Đại học Xây dựng cần đổi mới, hội nhập để phát triển

Để Đại học Xây dựng trở thành trung tâm đào tạo chuyên ngành xây dựng lớn trong khu vực, yêu cầu trước tiên là phải đổi mới mô hình quản lý-đào tạo, tăng cường hội nhập quốc tế.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Lễ Kỷ niệm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Lễ Kỷ niệm 60 năm đào tạo, 50 năm thành lập trường và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Đại học Xây dựng.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chúc mừng và biểu dương những kết quả mà các thế hệ lãnh đạo, các nhà giáo, viên chức và sinh viên nhà trường đã đạt được trong 60 năm qua. Phó Thủ tướng cũng đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đại học Xây dựng. Đây là lần thứ hai Đại học Xây dựng nhận được vinh dự này.

Cái nôi đào tạo của ngành xây dựng

Là cơ sở giáo dục quốc dân được thành lập năm 1966, đến nay Đại học Xây dựng đã có 50 năm hình thành với truyền thống đào tạo 60 năm, trong đó 10 năm đầu tiên (từ 1956-1966) là Khoa Xây dựng thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội.

50 năm qua, các thế hệ cán bộ và sinh viên nhà trường đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà trường đã đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc với các phong trào như “Xuống đường”, “Xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ”. Nhiều cán bộ và sinh viên đã anh dũng hy sinh cho độc lập, thống nhất đất nước.

Đến nay, Đại học Xây dựng đã trở thành một trường đại học đa ngành, đào tạo từ bậc đại học đến tiến sĩ; là trung tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng. Trường đã đào tạo cho đất nước trên 60.000 kỹ sư, kiến trúc sư và trên 5.000 thạc sĩ, tiến sĩ, đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành xây dựng.

Đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư do trường đào tạo đã ghi dấu ấn trên các công trường thế kỷ của đất nước (Thủy điện Hòa Bình, Yaly, Sơn La, Lai Châu; cầu Mỹ Thuận, Bãi Cháy, các cầu qua sông Hồng, đường Hồ Chí Minh, đường dây 500 kV Bắc-Nam; các công trình nhà siêu cao tầng...). Bên cạnh đó, các chương trình, đề tài khoa học công nghệ trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, môi trường biển, vật liệu mới, thủy lợi-thủy điện... được Đại học Xây dựng nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả.

Phó Thủ tướng gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên cờ truyền thống của Đại học Xây dựng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tăng thực hành, đào tạo theo yêu cầu thị trường

Phát biểu với các thế hệ giáo viên, sinh viên Đại học Xây dựng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để có thể thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, thì đầu tư xã hội, trong đó phần lớn là đầu tư xây dựng, có vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, ngoài việc huy động đủ nguồn lực, thì yêu cầu phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, trong đó nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cho công tác đầu tư xây dựng, có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, khắc phục thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, giáo dục và đào tạo nói chung, đào tạo trong lĩnh vực xây dựng nói riêng còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành, chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức lối sống và kỹ năng mềm; thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; mô hình quản trị đại học còn chậm đổi mới.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết, Đại học Xây dựng phải tập trung đào tạo cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ trong đầu tư xây dựng từ quy hoạch, lập các dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế các công trình, tổ chức thi công xây lắp, giám sát các giai đoạn của đầu tư xây dựng, đến nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Mặt khác, phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, môi trường… đáp ứng yêu cầu tạo ra các sản phẩm xây dựng xanh, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Nhà trường cũng phải đổi mới mô hình quản lý, phát huy mạnh dân chủ trong tổ chức và hoạt động, tiếp cận các tiêu chuẩn hiện đại của các trung tâm giáo dục đại học lớn trong khu vực và quốc tế. Sớm có kế hoạch cụ thể để hướng tới mô hình trường đại học công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm để tháo gỡ những rào cản phát triển hiện nay. Bên cạnh đó, phải khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu cụ thể phát triển nhà trường theo từng giai đoạn, đặc biệt là ưu tiên phát triển các ngành nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực trước mắt cũng như lâu dài cho ngành xây dựng.

Nhiệm vụ mang tính quyết định đến thành công của Đại học Xây dựng, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, là nâng cao chất lượng đào tạo.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Phải thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình, giáo trình, bảo đảm tăng tỉ lệ thực hành, phát triển kỹ năng mềm, năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Để thực hiện được yêu cầu này, trước hết, nhà trường cần ưu tiên xây dựng, phát triển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, ưu tiên khuyến khích cán bộ, giảng viên đi đào tạo, nâng cao nghiệp vụ tại những nước có trình độ khoa học xây dựng tiên tiến”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Theo Phó Thủ tướng, nhà trường cũng cần tiếp tục tập trung phát triển, kể cả mở mới các ngành đào tạo mà xã hội đang có nhu cầu nhân lực lớn và nhà trường đã có nhiều kinh nghiệm như kiến trúc, xây dựng dân dụng và công nghiệp. Về lâu dài, cần phát triển, mở thêm các ngành có gắn kết chặt chẽ với yêu cầu của thực tiễn phát triển như quy hoạch, đô thị, hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xây dựng, vật liệu xây dựng...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt lưu ý Đại học Xây dựng phải chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế để nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo tiên tiến, từng bước tiệm cận với trình độ của khu vực và thế giới.

“Phải tăng cường các hoạt động trao đổi nghiên cứu, trao đổi sinh viên quốc tế; phối hợp chặt chẽ, chủ động tìm đầu ra cho sinh viên Đại học Xây dựng tại các thị trường lao động trong nước và quốc tế”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý Đại học Xây dựng chú trọng việc đào tạo theo địa chỉ, dành ưu tiên thỏa đáng cho việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản cũng như công tác quản lý phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương.

Xuân Tuyến

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/dai-hoc-xay-dung-can-doi-moi-hoi-nhap-de-phat-trien/292025.vgp