Đại sứ Choi Young Sam: Hợp tác Hàn Quốc - Bình Dương là nền tảng vững chắc trong quan hệ hai nước

Nhân dịp sự kiện 'Gặp gỡ Hàn Quốc 2024' tại Bình Dương (16-17/5), Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam khẳng định Bình Dương và Hàn Quốc là đối tác vô cùng quan trọng của nhau và chặng đường phía trước vẫn còn nhiều hứa hẹn với quyết tâm từ hai phía.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam nhân dịp bắt đầu nhiệm vụ tại Việt Nam tháng 3/2024. (Ảnh: ĐSQ)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam nhân dịp bắt đầu nhiệm vụ tại Việt Nam tháng 3/2024. (Ảnh: ĐSQ)

Hàn Quốc hiện nay chiếm 10% tổng vốn FDI vào Bình Dương. Xin Đại sứ đánh giá về hiệu quả của các dự án hợp tác với Hàn Quốc tại Bình Dương trong thời gian qua?

Tháng 1 đầu năm nay, tôi đã mời Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi tới nhà riêng để trao đổi về hợp tác giữa Bình Dương và Hàn Quốc. Khi đó, nhờ có chia sẻ của Ngài Bí thư về thế mạnh, tầm nhìn và phương án hợp tác với Hàn Quốc của tỉnh Bình Dương, tôi đã có thể hình dung rõ ràng về kế hoạch hợp tác giữa hai bên.

Chúng tôi đã khẳng định những mối quan tâm chung và chia sẻ tình hữu nghị đặc biệt. Tôi cho rằng nhân duyên giữa tôi và Bí thư Nguyễn Văn Lợi vô hình trung đã dẫn đến sự kiện Gặp gỡ Hàn Quốc được tổ chức tại Bình Dương, tôi tin tưởng sự kiện sẽ diễn ra thành công, tốt đẹp.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam. (Ảnh: ĐSQ)

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam. (Ảnh: ĐSQ)

Điều tôi có thể khẳng định thông qua cuộc trao đổi với Bí thư Nguyễn Văn Lợi đó là: Bình Dương và Hàn Quốc là đối tác vô cùng quan trọng của nhau. Tính đến năm 2023, đã có 450 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Bình Dương, có 771 dự án với tổng mức đầu tư đạt 3,34 tỷ USD, Bình Dương đứng thứ 4 về số lượng dự án và đứng thứ 8 về quy mô vốn trên tổng số các tỉnh thành thu hút đầu tư của Hàn Quốc.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế và ngành sản xuất chế tạo của tỉnh Bình Dương. Điển hình là Kolon Industries - doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư với quy mô lớn nhất vào Bình Dương, sau khi khánh thành nhà máy vào năm 2018, đã mở rộng thêm công suất vào tháng 9/2021, sản xuất vải dây lốp polyester (vật liệu gia cố bằng sợi cho khung lốp xe), đang vươn ra thế giới dựa trên nền tảng đầu tư tại Bình Dương.

Ngoài ra, công ty Orion Food Vina sản xuất bánh chocopie cũng liên tục tăng trưởng kể từ sau khi đầu tư vào Bình Dương vào năm 2005, đưa Bình Dương trở thành trung tâm sản xuất bánh kẹo tại Việt Nam.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang tăng cường hợp tác với Bình Dương thông qua các dự án ODA. Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã tiến hành các dự án như đào tạo kỹ thuật chăn nuôi lợn, tình nguyện y tế, tăng cường năng lực lãnh đạo…

Có thể thấy, Chính phủ và các doanh nghiệp Hàn Quốc đang có nhiều nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác với tỉnh Bình Dương. Tôi hy vọng trong thời gian tới, hợp tác giữa hai bên sẽ tiếp tục được mở rộng, trở thành nền tảng vững chắc trong quan hệ hai nước Việt Nam-Hàn Quốc.

Xin Đại sứ nhận định về tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Bình Dương trong hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian tới?

Bình Dương - khu kinh tế trọng điểm của miền Nam Việt Nam là một trong số các tỉnh thành được đánh giá là có sức hút đầu tư tại Việt Nam do có nhiều yếu tố như vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, nguồn nhân lực xuất sắc, chính quyền thân thiện với doanh nghiệp…

Đặc biệt, Bình Dương có tuyến đường cao tốc kết nối khu kinh tế phía Nam chạy qua, cách cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam – Tân Sơn Nhất và cảng Cái Mép – Thị Vải dưới 30-40km, do đó, có thể nhanh chóng vận chuyển các sản phẩm sản xuất tại Bình Dương đi khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, Bình Dương có trên 76% dân số trong độ tuổi lao động, có nhiều nhân lực xuất sắc được đào tạo hàng năm tại các cơ sở giáo dục chất lượng như Trường trung cấp nghề nghiệp vụ, Đại học Việt-Đức, Đại học quốc tế Miền Đông…

Tôi được biết Bình Dương hiện đang tập trung vào xây dựng các khu công nghiệp mới và phát triển cơ sở hạ tầng hướng tới tương lai, đặc biệt, đang triển khai xây dựng khu đô thị thông minh thân thiện với môi trường đến năm 2030. Thông qua đó, năm 2023, Bình Dương đã thu hút 1,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm vị trí thứ 2 trên cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tháng 4/2024. (Ảnh: ĐSQ)

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tháng 4/2024. (Ảnh: ĐSQ)

Đại sứ có thể chia sẻ lĩnh vực ưu tiên của Hàn Quốc trong hợp tác với Bình Dương và đề xuất những nội dung Bình Dương có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc?

Trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam-Hàn Quốc được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2022, Hàn Quốc nhận thấy Việt Nam là một cộng đồng kinh tế để bình ổn chuỗi cung ứng và tiếp tục cùng tăng trưởng. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất, tuy nhiên, giờ đây, vượt ra khỏi đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất chế tạo, Hàn Quốc dự kiến đầu tư trong các lĩnh vực tăng trưởng mới như công nghiệp mũi nhọn, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… qua đó làm sâu sắc, phát triển hơn nữa quan hệ hai nước.

“Tôi cho rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào Bình Dương vì hiểu biết rõ tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Tôi mong tỉnh Bình Dương có thể quảng bá thế mạnh của mình một cách rộng rãi hơn nữa tới các doanh nghiệp Hàn Quốc thông qua tổ chức thành công sự kiện kết nối kinh tế quy mô lớn như Gặp gỡ Hàn Quốc”.

Thứ tự ưu tiên này của Hàn Quốc cũng là những điều Việt Nam đang mong đợi. Bởi việc tạo ra động lực phát triển mới thông qua phát triển công nghiệp là vô cùng cần thiết nhằm giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Tôi được biết trước xu thế này, tỉnh Bình Dương cũng mong muốn đầu tư trong các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, logistics, công nghệ mũi nhọn… và dự kiến tăng cường hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực có nhiều quan tâm như chất bán dẫn, năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn…Tôi cho rằng hợp tác trong các lĩnh vực này giữa Bình Dương và Hàn Quốc sẽ được tăng cường hơn nữa.

Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc của tỉnh Bình Dương, tôi được biết trong thời gian qua tỉnh Bình Dương đã dành nhiều quan tâm để doanh nghiệp Hàn Quốc có thể đóng góp cho kinh tế của Bình Dương trong môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định. Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh (phụ trách khu vực Bình Dương) đã có 2 lần tới thăm Bình Dương và trao đổi về phương án hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc, Đối thoại giữa Bình Dương và các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng được tổ chức vào tháng 11 năm ngoái.

Ngoài ra, tôi cũng nghe nói Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng trao đổi chặt chẽ với chính quyền Bình Dương. Khi Chính quyền tỉnh Bình Dương tiếp tục lắng nghe và chia sẻ khó khăn của các doanh nghiệp Hàn Quốc, sẽ có thể giúp ích nhiều cho các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư bổ sung và đầu tư mới trong thời gian tới.

Theo Đại sứ, hợp tác địa phương có vai trò như thế nào trong thúc đẩy quan hệ giữa hai nước?

Hợp tác với 63 tỉnh thành Việt Nam là phần vô cùng quan trọng trên phương diện hợp tác kinh tế và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư vào 58/63 tỉnh thành Việt Nam, điểm đến của người Hàn Quốc không chỉ giới hạn ở các thành phố chính như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... mà đã mở rộng sang nhiều địa điểm du lịch của các tỉnh thành khác.

Xét đến tầm quan trọng đó, hai nước đã nhất trí thúc đẩy giao lưu hợp tác địa phương, bao gồm tổ chức sự kiện Gặp gỡ Hàn Quốc lần này thông qua Chương trình Hành động nhằm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc được công bố vào năm 2023.

Khác với các quốc gia khác, đặc điểm nổi bật nhất trong ngoại giao địa phương với Việt Nam là hợp tác kinh tế chiếm tỷ trọng lớn. 63 tỉnh thành của Việt Nam đang cạnh tranh lành mạnh trong thu hút đầu tư nước ngoài, phục vụ cho phát triển địa phương, do đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại nhiều khu vực. Đại sứ quan Hàn Quốc đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo địa phương, đưa ra các đề nghị hợp tác và phối hợp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước; tích cực gặp gỡ các doanh nghiệp.

Vì lẽ đó, ngoại giao địa phương là vô cùng quan trọng trong ngoại giao của Hàn Quốc đối với Việt Nam. Tôi đã tới thăm 10 tỉnh thành kể từ sau khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam vào tháng 8/2023. Nếu tính cả các cuộc giao lưu với các lãnh đạo địa phương khi họ ở Hà Nội, tôi đã gặp tổng cộng 17 lãnh đạo của các tỉnh thành.

Đặc biệt, tôi muốn cảm ơn vai trò và sự phối hợp của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong quá trình triển khai ngoại giao địa phương nêu trên. Cục Ngoại vụ Bộ Ngoại giao đã tích cực triển khai tổ chức sự kiện ý nghĩa như Gặp gỡ Hàn Quốc để thúc đẩy hợp tác địa phương giữa hai nước. Trong thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam để tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa với các địa phương Việt Nam, qua đó, thúc đẩy tình hữu nghị và mở rộng lợi ích giữa hai nước.

Vy Anh (thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-choi-young-sam-hop-tac-han-quoc-binh-duong-la-nen-tang-vung-chac-trong-quan-he-hai-nuoc-271596.html