Đại hội đồng WIPO 2023 và hoạt động nổi bật của đoàn Việt Nam

Từ ngày 6/7 đến ngày 14/7/2023, tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ, Phiên họp lần thứ 64 Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), đã diễn ra trọng thể tại Trụ sở WIPO và đây là hoạt động quan trọng nhất của WIPO trong năm với nhiều nội dung quan trọng.

Tham dự phiên khai mạc Đại hội đồng WIPO có Ban Lãnh đạo WIPO, một số Bộ trưởng, Đại sứ Trưởng Phái đoàn đại diện các nước tại Geneva, và các đoàn đại biểu của các quốc gia thành viên WIPO. Tham dự hội nghị còn có đại diện các tổ chức liên chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quan sát viên.

Đại hội đồng năm nay diễn ra dưới sự chủ trì của bà Tatiana Molcean, Trưởng Phái đoàn đại diện Moldova tại Giơ-ne-vơ. Đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự Phiên khai mạc có bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Giơ-ne-vơ, ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và một số cán bộ của Cục Sở hữu trí tuệ.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội đồng WIPO 2023

Phát biểu chào mừng tại Phiên khai mạc, ông Daren Tang, Tổng Giám đốc WIPO hoan nghênh sự tham dự của tất cả đoàn đại biểu quốc gia thành viên và các quan sát viên. Ông cho biết theo thống kê của Ban thư ký WIPO, Phiên họp năm nay ghi nhận sự tham dự của khoảng 1.200 đại biểu từ 193 quốc gia thành viên của WIPO, con số cao nhất trong lịch sử của WIPO.

Ông Daren Tang cũng nhấn mạnh việc Bản Kế hoạch Chiến lược trung hạn giai đoạn 2022-2026 (MTSP 2022-2026) của WIPO tiếp tục hướng tới triển khai các dự án nhằm kết nối SHTT với tất cả các đối tượng trên khắp thế giới, đồng thời hướng tới việc giải quyết các thách thức toàn cầu và Mục tiêu Phát triển Chiến lược của Liên Hợp quốc (SDGs).

Ngoài ra, ông cũng kêu gọi nỗ lực của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy các vòng đàm phán của 02 văn kiện quốc tế là Hiệp ước Luật kiểu dáng công nghiệp (DLT) và văn kiện về nguồn gen và tri thức truyền thống để có thể đi đến việc triệu tập Hội nghị ngoại giao trong giai đoạn 2024-2005 như Đại hội đồng WIPO 2022 đã quyết định.

Đoàn đại biểu của Việt Nam chụp ảnh cùng ông Hasan Kleib, Phó tổng giám đốc WIPO 2023

Tại Hội nghị Đoàn Việt Nam có bài phát biểu trong phiên khai mạc và chia sẻ những kết quả tích cực của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam thời gian qua, như đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị địnhsố 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gia nhập 4 điều ước quốc tế về SHTT trong giai đoạn 2021-2023 (tính đến nay Việt Nam đã gia nhập 15 điều ước quốc tế do WIPO quản lý).

Những kết quả trên có được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, đồng thời là sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả, tích cực của WIPO. Đoàn Việt Nam cũng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác với WIPO cũng như với các quốc gia thành viên khác nhằm thúc đẩy việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ như một công cụ để tạo ra việc làm, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh doanh và phát triển kinh tế.

Trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng WIPO có các điểm nhấn quan trọng như sửa đổi quy tắc chung về thủ tục của WIPO và quy tắc đặc biệt về thủ tục của các cơ quan chủ quản WIPO, thông qua báo cáo kiểm toán, giám sát, thông qua báo cáo của các ủy ban WIPO… và nhiều nội dung quan trọng khác.

Đăng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dai-hoi-dong-wipo-2023-va-hoat-dong-noi-bat-cua-doan-viet-nam-20230715071703192.htm