Đại tá Nga: Tên lửa R-73 Việt Nam hơn hẳn Python-5

Theo Đại tá Makar Aksenenko, Phó tiến sĩ khoa học quân sự Nga, tên lửa Python-5 không có ưu thế trước tên lửa R-73 trang bị tiêu chuẩn của Su-27/30.

Tên lửa Israel không chiếm ưu thế

Nhận định của Đại tá Makar Aksenenko được đưa ra trong bài viết được đăng tải trên Sputnik ngày 16/2. "Tên lửa này là sản phẩm mới tương đối của Israel, đây là một phương tiện hủy diệt đa năng, được sử dụng trong các hệ thống phòng không và trên một số loại máy bay chiến đấu.

Ví dụ, trên máy bay Mỹ F-15 và F-16 được trang bị cho Không quân Israel, cũng như trên tiêm kích Kfir mà Israel tự phát triển dựa trên mẫu tiêm kích Mirage 5 của Pháp. Tuy nhiên, xét theo các đặc tính chiến thuật-kỹ thuật của tên lửa Python không có ưu thế trước tên lửa R-73 trang bị tiêu chuẩn của Su-27 (Su-30). Tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa Nga tương đương với tên lửa Israel.

Chiến đấu cơ Su-35 với tên lửa R-73.

Chiến đấu cơ Su-35 với tên lửa R-73.

Hơn nữa, các phiên bản mới nhất của tên lửa R-73M và phiên bản xuất khẩu có các tính năng tốt gấp 2 lần so với tên lửa R-73 trang bị tiêu chuẩn, có khả năng 360 độ diệt mọi mục tiêu trên không, có thủ thuật tấn công từ phía sau mục tiêu.

Và việc sử dụng loại mũ bảo hiểm định vị và phát hiện mục tiêu giúp phi công sử dụng tên lửa ở tầm phóng tối thiểu, mà điều đó là rất quan trọng trong không chiến tầm gần. Với tư cách phi công chiến đấu và chuyên gia hàng không, tôi rất hài lòng với gia đình tên lửa R-73 như một phương tiện chiến đấu trên không.

Tôi xin nhắc lại rằng, các tên lửa này (tất cả các phiên bản) đều là trang bị tiêu chuẩn không chỉ của "Sukhoi", mà còn của MiG-29, MiG-35, các phiên bản mới nhất của trực thăng tấn công Mi-24, cũng như Ka-52 cho các lực lượng trên mặt đất và trên biển.

Tức là tên lửa loại này có thể được trang bị cho hầu hết các loại máy bay chiến đấu phát triển ở Nga. Về mặt này tên lửa của Israel không có ưu thế trước Nga, ông Aksenenko nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.

Ngoài những phân tích trên, Đại tá Aksenenko cho biết còn phải chú ý đến những chi tiết khác, đặc biệt là việc trang bị các loại vũ khí phi tiêu chuẩn cho máy bay chiến đấu "Su" dẫn đến những thay đổi trong kết cấu và trang thiết bị của máy bay. Và ở đây có những vấn đề nghiêm trọng, chuyên gia Nga cảnh báo.

"Ở đây nói về dịch vụ sửa chữa và bảo trì các loại vũ khí và thiết bị quân sự xuất khẩu. Sự can thiệp trái phép của bên thứ ba (đặc biệt sự can thiệp nghiêm trọng) vào trang thiết bị của Su-27/30 có thể dẫn đến hậu quả tai hại đối với khách hàng mua sản phẩm này.

Tất cả những khách hàng từng cố gắng cải thiện kỹ thuật của Nga mà không tương tác với các nhà sản xuất chỉ đơn giản không còn có khả năng được cấp dịch vụ bảo trì các hệ thống phức tạp này. Phương án tốt nhất là nên tiếp tục sử dụng tối đa các loại vũ khí tiêu chuẩn cũng như các loại vũ khí tiềm năng được phép sử dụng trên máy bay chiến đấu do Nga chế tạo.

Tôi xin nói thẳng ra rằng, những cố gắng trang bị cho máy bay "Su" của Không quân Việt Nam các loại vũ khí phi tiêu chuẩn, và thậm chí "của bên thứ ba" không khác gì sự lãng phí tiền của nhà nước để có kết quả đáng ngờ và đến sự sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Không quân Việt Nam", Đại tá Makar Aksenenko kết luận.

Trước đó, tờ Thời Đại hồi đầu tháng 2/2017 đã dẫn số liệu từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố cho biết, Việt Nam đã nhận tổng cộng 125 tên lửa Python-5 kèm theo hệ thống phòng không SPYDER-SR. Ngoài cơ số phục vụ trực chiến, một phần dự trữ hoàn toàn có thể huy động sang để trang bị cho tiêm kích Su-27/30 khi thấy cần thiết.

Việt Nam mua R-73E

Theo Nhà máy sản xuất tên lửa Duks (Nga), Việt Nam đang tiến hành đàm phán với Nga để mua tên lửa không đối không R-73E trang bị cho tiêm kích Su-27/30. Thông tin này được đích thân Tổng giám đốc Nhà máy sản xuất tên lửa Duks (thuộc Tập đoàn Tên lửa chiến thuật Nga) cho hay.

Bản hợp đồng này nhiều khả năng sẽ được ký kết ngay trong năm 2016 hoặc đầu năm sau.

Tên lửa đối không R-73E là phiên bản xuất khẩu của R-73 được phát triển thay thế cho tên lửa tầm ngắn Molniya R-60. Là tên lửa được đánh giá có khả năng hoạt động rất lớn, trên nhiều phương diện vượt trội so với thế hệ tên lửa không đối không hiện đại của Mỹ AIM-9M Sidewinder.

Tiêm kích Su-30 Việt Nam.

Điều này đã buộc Mỹ và các nước phương Tây nghiên cứu và cho ra đời hàng loạt các đời tên lửa không đối không như: AIM-132 ASRAAM, IRIS-T, MBDA MICA, Python 4 và các phiên bản sau của Sidewinder là AIM-9X, loại này được bắt đầu trang bị vào năm 2003.

R-73 nặng 105kg, dài 2.900mm, sử dụng đầu nổ nặng 7,4 kg, hành trình với vận tốc 2,5M. R-73 sử dụng hệ thống dẫn đường hồng ngoại. Từ năm 1997, khi những phiên bản nâng cấp được trang bị trong quân đội Nga, các mẫu R-73M hoặc R-73E (dùng cho xuất khẩu) được trang bị hệ thống quan sát, phát hiện mục tiêu cho phép tìm kiếm mục tiêu trong phạm vi góc 60 độ và hệ thống chống gây nhiễu hồng ngoại IRCCM.

Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, được thiết kế bao gồm nhiều module khác nhau, gồm: hệ thống dẫn đường, hệ thống điều khiển khí động lực, hệ thống tự động lái, hệ thống đầu nổ gần, đầu đạn, động cơ, hệ thống điều khiển khí động học và hệ thống lái đuôi.

Nhờ sự kết hợp giữa hệ thống khí động học và khí động lực nên tên lửa có khả năng thao diễn đặc biệt. Trong quá trình bay, vấn đề trệch hướng và liệng được điều khiển bằng bốn cánh nhỏ đặt gần đầu tên lửa. Độ ổn định của tên lửa được điều khiển bằng những cánh nhỏ lắp thêm trên các cánh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/dai-ta-nga-ten-lua-r-73-viet-nam-hon-han-python-5-3329325/