Đại hồng thủy nhấn chìm Pakistan - đòn cảnh báo biến đổi khí hậu

Trận lũ lụt với sức tàn phá khủng khiếp ở Pakistan đã khiến hơn 1000 người chết, hàng triệu nhà cửa bị hư hại. Thảm họa tự nhiên tại quốc gia Nam Á lần nữa cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Một người đàn ông cõng cháu gái đi trong nước lũ ở Charsadda (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Một người đàn ông cõng cháu gái đi trong nước lũ ở Charsadda (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Theo Cơ quan Xử lý thiên tai Pakistan, từ giữa tháng 7, những trận mưa không ngớt đã gây ra lũ lụt làm 1.136 người chết, 1. 636 người bị thương, 1 triệu nhà cửa bị hư hại. Ít nhất 498.000 người dân Pakistan phải sống lay lắt trong các trại tị nạn sau khi mất nhà cửa.

Đây là trận lụt tồi tệ nhất trong lịch sử Pakistan. Thảm họa lũ lụt này đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố như mưa liên tục, địa hình các sườn núi dốc ở một số khu vực, sự xuống cấp của hệ thống đê điều, biến đổi khí hậu tự nhiên, cũng như việc người dân nghèo Pakistan không được chuẩn bị để đối phó với những thảm họa tự nhiên trên quy mô lớn.

Bà Sherry Rehman, Bộ trưởng về biến đổi khí hậu của Pakistan cho biết, Pakistan chưa bao giờ chứng kiến một chu kỳ mưa gió không gián đoạn như vậy. 8 tuần mưa không ngừng đã để lại những vùng nước khổng lồ.

Kể từ đầu tháng 8, lượng mưa ghi nhận tại tỉnh Sindh của Pakistan cao gấp 9 lần so với các năm trước. Trên toàn quốc, có những ngày đo được lượng mưa cao 37,5cm, tức gần gấp 3 lần so với mức trung bình ở Pakistan trong 30 năm qua.

Theo một nghiên cứu vào năm 2021, tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến cho mùa mưa tại khu vực Nam Á ngày càng trở nên khắc nghiệt và thất thường. Lượng mưa trong khu vực tăng 5% khi nhiệt độ trung bình của Trái Đất tăng thêm một độ C.

Pakistan thường xuyên phải hứng chịu các trận lũ kể từ năm 2010, bên cạnh đó là tình trạng cháy rừng và các đợt nắng nóng kéo dài. Tổn thất này phản ánh việc các nước nghèo phải trả giá cho sự thay đổi thời tiết do các nước công nghiệp gây ra. Từ năm 1959, Pakistan chỉ chịu trách nhiệm 0,4% trong tổng mức thải phát khí carbon của toàn thế giới, trong khi Mỹ chịu trách nhiệm 21,5%, Trung Quốc 16,5% và khối EU 15%.

Người dân dọn bùn đất ra khỏi nhà (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Người dân dọn bùn đất ra khỏi nhà (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Địa hình và sự xuống cấp của hệ thống đê điều khiến cho thiệt hại về người trong thảm họa tại Pakistan gia tăng. Nước mưa đổ xuống những khu vực có địa hình dốc làm tăng tốc độ của dòng nước lũ gây nên tình trạng lũ quét. Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng cũng loại bỏ các rào cản tự nhiên ngăn nước lũ.

Theo bà Liz Stephens, Giáo sư về rủi ro và chống chịu biến đổi khí hậu tại Đại học Reading, rất khó để dự báo và sơ tán người dân trong các trận lũ quét. Tại nhiều khu vực, các hệ thống đê và kè ven sông cũng bất ngờ bị sụp đổ. Nhiều người sống ở các khu vực có đê và nghĩ rằng mình được bảo vệ sẽ không có sự chuẩn bị kịp thời khi các trận lũ xuất hiện.

Thêm vào đó, người dân nghèo tại Pakistan đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Mưa đã ngừng từ hơn 2 ngày qua và nước lũ đã rút dần, nhưng nhiều người vẫn chịu cảnh nhà ngập nước và phải lội ra đường để tìm thức ăn viện trợ.

Các khoản viện trợ quốc tế đã bắt đầu đến Pakistan, quân đội nước này triển khai ít nhất 6.500 lính giúp phát đồ viện trợ ở các vùng hẻo lánh và sơ tán người mất nhà bằng máy bay quân sự, trực thăng, xe tải và xuồng. Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif cho biết, chính phủ sẽ cấp nhà ở cho những người mất nhà.

Tuy nhiên, nhiều người tị nạn vẫn phải chờ nguồn viện trợ, vài người nói nói rằng họ mới nhận được lều và không có thức ăn. Ahsan Iqbal, Bộ trưởng Quy hoạch nước này nhận định, công tác tái thiết sau trận đại đồng thủy chưa từng có vừa qua sẽ tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, sau thảm họa lũ lụt Pakistan, một điều có thể dễ dàng nhận thấy chính là việc tình trạng biến đổi khí hậu có ảnh hưởng lớn tới sự gia tăng tần suất các thảm họa tự nhiên và hiện tượng thời tiết cực đoan, dù nhiệt độ Trái Đất mới chỉ tăng 1,1 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Pakistan là quốc gia mới nhất phải chịu thiệt hại nặng nề về nhân mạng và vật chất vì tình trạng này.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/the-gioi/dai-hong-thuy-nhan-chim-pakistan-don-canh-bao-bien-doi-khi-hau-166000.html