Đại lý có thể kiện Indochina Airlines để đòi nợ

(VTC News) - "Việc Hãng này đổ bể (nếu có) có thể do nhiều nguyên nhân, chưa hẳn là chỉ do cá nhân của Hà Dũng gây ra nên về nguyên tắc, trong giai đoạn này, chưa có cơ sở để quy kết trách nhiệm cá nhân cho ông Hà Dũng".

Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà) đã đưa ra nhận xét như vậy xung quanh vụ “lùm xùm” về nợ nần tại Indochina Airlines (hãng hàng không do nhạc sỹ Hà Hùng Dũng làm Tổng giám đốc). Ông Bình nói, hiện nay dư luận vẫn mặc nhiên coi Indochina Airlines là doanh nghiệp của riêng Hà Dũng, việc Hãng này phải đóng cửa như là lỗi của Hà Dũng… là không chính xác. Theo ông Bình, trong khi cả con nợ và chủ nợ đều chưa nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì chủ nợ có thể kiện Indochina Airlines ra tòa để đòi lại tiền theo thủ tục dân sự. - Có ý kiến cho rằng Hãng hàng không này đã có dấu hiệu phá sản, vậy về căn cứ pháp lý đã đủ chưa, thưa ông? Theo quy định tại Điều 3 Luật Phá sản năm 2004, một doanh nghiệp có dấu hiệu “không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu...” thì bị “coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Như vậy, nếu Hãng Hàng không Indochina Airlines của Hà Dũng có đủ các dấu hiệu trên, hay nói cách khác là mất khả năng trả nợ thì “bị coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Tuy nhiên, từ chỗ “bị coi là lâm vào tình trạng phá sản” cho đến khi “Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp… bị phá sản” còn cả một quá trình rất dài… - Khi một doanh nghiệp có dấu hiệu phá sản, theo ông, việc chủ doanh nghiệp chủ động tuyên bố phá sản sẽ tránh được những rủi ro gì? Theo quy định tại Điều 15 của Luật Phá sản thì khi nhận thấy doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đó. Sau thời hạn ba tháng, kể từ khi nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, nếu chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Thông thường, chủ doanh nghiệp là người nắm rõ nhất việc doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Do đó, việc chủ động gửi đơn mở thủ tục phá sản, trước hết là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp; tiếp đó là tránh cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng trầm trọng hơn khi tiếp tục phải thanh toán những chi phí phát sinh trong khi kinh doanh tiếp tục thua lỗ như tiền trả lãi từ các khoản nợ, tiền lương, tiền công cho nhân viên công ty, các chi phí cần thiết đề duy trì hoạt động bình thường,… giảm thiệt hại cho chính bản thân doanh nghiệp và cho chủ doanh nghiệp. - Nhiều người băn khoăn về việc Hãng hàng không do ông Hà Dũng làm Tổng giám đốc dường như không có khả năng trả nợ. Về mặt pháp lý, nếu việc kinh doanh của Hãng này đổ bể, ông Hà Dũng có thể phải đối mặt với những nguy cơ gì? Trước hết phải khẳng định rằng Indochina Airlines là một doanh nghiệp được tổ chức theo hình thức công ty cổ phần, trong đó ông Hà Dũng là một cổ đông chứ không phải là Hãng của riêng ông Hà Dũng. Khoản 2 Điều 77 Luật Doanh nghiệp quy định công ty cổ phần là pháp nhân nên theo khoản 3 Điều 84 Bộ luật Dân sự thì pháp nhân “Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”. Hiện nay, dư luận vẫn mặc nhiên coi Indochina Airlines là doanh nghiệp của riêng Hà Dũng, việc Hãng này phải đóng cửa như là lỗi của Hà Dũng…là không chính xác. Việc Hãng này đổ bể (nếu có) có thể do nhiều nguyên nhân, chưa hẳn là chỉ do cá nhân của Hà Dũng gây ra nên về nguyên tắc, trong giai đoạn này, chưa có cơ sở để quy kết trách nhiệm cá nhân cho ông Hà Dũng. Nếu quá trình điều tra xác định được Hà Dũng có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 80 Luật Doanh nghiệp như đã thực hiện một trong các hành vi “Vi phạm pháp luật; tiến hành kinh doanh và các giao dịch khác để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn trước nguy cơ tài chính có thể xảy ra đối với công ty”, thì với tư cách là một cổ đông, Hà Dũng sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân về sự “đổ bể” đó của Hãng. Điểm c khoản 1 Điều 77 Luật Doanh nghiệp còn quy định “Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;”. Do vậy, nếu Hãng “đổ bể” thì là một trong những cổ đông của công ty, ông Hà Dũng sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ trong phạm vi phần vốn đã góp vào công ty. - Trong vụ việc này, theo ông, đã có dấu hiệu của vi phạm pháp luật hình sự chưa hay chỉ thuần túy là quan hệ dân sự - kinh tế? Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự (BLHS) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì “Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng … thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Theo các quy định trên, nếu ông Hà Dũng nhận tiền từ các đại lý bằng các hợp đồng kinh tế và dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền này thì hành vi của ông Hà Dũng mới có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Trong trường hợp không có những dấu hiệu nêu trên thì việc Hãng này nợ các đại lý bán vé máy bay đơn thuần chỉ là quan hệ dân sự - kinh tế. - Các chủ nợ có thể làm gì để lấy lại tiền của mình, thưa ông? Như đã nêu ở trên, ông Hà Dũng chỉ là một cổ đông trong Indochina Airlines. Trong trường hợp ông Dũng đại diện cho công ty này để ký kết hợp đồng kinh tế hoặc vay tiền của các đại lý vé máy bay và các đối tác khác để hoạt động kinh doanh, thì các đối tượng này chỉ có thể khởi kiện Indochina Airlines về các khoản nợ nói trên, và ông Hà Dũng chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ trong phạm vi số vốn ông này đã góp tại công ty này. Trong trường hợp ông Hà Dũng vay tiền của các đối tượng đó với tư cách cá nhân và không nhân danh công ty thì ông Dũng mới phải chịu trách nhiệm về các khoản vay này bằng toàn bộ tài sản của mình và những người này mới có thể khởi kiện cá nhân ông Hà Dũng để yêu cầu Tòa án buộc ông Dũng trả lại số tiền mà ông Dũng đã vay của họ. - Trong khi Indochina Airlines chưa trả nợ, theo ông, những đại lý của Hà Dũng có thể kiện ra tòa đòi lại tiền hay cứ phải chờ hoặc báo với cơ quan điều tra? Theo tôi, trong khi Indochina Airlines chưa trả nợ cho các chủ nợ, bản thân họ và các chủ nợ chưa nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì các chủ nợ của có thể kiện Indochina Airlines ra Tòa án để đòi lại số tiền mà họ đã đặt trước cho công ty này theo thủ tục dân sự. Xin cám ơn luật sư về cuộc trao đổi này. Hạnh Lê (thực hiện)

Nguồn VTC: http://vtc.vn/7-262942/phap-luat/dai-ly-co-the-kien-indochina-airlines-ra-toa-de-doi-no.htm