Đại tá Lê Văn Phước – Bản lĩnh người 'đứng mũi, chịu sào'

Năng động, sáng tạo, quyết đoán, giỏi chuyên môn… là những tố chất nổi bật ở Đại tá Lê Văn Phước, Giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh). Dưới sự quản lý, điều hành của anh, khu di tích đã có nhiều đổi mới vượt bậc, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với du khách thập phương.

Đầu năm 2024, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi sẽ đưa vào phục vụ du khách chương trình “Trăng Chiến khu”. Đây là sản phẩm du lịch đêm mới lạ, độc đáo, hấp dẫn mang đậm bản sắc Củ Chi “đất thép”, được đông đảo nhân dân và du khách kỳ vọng. Người chỉ đạo thực hiện chương trình này chính là Giám đốc Lê Văn Phước.

Một hoạt động trong chương trình tham quan "Trăng Chiến khu".

Theo chia sẻ của anh, hiện tại chương trình tham quan tại địa đạo Củ Chi chỉ kéo dài đến 17 giờ hằng ngày, chưa có chương trình tham quan buổi tối. Cho nên, với mong muốn tạo thêm sản phẩm du lịch mới phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của đơn vị để thu hút nhiều hơn nữa du khách đến tham quan và trải nghiệm, anh đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang xây dựng chương trình tham quan vào ban đêm tại Khu tái hiện Vùng Giải phóng với chủ đề “Trăng Chiến khu”.

Chương trình tái hiện cuộc sống, sinh hoạt về đêm của người dân Củ Chi sống trong vùng giải phóng với nhiều cảnh hoạt động, như: Tham gia đào địa đạo, tráng bánh, nấu rượu, xay lúa, giã gạo, đan lát, họp chợ, lao động sản xuất… dưới ánh trăng. Du khách sẽ được trải nghiệm thực tế cuộc sống của quân và dân Củ Chi trong những năm 1961-1964.

Đại tá Lê Văn Phước (bìa trái) cùng lãnh đạo Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh đón một đoàn khách quốc tế.

Là người “đứng mũi, chịu sào” ở Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Đại tá Lê Văn Phước luôn trăn trở, tìm giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền và hiệu quả kinh doanh của đơn vị. Với quyết tâm đổi mới để phát triển, anh đã chỉ đạo các phòng, bộ phận chuyên môn tăng cường các biện pháp thu hút khách du lịch, như: Sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị mới; nghiên cứu đưa các mô hình mới lạ, hấp dẫn vào phục vụ; liên hệ và ký hợp đồng với các công ty du lịch, lữ hành để đưa khách đến tham quan Địa đạo Củ Chi; xây dựng tour du lịch trọn gói trong ngày; đẩy mạnh quảng bá về khu di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… Nhờ đó, hình ảnh Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi ngày càng lan tỏa sâu rộng, trở thành điểm đến lý tưởng đối với du khách trong nước và quốc tế.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh và Đại tá Lê Văn Phước cùng đoàn khách quốc tế trò chuyện về Địa đạo Củ Chi.

Cách đây tròn 1 năm, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Lê Văn Phước đã trực tiếp làm việc với các đối tác để triển khai lắp đặt hệ thống thuyết minh tự động và sử dụng công nghệ áp dụng tại Khu tái hiện Vùng Giải phóng, thiết thực nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, thuyết minh các di tích, sự kiện, hoạt động mang lại nhiều tiện lợi cho khách tham quan.

Từ thành công của mô hình này, Đại tá Lê Văn Phước đang hướng tới mục tiêu áp dụng trong toàn khu di tích, tạo bước tiến mới trong hoạt động của đơn vị. Địa đạo Củ Chi đã đưa vào phục vụ du khách loại hình chiếu phim 3D mô phỏng đánh bại trận càn Cedarfall năm 1967 và tiến hành sửa chữa, nâng cấp sa bàn biểu diễn công cuộc đánh bại trận càn Cederfall của Quân đội Mỹ vào vùng Tam giác sắt Củ Chi theo hướng hiện đại nhất, từ đó làm phong phú thêm loại hình phục vụ tại đơn vị; đồng thời giúp du khách dễ dàng tiếp cận, hiểu toàn diện hơn về lịch sử địa đạo và tầm vóc chiến công của quân-dân Củ Chi trong kháng chiến.

Đại tá Lê Văn Phước trao bức hình lưu niệm tặng lãnh đạo Bộ các Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba.

Anh Trần Hữu Dương, 39 tuổi, một du khách đến từ huyện Đồng Phú (Bình Phước), chia sẻ: “Vào phòng xem chiếu phim 3D và theo dõi sa bàn mô phỏng diễn biến trận càn Cedarfall, tôi như được trực tiếp chứng kiến trận đánh ác liệt mấy chục năm trước. Hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, tư liệu có đủ máy bay, xe tăng, pháo, đạn… được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp cả trên sa bàn và màn hình chiếu phim giúp du khách có cái nhìn toàn cảnh về trận càn quy mô do đế quốc Mỹ tiến hành; đồng thời càng thêm khâm phục, tự hào về ý chí bất khuất, kiên cường của đồng bào, chiến sĩ Củ Chi. Đây là thành công lớn của Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi trong công tác tuyên truyền, lan tỏa chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam”.

Giám đốc Lê Văn Phước phát biểu chỉ đạo tại hội nghị của đơn vị.

Trò chuyện với Đại tá Lê Văn Phước, tôi được biết, anh sinh ra và lớn lên ngay tại vùng “đất thép” Củ Chi kiên cường. Kế thừa truyền thống của quê hương anh hùng, với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “thuyền trưởng” Lê Văn Phước tích cực tìm tòi, đầu tư các loại hình dịch vụ, tổ chức khai thác tốt, tạo hiệu quả cao, từ đó nâng dần tỷ trọng kinh doanh. Anh đã đề xuất Đảng ủy, Ban giám đốc cải cách một số quy định không còn phù hợp; tổ chức lại các mô hình kinh doanh thiếu hiệu quả. Anh trực tiếp chỉ đạo đưa vào phục vụ và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động mô hình Chợ quê trong Khu tái hiện Vùng Giải phóng với các món ăn truyền thống, dân dã đặc trưng của quê hương Củ Chi. Đây là một trong những điểm nhấn thu hút khách tham quan, nhất là khách du lịch từ các tỉnh phía Bắc và Trung bộ.

Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, nhằm giúp nhân dân địa phương và du khách có nơi vui chơi, giải trí khi đến với Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Giám đốc Lê Văn Phước định hướng, yêu cầu khối kinh doanh tổ chức các loại hình: Đờn ca tài tử, ông Đồ viết thư pháp, hướng dẫn du khách viết thư pháp, biểu diễn tạo hình bong bóng nghệ thuật, tổ chức các trò chơi dân gian, vẽ henna Ấn Độ, vẽ chân dung, xem bài Tarot… Các hoạt động này mang lại sự mới lạ, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tham gia.

Giám đốc Lê Văn Phước (thứ 2, từ phải qua) tham gia chương trình quảng bá du lịch tại Singapore năm 2023.

Đặc biệt, năm 2022, anh Phước đã nghiên cứu, báo cáo và được sự nhất trí cao của Đảng ủy, Ban giám đốc trong việc đầu tư, đưa vào phục vụ khu vui chơi “Cảm giác mạnh” – mô hình đầu tiên có mặt ở TP Hồ Chí Minh, tạo ấn tượng, thu hút du khách đến với địa đạo Củ Chi.

Đối với cán bộ, công nhân viên thuộc quyền, Giám đốc Lê Văn Phước luôn quan tâm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân sự trực tiếp phục vụ khách tham quan. Anh chỉ đạo mở nhiều khóa học bổ sung kiến thức lịch sử, văn hóa, kỹ năng giao tiếp, tiếng Anh, duy trì hiệu quả Câu lạc bộ tiếng Anh trong đơn vị; phối hợp với các trường kinh tế, du lịch trên địa bàn Thành phố để bồi dưỡng, trang bị kiến thức cần thiết cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên; tổ chức cho cán bộ, công nhân viên đi học tập kinh nghiệm tại khách sạn Tân Sơn Nhất, Làng du lịch Bình Quới và nhiều khu di tích lịch sử trên địa bàn các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Đồng Tháp, Long An, Quảng Bình, Nghệ An… Theo Đại tá Lê Văn Phước: Muốn phát triển thì phải đổi mới, mà trước hết là đổi mới trong nhận thức, tư duy và hành động của đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Mỗi người đều phải có “phông” kiến thức tổng hợp, chuyên sâu trong lĩnh vực mình đảm nhiệm. Cho nên, việc tự học và tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng luôn là đòi hỏi quan trọng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.

Bản thân anh cũng rất tích cực tự học, tự làm mới chính mình. Với vốn kiến thức tiếng Anh phong phú và trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh, Giám đốc Lê Văn Phước luôn chia sẽ, giúp đỡ cấp dưới về công tác chuyên môn, tạo thuận lợi cho cán bộ, nhân viên vươn lên, tiến bộ, trưởng thành.

Giám đốc Lê Văn Phước (bên trái) ký biên bản tiếp nhận hiện vật máy bay C130 phục vụ trưng bày tại khu di tích.

Không chỉ quan tâm, chăm lo cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị, Phó bí thư Đảng ủy Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi Lê Văn Phước còn chỉ đạo thực hiện tốt công tác chính sách trên địa bàn; đề xuất Đảng ủy lãnh đạo thực hiện hiệu quả công tác dân vận, chính sách, “Đền ơn, đáp nghĩa”. Mỗi năm, đơn vị chăm lo gia đình chính sách, người có công và hỗ trợ các địa phương với số tiền hàng tỷ đồng… Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Củ Chi, Giám đốc Lê Văn Phước thể hiện rõ bản lĩnh của người “đứng mũi, chịu sào”, phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn sáng tạo, đổi mới trong công việc, cùng tập thể Đảng ủy lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, đóng góp tích cực trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, phát triển du lịch và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Với những thành tích và sự mẫn cán trong công tác, Đại tá Lê Văn Phước được Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen; nhiều năm liền được Bộ tư lệnh Quân khu 7 và UBND TP Hồ Chí Minh khen thưởng. Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi được Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tặng bằng khen… cùng nhiều phần thưởng khác.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/dai-ta-le-van-phuoc-ban-linh-nguoi-dung-mui-chiu-sao-758557