Đại học Thái Nguyên: Chú trọng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ

30 năm qua, Đại học Thái Nguyên đã có những đóng góp đáng kể trong công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho tỉnh, khu vực và đất nước. Trong quá trình xây dựng và phát triển, đơn vị xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm...

Đây là nhân tố then chốt thúc đẩy sự phát triển, nâng tầm thương hiệu của Nhà trường và là nền tảng để phấn đấu đến năm 2025 xây dựng ĐHTN trở thành một bộ phận hữu cơ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực và của tỉnh Thái Nguyên.

Sinh viên thực hành tại Phòng thí nghiệm hóa - phân tích môi trường, Khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Theo PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên: Đại học Thái Nguyên hiện có 13 trường đại học, đơn vị thành viên, 12 trung tâm, là một trong 3 đại học vùng của cả nước, là trung tâm đào tạo, NCKH của khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động có 3.787 người, trong đó có 2.454 cán bộ, giảng viên (837 cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ, hơn 158 tiến sĩ là giáo sư, phó giáo sư). Với lực lượng đông cán bộ, giảng viên có trình độ cao, ĐHTN luôn coi NCKH và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn là nhiệm vụ song song, hỗ trợ đào tạo sinh viên. Nhờ đó, đơn vị đã đạt được nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực...

Nhằm đẩy mạnh công tác NCKH, Ban Giám đốc ĐHTN, lãnh đạo các trường, đơn vị khai thác tối đa thế mạnh của đội ngũ cán bộ, giảng viên; động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên tích cực NCKH, chuyển giao công nghệ gắn với công tác giảng dạy, đào tạo của mỗi nhà trường.

Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, ĐHTN và các trường thành viên đã và đang triển khai 304 đề tài, dự án hợp tác quốc tế, cấp Nhà nước, cấp tỉnh/bộ và cấp đại học; đã công bố hơn 7.100 bài báo trên các tạp chí quốc tế, trong nước.

Đồng thời, ĐHTN đã thành lập 4 trung tâm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp; 3 doanh nghiệp dịch vụ khoa học; hình thành 42 nhóm nghiên cứu mạnh hoặc chuyên sâu theo ngành, liên ngành. Trong năm học 2022-2023, có 2 sản phẩm KHCN được cấp bằng độc quyền sáng chế, 6 quy trình khoa học công nghệ.

- Từ năm 2020 đến nay, Đại học Thái Nguyên đã và đang triển khai 22 đề tài, dự án hợp tác quốc tế, 55 đề tài cấp Nhà nước, 139 đề tài cấp tỉnh/bộ, 88 đề tài cấp đại học.

- Đã công bố 1.851 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục của Wos/Scopus; 1.314 bài báo quốc tế khác; 3.984 bài báo trong nước.

- Đã thành lập 4 trung tâm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp; 3 doanh nghiệp dịch vụ khoa học.

- Hình thành 42 nhóm nghiên cứu mạnh hoặc chuyên sâu theo ngành, liên ngành.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học nghiên cứu tại phòng thí nghiệm.

ĐHTN đã và đang thực hiện 22 dự án hợp tác quốc tế với tổng kinh phí 3,5 triệu USD; tổ chức 9 hội thảo quốc gia, 8 hội thảo quốc tế; đồng thời triển khai hợp tác với các tổ chức quốc tế (như: KOICA, Korea Foundation, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội; Chương trình Erasmus của EU; Quỹ Canada dành cho sáng kiến địa phương; Quỹ học bổng Fullbright…); ký thỏa thuận hợp tác với các trường đại học trên thế giới nhằm mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với Mỹ, Hàn, Đài Loan, Trung Quốc, Ý...

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Úc cùng với Đoàn công tác của tỉnh, lãnh đạo ĐHTN đã làm việc và ký kết văn bản hợp tác với Trường Đại học Melbourne, xúc tiến hợp tác đào tạo nghề với bang Victoria…

Bên cạnh đó, ĐHTN đã mở rộng hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, ký gần 20 chương trình hợp tác NCKH và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, như: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Cao Bằng…; ký hợp tác toàn diện với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh Yên Bái, Đại học Duy Tân...

Nữ tiến sĩ Vũ Quỳnh Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển nguồn nhân lực (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên) cùng các cộng sự khảo sát, tư vấn phát triển mô hình du lịch cộng đồng cho thanh niên dân tộc thiểu số thôn Tả Van 2, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Đặc biệt, đơn vị đã tăng cường hợp tác NCKH và chuyển giao công nghệ với tỉnh Thái Nguyên. Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai đều có giá trị khoa học, ý nghĩa thực tiễn, đem lại hiệu quả ứng dụng trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, công nghệ thông tin, văn hóa xã hội..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giai đoạn 2020-2023, ĐHTN và các truờng thành viên đã thực hiện 35 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, với tổng kinh phí khoảng 65 tỷ đồng, gồm các lĩnh vực: Nông nghiệp, kỹ thuật công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên.

Việc đẩy mạnh NCKH và chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế đã giúp ĐHTN khẳng định vị thế, uy tín ở cả trong và ngoài nước. Đây là nền tảng để ĐHTN tiếp tục phát huy thế mạnh, hiện thực hóa mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với NCKH, chuyển giao công nghệ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực và đất nước.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202401/dai-hoc-thai-nguyen-chu-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-chuyen-giao-cong-nghe-1c118e8/