Đại lễ ở nơi xa nhất Thủ đô

GiadinhNet - Những ngày này, Hà Nội đang mặc áo hội, ngày rực rỡ, đêm lung linh huyền ảo.

Không chỉ khu trung tâm, cách nội đô 40 km là 4 xã vùng cao với dân số phần lớn là đồng bào dân tộc ít người, không khí chào mừng Đại lễ cũng đang rất tưng bừng rộn rã... Đại lễ ở vùng cao 4 xã vùng cao của Thủ đô với dân số phần lớn là đồng bào dân tộc ít người mà chúng tôi tìm về là Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình (huyện Thạch Thất) và Đông Xuân (huyện Quốc Oai). Cách đây hơn 2 năm, 4 xã này là những địa phương miền núi của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, 4 xã trên được sáp nhập về Thủ đô. Bởi thế, khi tiếp xúc với chúng tôi không ít bà con của địa phương là người dân tộc Mường đã thật thà bộc bạch rằng: “Chưa được về thăm Hà Nội bao giờ”. Chưa được về thăm Hà Nội lần nào, chưa biết Hồ Gươm và Lăng Bác Hồ ra sao thế nhưng khi Hà Nội bước vào Đại lễ nghìn năm thì ai cũng rất phấn khởi, không khí chuẩn bị và đón chào Đại lễ của bà con nơi đây cũng thật nhiều ấn tượng. Địa phương đầu tiên chúng tôi tìm về là xã Đông Xuân. Phó Chủ tịch xã, ông Phan Văn Phú không giấu được niềm vui nói: “Nhà báo về chúng tôi mừng lắm. Tôi sẽ đưa nhà báo đi thăm hết địa phương để thấy người dân chúng tôi hồ hởi và phấn khích như nào với Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Nói xong, ông Phú kéo tôi ra luôn sân bóng chuyền nằm cạnh trụ sở xã và cho biết: “Hơn 20 người đang tập kia là đội bóng chuyền của xã tôi. Họ tập luyện cả tháng và chỉ chờ tới ngày 10/10 là đi thi đấu với đội bóng của các xã bạn để chào mừng Đại lễ”. Theo ông Phú, từ ngày 1- 10/10 xã Đông Xuân sẽ tổ chức hội thi thể dục thể thao với các môn mang đậm tính dân tộc của địa phương như ném còn, bắn nỏ, cưỡi ngựa, đấu vật... Cùng đó, các hội thi văn hóa văn nghệ cũng sẽ được địa phương tổ chức chu đáo. Hiện 7 thôn của xã Đông Xuân đều đã có câu lạc bộ văn nghệ. Ông Phú cho biết thêm, ngoài việc treo băng rôn khẩu hiệu chào mừng Đại lễ tại khắp các con đường của xã và các khu vực bà con địa phương hay tập trung, xã Đông Xuân còn bổ sung thêm 400 lá cờ để phân phát cho các hộ dân sử dụng trong thời gian diễn ra Đại lễ. Rời Đông Xuân, chúng tôi tìm về 3 xã Yên Trung, Yên Bình và Tiến Xuân. Không khí chuẩn bị cho Đại lễ của bà con nơi đây cũng không kém phần náo nhiệt. Đúng vào hôm chúng tôi tìm về, chính quyền huyện Thạch Thất đã tổ chức đêm giao lưu cho đồng bào 3 xã miền núi Yên Trung, Yên Bình và Tiến Xuân tại sân vận động của xã Tiến Xuân. Hàng ngàn nam, nữ thanh niên cùng các cụ già của 3 xã trong trang phục dân tộc tập trung về đây thi nhau ca hát những bài ca về Hà Nội, đánh cồng chiêng... Ngoài ra, đêm giao lưu còn diễn ra nhiều cuộc thi thể thao của thanh niên như đẩy gậy, đi xe đạp chậm... Đêm giao lưu đã kết thúc với màn đốt lửa trại trong tiếng hò reo của hàng ngàn người. Ông Quách Đình Đạo, Chủ tịch xã Tiến Xuân cho biết: “Trong 10 ngày diễn ra Đại lễ, chính quyền 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung và Yên Bình sẽ cùng phối hợp tổ chức các chương trình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo người dân”. Đi gặt cũng chào mừng Đại lễ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội diễn ra đúng vào thời điểm bà con nông dân của 4 xã xa nhất Thủ đô bước vào mùa gặt. Câu chuyện bà con nơi đây vừa đi gặt vừa trông ngóng chào mừng Đại lễ cũng khiến chúng tôi bất ngờ. Năm nay 45 tuổi, không còn tinh nhanh như thanh niên nhưng chị Hoàng Thị Nguyên, thôn Đình, xã Tiến Xuân vẫn được lựa chọn vào đội bắn nỏ của xã đi dự thi ít ngày nữa. Ngoài chị Nguyên, 4 cô em gái trong gia đình cũng được chọn vào đội. Vậy là ngoài thời gian đi gặt ngoài đồng, chiều tối về nhà cả 5 chị em lại mang nỏ ra tập bắn. Theo chị, cả tuần nay cứ vừa đi gặt chị vừa mang theo cái nỏ bên mình để rảnh lúc nào là mang ra tập bắn lúc ấy. Đêm về nhà, con gái ngồi học bài thì chị mang tre ra vót tên. “Mỗi thợ nỏ phải vót 25 cái tên. Tôi tự mình lên rừng tìm tre về làm đấy”, chị Nguyên khoe. Được biết tại hội thi bắn nỏ do huyện Thạch Thất tổ chức năm 2009, chị Nguyên đã giành giải nhất. Không giống như chị Nguyên, chị Hà Minh Ái, thôn Dục, xã Tiến Xuân lại được lựa chọn vào đội ném còn của xã. Mỗi thành viên trong đội phải tự khâu 12 quả còn. Vậy là cứ ban ngày đi gặt, tối về chị Ái lại ngồi khâu quả còn. Chuyện chị Ái luyện ném còn cũng lắm ly kỳ. Đội có 12 người, vừa đi gặt vừa mang theo những quả còn. Hễ cứ gặt xong hay nghỉ giải lao là 12 người trong đội lại lấy còn ra tập ném ngay trên thửa ruộng vừa gặt. Niềm vui của bà con vùng xa với Đại lễ tuy đơn giản, nhưng chan chứa tự hào. Cả Thủ đô tưng bừng sắc hoa, những ngày Đại lễ đã bắt đầu. Khắp Hà Nội, các hoạt động chào mừng độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương đang nhộn nhịp diễn ra... Quốc Hưng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20101004095746702p0c1000/dai-le-o-noi-xa-nhat-thu-do.htm