Đái tháo đường 'giết người' ra sao?

Được coi là “kẻ giết người thầm lặng”, tuy nhiên trong vòng 10 năm từ năm 2002 đến năm 2012, tỷ lệ bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở nước ta đã tăng 2 lần, thậm chí tăng nhanh hơn thế giới, từ 2,7% lên 5,4%.

Đáng ngại là có tới 63,6% người mắc bệnh nhưng chưa được chẩn đoán tại cộng đồng.

Cứ 11 người lớn thì có 1 người mắc

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh ĐTĐ đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới đặc biệt đối với các nước đang phát triển.

Biến chứng của bệnh nhân đái tháo đường

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ ĐTĐ trên toàn thế giới tăng 54% trong vòng 20 năm (2010 - 2030). Năm 2014, thế giới có 138 triệu người trưởng thành bị ĐTĐ thì đến nay đã tăng lên 422 triệu người. Dự đoán số người mắc bệnh ĐTĐ sẽ tăng lên 642 triệu người. Dự đoán số người mắc bệnh ĐTĐ sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040. Hiện nay, ước tính cứ 11 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh ĐTĐ.

WHO khuyến cáo, bệnh ĐTĐ là “kẻ giết người” thầm lặng. Bệnh gây ra những biến chứng nặng nề như: mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não, bệnh lý mạch vành… đã trở thành gánh nặng bệnh tật không chỉ đối với người bệnh, gia đình mà còn đối với toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Số ca tử vong toàn cầu của bệnh ĐTĐ năm 2015 là 5 triệu người.

Trong khi cũng trong giai đoạn này số ca tử vong do HIV/AIDS là 1,5 triệu người, do bệnh lao là 1,5 triệu người và do sốt rét là 0,6 triệu người. Như vậy số ca tử vong do ĐTĐ cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm từ trước đến nay vẫn được coi là nguy hiểm.

“Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong vòng 10 năm từ năm 2002 đến năm 2012, tỷ lệ bệnh ĐTĐ đã tăng gấp 2 lần từ 2,7% lên 5,4%. Đây là điều thực sự đáng báo động khi tỷ lệ tăng bệnh ĐTĐ của nước ta tăng nhanh hơn thế giới. Tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán tại cộng đồng còn rất cao tới 63,6% và tuổi mắc bệnh ĐTĐ đang ngày càng trẻ hóa”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Làm gì để phòng tránh?

Nói về căn bệnh âm thầm nhưng nguy hiểm này, TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) lưu ý ĐTĐ là bệnh mãn tính không lây đang gia tăng rất nhanh trên toàn thế giới. Nguyên nhân hàng đầu là do lối sống ít vận động, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng và sự đô thị hóa. Bệnh đứng thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong.

Bên cạnh các yếu tố khách quan gây bệnh ĐTĐ như di truyền, lão hóa thì nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh là do lối sống thiếu lành mạnh với các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia.

Kết quả điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam 2015 cho thấy 57,2% dân số trưởng thành ở nước ta ăn thiếu rau, trái cây so với mức khuyến cáo 400g/l ngày của WHO. Số người sử dụng các chất rượu bia, thuốc lá vẫn ở mức cao, 15,6 triệu người hút thuốc (tương đương 45,3%). Tỷ lệ người dân thừa cân, béo phì gia tăng.

Chung quan điểm này PGS Tạ Văn Bình - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ, nếu như 20 năm trước đây bệnh tiểu đường rất ít người quan tâm thì đến nay nó trở thành “đại dịch”.

Tuy nhiên, nhận thức của người dân về bệnh này vẫn còn nhiều hạn chế. Có những người chỉ khi mắc bệnh rồi mới thấy hối tiếc. Hiện nay, bữa ăn đầy năng lượng đã khiến cơ thể dư thừa chất, trong khi năng lượng tiêu hao cho hoạt động thể lực thì giảm đi. Chính năng lượng dư thừa đó đã tạo ra những bệnh chuyển hóa, trong đó đặc biệt là bệnh ĐTĐ.

Do đó, để phòng bệnh, PGS Tạ Văn Bình khuyến cáo, mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia để dự phòng mắc ĐTĐ nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung.

“Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đặc biệt người trên 40 tuổi, là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện bệnh sớm.Người mắc bệnh vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc”, PGS Tạ Văn Bình nhấn mạnh.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dai-thao-duong-giet-nguoi-ra-sao-post180368.html