Đại tướng Đoàn Khuê – tấm gương sáng về lẽ sống, khát vọng cống hiến cho tuổi trẻ

TRẦN THỊ THU, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Trị

Là mảnh đất giàu truyền thống anh hùng cách mạng, Quảng Trị đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú, trong đó không thể không kể đến Đại tướng Đoàn Khuê - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của quân đội ta. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị công tác, Đại tướng Đoàn Khuê luôn cống hiến hết tinh thần, nghị lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo.

Sinh ra trong một gia đình yêu nước, giàu truyền thống cách mạng ở xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, từ thuở nhỏ, chàng học sinh nghèo Đoàn Khuê đã sớm thấm nhuần tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Năm 1939, khi mới 16 tuổi, đồng chí Ðoàn Khuê đã tham gia phong trào Thanh niên phản đế phủ Triệu Phong. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng chí hăng hái hoạt động, không quản gian khổ, hy sinh và đến giữa năm 1940, đồng chí trở thành Bí thư Thanh niên phản đế huyện Triệu Phong.

Ở vị trí công tác mới, đồng chí đã tích cực triển khai trong đoàn viên thanh niên huyện Triệu Phong các hoạt động, phong trào chống thực dân Pháp xâm lược, tạo khí thế sục sôi yêu nước, lòng căm thù giặc cao độ trong thanh niên huyện nhà, đặc biệt là vụ rải truyền đơn hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn theo chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Trị và Phủ ủy Triệu Phong. Biết đồng chí Ðoàn Khuê là Bí thư thanh niên phản đế phủ Triệu Phong, địch ráo riết truy tìm.

Ngày 30 tháng 10 năm 1940, vừa tròn 17 tuổi, đồng chí Ðoàn Khuê bị địch bắt, bị kết án tù ở nhà lao Quảng Trị, sau đó bị liệt vào tù nguy hiểm và bị đưa đi đày ở Buôn Ma Thuột. Suốt 5 năm bị đày ải, tra tấn và giam cầm trong lao tù đế quốc, đồng chí tỏ rõ chí khí kiên cường bất khuất trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù.

Những năm tháng hoạt động trong phong trào thanh niên là chiếc cầu nối đầu tiên đưa anh từ một học sinh yêu nước đến với cách mạng, góp phần hun đúc nên ý chí chiến đấu, lòng quả cảm, khả năng dẫn dắt phong trào và những đức tính tốt đẹp của một người cộng sản, là bước đi đầu tiên trong quá trình rèn luyện, trưởng thành của Đại tướng; Đồng thời, càng khẳng định truyền thống tốt đẹp của tuổi trẻ Quảng Trị và vai trò của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục, bồi dưỡng, phát huy thanh niên với tư cách là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên.

Nhìn lại quãng đường hoạt động cách mạng của Đại tướng Đoàn Khuê chúng ta dễ dàng nhận thấy một lẽ sống giản dị nhưng cao cả: Suốt cuộc đời Đại tướng luôn vì nước vì dân, cống hiến cả tuổi xuân và cuộc đời mình cho quê hương, đất nước, vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Trải qua nhiều cương vị khác nhau, Đại tướng Đoàn Khuê đã hoạt động cách mạng ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều chiến trường, trong đó có hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp giải phóng miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. Dù ở đâu, làm gì, đồng chí luôn là người cộng sản kiên cường, đem hết sức mình cống hiến cho Đảng, cho Nhân dân; đặt lợi ích của cách mạng, của Nhân dân lên trên hết, sẵn sàng phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Thượng tướng Nguyễn Chơn - người có gần 50 năm chiến đấu và công tác bên đồng chí đã viết: "Anh Đoàn Khuê là một cán bộ cách mạng kiên định, một lập trường tư tưởng cách mạng rất vững vàng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng tìm mọi cách khắc phục mọi khó khăn và vượt qua mọi thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao, một lòng một dạ phục vụ suốt đời cho Tổ quốc, cho Nhân dân và quân đội ta”[1]. Bởi vậy, bài học đầu tiên và bao trùm nhất cho tuổi trẻ hôm nay từ cuộc đời Đại tướng Đoàn Khuê chính là bài học về lẽ sống, về tinh thần cống hiến cho quê hương đất nước.

Học tập Đại tướng, đối với thế hệ trẻ, còn là bài học về ý chí kiên cường, bản lĩnh chính trị và lòng quả cảm. Tháng 10/1940, mới 17 tuổi, Đại tướng đã nếm trải những đòn tra tấn cực kỳ dã man của mật thám Pháp tại lao tù đế quốc nhưng không chịu hé răng nửa lời. Khí phách kiên cường, bất khuất ấy càng được khẳng định trong những năm bị giam cầm ở nhà đày Buôn Ma Thuột. Luôn vững vàng trước mọi sự đày ải, tra tấn tàn bạo, dã man của kẻ thù, giữ vững khí tiết người cách mạng, đồng chí Đoàn Khuê còn hoạt động tích cực trong tổ chức bí mật của nhà tù, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là việc nghiên cứu, tổ chức các cuộc vượt ngục cho các đồng chí cốt cán của Đảng, một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm, đòi hỏi lòng dũng cảm, trí thông minh, đức tính kiên trì và cẩn mật.

Có thể nói, ngục tù đế quốc không những không thể khuất phục được đồng chí mà còn trở thành nơi tôi luyện bản lĩnh, trí tuệ, ý chí kiên cường của người thanh niên cách mạng. Đồng chí Đặng Thí, người bạn tù ở nhà tù Buôn Ma Thuột cùng với Đại tướng Đoàn Khuê, kể lại: "Anh Đoàn Khuê cũng như phần đông chúng tôi là những thanh niên bước vào đời hoạt động cách mạng lúc tuổi đời còn trẻ, thực tế cuộc sống cũng như hiểu biết về cách mạng còn quá ít ỏi. Nhưng trải qua những năm tháng trong lao tù, chúng tôi đã trưởng thành vượt bậc.

Tuy có bị đọa đày về thể xác, nhưng những năm tháng gian khổ ấy đã từng bước nâng chúng tôi lên ngang tầm nhiệm vụ phải đảm đương. Trường học vĩ đại ấy đã nâng cao trình độ lý luận, sự hiểu biết về cuộc sống, sự dạn dày đấu tranh với quân thù, những kinh nghiệm tổ chức vận động quần chúng, kinh nghiệm đấu tranh đoàn kết nội bộ. Cũng chính ở nhà đày chúng tôi đã được rèn luyện về phẩm chất và đạo đức cách mạng, sự vững vàng trước sóng gió của thời cuộc, lòng kiên trì cách mạng”[2].

Bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng không chỉ thể hiện trong chiến tranh gian khổ, đấu tranh trực diện với địch, mà tiếp tục được thử thách và khẳng định trong quá trình hồi sinh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Những năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, với những bài học kinh nghiệm thực tiễn rất phong phú, tầm nhìn chiến lược sâu rộng, Đại tướng đã đề xuất, tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương đúng đắn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tổ chức thực hiện thành công cuộc điều chỉnh chiến lược chuyển từ đề phòng chiến tranh xâm lược quy mô lớn chuyển sang đối phó với xung đột vũ trang, “chiến tranh phá hoại nhiều mặt”, “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ... góp phần giữ vững an ninh chính trị, tạo môi trường hòa bình, ổn định trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những đề xuất của Đại tướng đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh; đồng thời cũng là những bài học kinh nghiệm quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Không chỉ là một nhà chính trị, quân sự xuất sắc, trọn cuộc đời của Đại tướng là một tấm gương đạo đức mạng cao đẹp với những trải nghiệm phong phú, sinh động cho tuổi trẻ hôm nay học tập và noi theo. Những người đã từng được làm việc, tiếp xúc với Đại tướng Đoàn Khuê đều có chung nhận định: Đại tướng là người nhân hậu, đức độ, trong sáng từ tâm hồn đến phong cách, khiêm tốn, gương mẫu đi đầu, sát thực tế, sát cơ sở.

Trong chiến tranh, đồng chí luôn đi sát chiến trường, ra tận chiến hào thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ. Trong hòa bình, trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của quân đội, đồng chí thường xuyên đến với các đơn vị và chiến sĩ, từ các tỉnh địa đầu phía Bắc đến các tỉnh tận cùng ở phía Nam, đặc biệt đồng chí đã đến hầu hết các đảo quan trọng của Tổ quốc Việt Nam trên Biển Đông, tới các vùng biên ải xa xôi của đất nước.

Đồng chí căn dặn: "Điều đáng sợ nhất đối với cuộc đời người lính chúng ta là không được thường xuyên tiếp xúc với anh em chiến sĩ ở cơ sở, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo. Ở những nơi đó, các chiến sĩ sống còn khó khăn, gian khổ lắm. Anh em khổ nhiều mà không biết kêu ai. Vậy nên phải đến để xem họ cần gì thì mình phải có biện pháp giúp đỡ cụ thể, thiết thực, không được động viên "suông" hứa đâu rồi bỏ đấy"[3].

Từ những chuyến đi ấy, đồng chí càng thấu hiểu và nhiều lần chỉ đạo giải quyết kịp thời nguyện vọng của chiến sĩ. Tác phong quần chúng, sâu sát cơ sở, gần gũi chiến sĩ đã giúp đồng chí nắm chắc tình hình và kịp thời giải quyết đúng những vấn đề quan trọng trong thực tiễn xây dựng và chiến đấu của quân đội ta.

Ở Đại tướng ta còn thấy rất rõ đức tính ham học hỏi của người Quảng Trị, tinh thần tự học, luôn nỗ lực phấn đấu rèn luyện. Ngay trong những ngày ở trong nhà ngục Buôn Ma Thuột, đồng chí đã tranh thủ học tập, trau dồi bản lĩnh, học tiếng dân tộc ở Tây Nguyên, nhất là kinh nghiệm quân sự để sau này trở về hoạt động, phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng cho đến sau này giữ cương vị cao trong quân đội, Đại tướng vẫn luôn giữ trọn tinh thần ấy, không ngừng tự học tập từ thực tiễn công tác, thực tiễn cách mạng để góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Mặc dù trải qua nhiều cương vị công tác, giữ chức vụ quan trọng trong Đảng, quân đội nhưng Đại tướng luôn sống và làm việc không nặng hình thức, cầu kỳ, tránh gây phiền hà cho cơ sở. Trung tướng Nguyễn Huy Chương, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 5 kể rằng: "Anh có tiếng là người liêm chính, không nhận quà biếu của đơn vị cơ sở. Xuống đơn vị nào, anh cũng kiểm tra công tác hậu cần và dặn dò chăm lo chu đáo đời sống cán bộ, chiến sĩ. Tránh phiền hà cho cơ sở khi xuống công tác, bao giờ anh và lái xe, bảo vệ cũng đều mang cơm gói và bi đông nước, ăn dã ngoại trước khi bước vào cổng đơn vị”[4].

Không những giữ cho mình lối sống cần kiệm, giản dị mà Đại tướng còn thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, chiến sĩ cấp dưới, nhất là trong thời gian lãnh đạo lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp đỡ Campuchia phải luôn giữ gìn đạo đức, phẩm chất của người bộ đội Cụ Hồ, góp phần xây dựng nên hình ảnh đẹp về quân tình nguyện Việt trong lòng người dân nước bạn.

Những phẩm chất đó đã tạo nên uy tín của Đại tướng, giúp cho công tác lãnh đạo, công tác chính trị có sức truyền cảm mạnh mẽ và có hiệu lực sâu sắc trong thực tế. Cũng bởi vì lẽ đó, suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ cương vị nào, dù là cán bộ chính trị hay cán bộ quân sự, đồng chí cũng đều nhận được tình cảm trân trọng, quý mến của đồng chí, đồng bào.

Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ tang Đại tướng Đoàn Khuê đã khẳng định: "Từ buổi đầu tiên tham gia cách mạng đến khi vĩnh biệt chúng ta, đồng chí Đoàn Khuê đã giữ trọn danh hiệu cao quý của người cộng sản, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Đồng chí là một tấm gương sáng về phẩm chất của người cách mạng và anh Bộ đội Cụ Hồ. Từ trong lao tù, ngoài chiến trận, khi công tác hay trong sinh hoạt, đồng chí Đoàn Khuê luôn luôn thể hiện đức hy sinh, lòng dũng cảm, trí thông minh, sống trung thực, thẳng thắn, nghiêm nghị, giản dị, cần kiệm, nghiêm khắc với mọi biểu hiện hình thức, quan liêu; chan hòa, gần gũi, đồng cảm với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, đồng chí".

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Đoàn Khuê là dịp để tuổi trẻ hôm nay được tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn cho cách mạng và Nhân dân của Đại tướng; để được bày tỏ lòng kính trọng, ngưỡng mộ và biết ơn với Đại tướng kính mến.

Là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng, tự hào về truyền thống quê hương và các bậc tiền bối cách mạng như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Đoàn Khuê... Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Quảng Trị hôm nay càng nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong dựng xây quê hương đất nước. Phải không ngừng trau dồi lý tưởng cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, không ngừng học tập, lao động, sáng tạo, ra sức đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng củng cố tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh, làm tốt vai trò nòng cốt chính trị, định hướng hành động trong phong trào thanh thiếu nhi, thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng, trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên; chăm lo giáo dục, bồi dưỡng rèn luyện các thế hệ thanh niên Quảng Trị kế tục trung thành, xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, xứng đáng là thế hệ trẻ trên quê hương Đại Tướng Đoàn Khuê nêu cao khát vọng cống hiến để chung sức xây dựng quê hương, “Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã xác định.

Đó cũng là tình cảm, sự tri ân của thế hệ trẻ hôm nay đối với đồng chí Đại tướng Đoàn Khuê - người con ưu tú của quê hương Quảng Trị anh hùng.

[1] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Đại tướng Đoàn Khuê, NXB QĐND,2002, tr.168.

[2] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Đại tướng Đoàn Khuê, NXB QĐND, 2002, tr.36

[3] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Đại tướng Đoàn Khuê, NXB QĐND, 2002, tr.291

[4] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Đại tướng Đoàn Khuê, NXB QĐND, 2002, tr.150

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/dai-tuong-doan-khue--tam-guong-sang-ve-le-song-khat-vong-cong-hien-cho-tuoi-tre/180888.htm