày 23-1-1961, Trung ương Đảng đã tin tưởng giao Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-Ủy viên Bộ Chính trị đảm nhiệm chức trách Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương, trực tiếp chỉ đạo công tác nông nghiệp, nông thôn của Đảng. Với tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, Đại tướng đã có những cống hiến quan trọng, tạo nên luồng gió mới trên mặt trận nông nghiệp, góp phần xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, làm tròn trách nhiệm hậu phương lớn đối với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Đại tướng sâu sát với cơ sở, thực tiễn tạo “đột phá” cho nông nghiệp phát triển. Khi được giao phụ trách mặt trận nông nghiệp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã không quản ngại bất cứ khó khăn nào, luôn làm việc với tinh thần "xốc tới" và là người lăn lộn với phong trào. Trong buổi làm việc với lớp cán bộ quân đội được chuyển sang làm công tác nông nghiệp, đồng chí tâm sự: Chính bản thân tôi khi mới ở quân đội chuyển sang, tôi đã tự nêu cho mình mục tiêu phấn đấu là trong vòng một năm phải đuổi cho được trình độ hiểu thực tế của anh Chủ nhiệm hợp tác xã và Bí thư chi bộ. Đại tướng đi xuống địa phương, cơ sở "bám đội, lội đồng" cùng người dân tát nước, cấy lúa, khảo sát, tìm hiểu các mô hình sản xuất; gần gũi, lắng nghe ý kiến, thấu hiểu khó khăn vướng mắc của người dân. Vì thế bà con gọi Nguyễn Chí Thanh là “Đại tướng nông dân”.

Tiến sĩ Duy Thị Hải Hường, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Qua những chuyến đi thực tế, Đại tướng đã phát hiện ra những điểm yếu, điểm thiếu của ngành nông nghiệp cũng như cơ chế quản lý của hợp tác xã. Trong thời gian khoảng 3 năm phụ trách công tác nông thôn, nông nghiệp, Đại tướng đã viết nhiều bài cho Báo Nhân Dân về cải tiến quản lý hợp tác xã, việc thâm canh lúa, phát huy vai trò tích cực của phụ nữ trong phong trào hợp tác hóa và phát triển sản xuất nông nghiệp… Ông chỉ ra rằng, làm nông nghiệp không chỉ là "lúa, phân, cần, giống" mà còn phải tính đến phát triển trồng cây hoa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi, cải tiến công cụ sản xuất, phương tiện chế biến…

Đại tướng chỉ ra những hạn chế trong lãnh đạo công tác nông nghiệp ở một số nơi là: "nói quá nhiều đến những nguyên tắc, phương châm chung chung mà ít đi vào cụ thể. Đồng thời, Đại tướng rất chú ý tới công tác phân phối sản phẩm, nâng cao đời sống nông dân... Tháng 10-1964, trước yêu cầu của cách mạng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh điều trở lại Quân đội công tác. Chỉ trong thời gian không dài, được Đảng phân công sang lãnh đạo, chỉ đạo công tác nông nghiệp, nông thôn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có những cống hiến quan trọng, tạo nên "luồng gió mới" để phát triển nông nghiệp nước nhà. Có thể khẳng định: Đại tướng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó.

----------

Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7: Dấu ấn sâu đậm của tướng Sáu Di trên chiến trường B2

Trong thời gian công tác tại chiến trường B2, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lấy bí danh là Vi, người Nam Bộ trân mến gọi theo phương ngữ là Di. Cùng với Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo thành công nhiều nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược của cách mạng miền Nam, trong đó có nội dung xây dựng lực lượng chủ lực Quân giải phóng và xác định quyết tâm đánh thắng quân đội Mỹ.

Đại tá, PGS, TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7.

Thời gian công tác của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên chiến trường B2 không dài, nhưng dấu ấn của đồng chí để lại thật sâu đậm. Tôi xin đọc đoạn trích trong cuốn Lịch sử Bộ Chỉ huy Miền (1961-1976), đó là Đại tướng đã; “1. Chủ trì chỉ đạo khẩn trương xây dựng bộ đội chủ lực, trước mắt tập trung vào chiến trường Đông Nam Bộ, nơi trực tiếp đối đầu chiến lược “tìm diệt” của Mỹ, chiến trường thu hút, tiêu diệt chúng; 2. Trực tiếp chỉ đạo xây dựng quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ không chỉ bằng ý chí và phân tích lý luận, mà bằng cả những phân tích cụ thể trên chiến trường và thông qua thực tiễn đánh Mỹ, thắng Mỹ những trận đầu; 3. Góp phần phát triển sáng tạo thế trận chiến tranh nhân dân trên chiến trường B2 để thắng quân viễn chinh Mỹ những trận đầu và thắng hai cuộc phản công chiến lược của chúng, như chính Đại tướng đã xác định: không phải ta chỉ sáng tạo trong từng trận mà đã sáng tạo ra một thế trận, một cục diện quân sự để thắng địch”.

--------------

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Công Sơn, Phó chính ủy Học viện Lục quân: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh góp phần phát triển tư tưởng tiến công của chiến tranh nhân dân Việt Nam

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nắm chắc quan điểm về sức mạnh trong chiến tranh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, đó là phát huy tư tưởng tiến công, lấy sức mạnh của toàn dân đánh giặc, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Trên cơ sở đó, khi vào chiến trường miền Nam, Đại tướng đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích (tự vệ), hình thành quân chủ lực và quân địa phương; lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ... đó là một cách tổ chức khoa học và hợp lý nhất để làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.

Với cách tổ chức và bố trí lực lượng vũ trang như vậy, tất yếu có phương thức chiến tranh du kích (nay gọi là chiến tranh nhân dân địa phương) và phương thức chiến tranh chính quy (nay gọi là chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực). Việc kết hợp chặt chẽ hai phương thức này là nội dung rất cơ bản của nghệ thuật phát động cả nước đánh giặc, là quy luật giành thắng lợi trong đấu tranh vũ trang. Bởi vì, nó tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược có quân đông, phương tiện chiến tranh hiện đại, có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn chúng ta nhiều lần...

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Học viện Lục quân.

Từ thực tế của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao, Đại tướng đã khái quát, góp phần nâng lên thành lý luận chỉ đạo một số vấn đề cơ bản về chiến lược quân sự mà tư tưởng cơ bản là tư tưởng kiên quyết tiến công, chủ động tiến công, liên tục tiến công, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự Việt Nam. Những kinh nghiệm quý báu của Đại tướng để lại là một di sản vô giá, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc hiện nay.

-------------

Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Kim Ngọc Đại, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị: Bản lĩnh kiên trường, trí tuệ mẫn tiệp và nhãn quan chính trị sắc sảo

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự lỗi lạc của cách mạng Việt Nam. Từ tháng 7 năm 1950, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó bí thư Tổng Quân ủy, với bản lĩnh kiên trường, trí tuệ mẫn tiệp và nhãn quan chính trị sắc sảo, cùng với Tổng Quân ủy, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Trong đó, tăng cường bản chất cách mạng cho Quân đội nhân dân Việt Nam chính là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và được minh chứng thuyết phục trên những phương diện cơ bản.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ: “Sự lãnh đạo của Đảng là sinh mệnh của quân đội nhân dân”, “không có Đảng thì không có quân đội, không có Đảng mạnh thì không có quân đội mạnh”, hoặc “Đảng là linh hồn, là đội tiên phong của quân đội, Đảng mạnh thì mọi việc đều thành, Đảng yếu thì mọi việc đều không bảo đảm”... Do đó, bất luận trong hoàn cảnh nào, Quân đội nhân dân Việt Nam đều phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thiếu tướng, PGS, TS Kim Ngọc Đại, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị.

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với Quân đội, Đại tướng đã chú trọng nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Ðảng đối với Quân đội, thực hiện chế độ công tác đảng ủy trong Quân đội. Đại tướng khẳng định: “Chế độ thủ trưởng chính trị và thủ trưởng quân sự phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo của tập thể đảng ủy. Chế độ đó rất thích hợp với quân đội ta. Chỉ có thực hiện chế độ đó, quân đội mới thực sự là công cụ sắc bén để thực hiện đường lối, chính sách của Đảng… Thực tiễn đã chứng minh đơn vị nào thi hành chế độ lãnh đạo đó tốt, đảng ủy nào chú trọng đúng mực hơn thì tư tưởng của bộ đội ấy sẽ lành mạnh hơn, tính tích cực sẽ nhiều hơn và do đó thành tích công tác, chiến đấu, xây dựng sẽ lớn hơn”.

Cùng với đó, Đại tướng rất coi trọng việc kiện toàn và nâng cao chất lượng lãnh đạo của chi bộ, coi chi bộ là “hạt nhân đoàn kết và lãnh đạo trong đại đội. Chi bộ có mạnh, đại đội mới mạnh”... Thực thi chế độ đảng ủy là một thành công lớn, ghi dấu ấn đóng góp quan trọng của Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh, góp phần hình thành cơ chế lấy Ðảng ủy làm hạt nhân lãnh đạo, xác lập chế độ thủ trưởng chính trị và thủ trưởng quân sự phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo tập thể của đảng ủy... Nhờ đó, Quân đội luôn giữ vững bản chất cách mạng, tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, đề cao vai trò và phát huy hiệu quả tác dụng lãnh đạo của hệ thống tổ chức Đảng trong Quân đội.

---------------

Đại tá Đoàn Xuân Bường, Phó chính ủy Quân khu 4: Trân trọng và tự hào, nguyện giữ gìn và phát huy những phẩm chất của Đại tướng

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo, chỉ huy mưu lược, tài trí tiêu biểu cho tinh thần kiên quyết tiến công cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù đảm nhiệm cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn dành trọn tâm huyết, trí tuệ và tài năng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một vị tướng tài ba của Quân đội ta, người đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng vũ trang Quân khu 4 nói riêng học tập, noi theo.

Đại tá Đoàn Xuân Bường, Phó chính ủy Quân khu 4.

Học tập tấm gương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang Quân khu 4 hôm nay hết sức trân trọng và tự hào, nguyện giữ gìn và phát huy những phẩm chất của Đại tướng. Bất luận trong hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu đều nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống vẻ vang và phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trên quê hương Đại tướng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

--------------

Đồng chí Nguyễn Chí Đức, cháu nội Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Cơ hội được truyền thụ, ngấm hiểu, tích lũy những kiến thức quý giá

“Tôi sinh ra trong thời kỳ đất nước hòa bình, thống nhất, hội nhập và phát triển, khi ông nội tôi đã đi xa. Qua sách vở và sự chỉ dạy của gia đình, tôi nhận thức sâu sắc rằng thế hệ của ông nội tôi - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng những người đồng chí của ông là thế hệ vàng của thời đại Hồ Chí Minh; là thế hệ đã không tiếc xương máu vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sự cống hiến và tâm nguyện của ông nội tôi và những người đồng chí của mình với Tổ quốc, với Đảng với nhân dân là di sản vô giá của gia đình, của cả các thế hệ kế tục.

Đồng chí Nguyễn Chí Đức, cháu nội Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Đối với cá nhân tôi và rất nhiều bạn trẻ hôm nay, hội thảo khoa học này vô cùng ý nghĩa, là cơ hội cho chúng tôi được truyền thụ, được ngấm hiểu, tích lũy những kiến thức quý giá. Chúng tôi được học từ ngày hôm qua, được sống ngày hôm nay và hy vọng cho ngày mai. Điều quan trọng nhất là chúng tôi có thể không ngừng đặt câu hỏi, để tìm hiểu không chỉ riêng về một con người - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mà dành sự trân trọng, tôn kính và ngưỡng mộ về những nhà cách mạng tiền bối, những con người tiêu biểu dành cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng Việt Nam, đóng góp vào sự thay đổi vận mệnh, tương lai của quốc gia, để lại cho đời sau cả một cơ đồ sự nghiệp và những tấm gương về nhân cách. Những thành tựu của họ được đất nước và đời sau tôn vinh, không chỉ vì sự phát triển toàn diện, vượt bậc, mà vì họ đã cống hiến hết tất cả sức lực, tài năng và đạo đức cho đất nước thật chí công, vô tư, trong sáng.

MINH TÚ - HOA LÊ (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/dai-tuong-nguyen-chi-thanh-ban-linh-kien-truong-tri-tue-man-tiep-va-nhan-quan-chinh-tri-sac-sao-758446