Đại học Duy Tân: “Lợi nhuận” là... chất lượng sinh viên

(DĐDN) - Chia sẻ với DĐDN, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch HĐQT kiêm Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cho rằng: trường đại học cũng giống như DN công ích, DN xã hội, nó cũng tạo ra nhiều lợi nhuận, nhưng cái lợi lớn nhất mà trường đại học mang lại là sản sinh ra biết bao thế hệ tài năng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng chính là “sản phẩm” và “lợi nhuận” mà chúng tôi đang hướng đến.

Cũng theo Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, chất lượng của “sản phẩm” quyết định đến chất lượng của “lợi nhuận”. Nếu mô hình đào tạo chất lượng, hiệu quả thì sẽ sản sinh ra nhiều thế hệ trẻ có trình độ và năng lực cao để phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước. Đây cũng chính là mục tiêu mà chính ông đã theo đuổi trong hơn nửa thế kỷ qua.

Doanh nghiệp đặc biệt

- Là người đã tạo dựng nên tên tuổi của Trường Đại học Duy Tân - một trong những trường tư thục lớn nhất và có chất lượng đào tạo tốt nhất VN, ông có thể cho biết điều gì đã giúp ông thành công khi một mình xây dựng cơ nghiệp như hôm nay ?

Tâm huyết và kiên trì mục tiêu – Đó là những gì mà tôi đã cố gắng và quyết tâm vượt mọi gian khó trong suốt gần nửa thế kỷ. Khi còn bé tôi đã không được học đến nơi đến chốn, nên khi lớn lên tôi ý thức được việc học nó đặc biệt quan trọng như thế nào đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Theo tôi, trình độ học vấn của người dân sẽ quyết định đến vận mệnh và sự phát triển của đất nước. Chính vì thế, tôi quyết tâm đầu tư vào giáo dục bằng mọi giá, với mục đích góp sức mình vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việc quyết tâm và kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình sẽ giúp chúng ta có được những thành công. Có lẽ vì thế mà trong quá trình hình thành Đại học Duy Tân, biết bao gian khó, thậm chí phải trả giá bằng nhiều sự mất mát về của cải vật chất, nhưng tôi cũng quyết tâm theo đuổi ước mơ mà mình mong ước. Còn nhớ năm 1992, khi bắt đầu bước chân vào sự nghiệp “trồng người”, không ai khác, chính tôi là người đầu tiên của VN “khai sinh” ra Trung tâm Anh ngữ thực hành đầu tiên được Bộ Giáo dục Đào tạo cấp giấy phép. Đây chính là bước đệm đặc biệt quan trọng để giúp tôi tự tin thành lập Trường ĐH Duy Tân vào năm 1994. Và sự thật, khi chính thức thành lập trường, bản thân tôi không có tiền nên phải thế chấp căn nhà riêng của mình với giá gần 200 triệu để thuê mặt bằng đầu tư giảng dạy. Chính tại thời điểm đó, nhiều người đã hoài nghi về quyết định của tôi, nhưng do tâm huyết và ước mơ suốt bao nhiêu năm nên tôi quyết định thành lập trường Đại học Duy Tân bằng mọi giá.

Với tôi, thành công của một Trường Đại học cũng giống như một DN đều được đánh giá về chất lượng của “lợi nhuận” mà DN đó đã mang lại cho đất nước, cho xã hội như thế nào. Chất lượng “lợi nhuận” của chúng tôi chính là sản phẩm đầu ra mà ĐH Duy Tân đang tạo ra mỗi năm có hàng ngàn sinh viên của ĐH Duy Tân tốt nghiệp, góp phần bổ sung một lượng lao động không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Nhưng nếu trường đại học mà như DN thì lợi nhuận sẽ phải được tính đến. Vậy lợi nhuận của Trường ĐH Duy Tân đạt được là gì ?

Đúng vậy, đã là DN thì lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng khác với một DN thông thường, chúng tôi là những DN công ích, DN xã hội. Do đó, ngoài những lợi nhuận về vật chất hữu hình, cái lợi nhuận lớn nhất của chúng tôi là tạo ra những “sản phẩm” – là các thế hệ học sinh có đủ sức – có đủ lực – có đủ tài để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hay nói một cách khác, một DN đơn thuần chỉ tạo ra những lợi nhuận và đóng góp vào ngân sách Nhà nước là xong. Còn đối với một Trường Đại học nói chung và ĐH Duy Tân nói riêng, ngoài những đóng góp cho nhà nước, cho xã hội, đây còn là cái “lò” ươm mầm biết bao thế hệ tài năng là chủ nhân của đất nước, là nền tảng cho sự phát triển dài lâu của dân tộc. Điều đó như là một lời khẳng định rằng, không riêng gì Đại học Duy Tân, bất cứ ai đến với sự nghiệp “trồng người” phải xuất phát bằng cả trái tim, tình yêu, niềm mơ ước và khát khao thì mới hi vọng để lại cho đời những giá trị vĩnh hằng mà nơi ấy sẽ có hàng triệu người sau này vẫn luôn nhớ đến mình.

Chính vì thế mà trong suốt những năm qua, chúng tôi đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhu cầu học tập và sinh hoạt của các em sinh viên. Do đó, mà ngay trong báo cáo hàng năm của chúng tôi, phần chi luôn cao hơn phần thu cũng là điều dễ hiểu. Bởi theo tôi, muốn tạo dựng được tên tuổi đi vào lòng người, trước hết bản thân phải chấp nhận đầu tư và đặc biệt chú ý đến chất lượng của “lợi nhuận”. Chất lượng của lợi nhuận thực chất là sản phẩm chất lượng đầu ra của thế hệ sinh viên ĐH Duy Tân. Sau khi ra trường, các em có đầy đủ kiến thức và có khả năng thích ứng với môi trường thực tế để tiếp nhận công việc, bắt nhịp với những thay đổi của xã hội và môi trương hoàn toàn mới lạ.

Hội nhập toàn cầu

- Vậy ngoài những lợi nhuận mà ông đã tạo ra thì ông đã làm gì để xây dựng “chất lượng” của lợi nhuận và đưa ĐH Duy Tân trở thành một trong những trường đại học tư thục có chất lượng đào tạo tốt nhất VN hiện nay ?

Theo tôi, muốn chất lượng giáo dục tốt trước hết người làm giáo dục phải có cái tâm và phải biết học hỏi từ nhiều mô hình của các nước tiên tiến khác. Làm giáo dục cũng giống như sản xuất kinh doanh, chúng ta phải biết “nhập khẩu” khoa học công nghệ từ bên ngoài, phải biết học hỏi mô hình tiên tiến của các nước phát triển, như thế mới có một nền giáo dục phát triển bền vững.

Trong suốt gần hai thập kỷ qua, chúng tôi đã không ngừng học hỏi và đi khắp nơi trên thế giới để vận dụng, chuyển giao các phương pháp giảng dạy tiên tiến từ các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới như Singapore, Hàn Quốc, Canada, Mỹ… nhằm mục đích tìm kiếm những giá trị thật và hướng đi riêng cho mình. Và ngay từ những ngày đầu mới thành lập trường, chúng tôi đã quán triệt tư tưởng và chiến lược quốc tế hóa môi trường đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo thông qua hợp tác quốc tế là hướng đi cốt lõi của riêng mình. Do đó, tính từ khi thành lập đến nay, ĐH Duy Tân đã có quan hệ hợp tác và tạo được mối quan hệ bền vững với rất nhiều trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Hầu hết các chương trình tiên tiến được đưa vào giảng dạy tại Duy Tân đều được chuyển giao từ những trường ĐH có uy tín. Nhờ đó mà ĐH Duy Tân đã tạo nên những chuyển biến khác biệt và được xem là một trong những cơ sở đào tạo chất lượng nhất hiện nay tại VN.

Nếu học phí của ĐH Duy Tân thấp như các trường công lập khác thì không biết số lượng thí sinh đầu quân vào trường sẽ lớn như thế nào. Ngay trong tháng 9 năm 2013, trường của chúng tôi cũng phải dừng tuyển sinh vì số lượng thí sinh đã đủ.

- Với chiến lược quốc tế hóa môi trường đào tạo – đây được xem là mô hình lấy “chất lượng” làm thước đo cho giá trị của “lợi nhuận”. Vậy ông có thể đánh giá một cách khách quan nhất về tác động của mô hình đào tạo này được không ?

Làm giáo dục cũng giống như sản xuất kinh doanh, chúng ta phải biết “nhập khẩu”mô hình tiên tiến của các nước phát triển, như thế mới có một nền giáo dục phát triển bền vững.

Qua quá trình liên kết và hợp tác với các trường đẳng cấp quốc tế, chúng tôi đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý giá. Thứ nhất, họ đã định hướng giúp cho chúng tôi biết cách “đứng trên vai người khổng lồ” thay vì phải mày mò tốn kém nhiều hơn mà không đạt được đẳng cấp nào. Thứ hai, việc các trường đối tác nước ngoài thường xuyên cử giảng viên đến Duy Tân trực tiếp giảng dạy những môn chuyên ngành và tham gia tổ chức nhiều hội thảo chuyên sâu… đã giúp đội ngũ giảng dạy của trường chuyên nghiệp hơn, góp phần cho môi trường làm việc của nhà trường cũng dần được “quốc tế hóa”. Bên cạnh đó, thông qua những hợp tác này, hàng năm trường cũng cử nhiều giảng viên cơ hữu đi tập huấn tại Hoa Kỳ và Singapore để nâng cao trình độ và đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhà trường cũng đã tích cực đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại phục vụ việc học tập và nghiên cứu của SV, đáp ứng yêu cầu từ phía đối tác, nhờ đó chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao.

Cũng nhờ hướng đi đó mà trong hơn 19 năm phát triển, Đại học Duy Tân đã nhanh chóng từ một cơ sở nhỏ bé đã trở thành một trong những trường tư thục có chất lượng đào tạo và lớn nhất VN. Tính đến hết năm 2012, qua 18 năm phát triển, Đại học Duy Tân đã tuyển sinh 6 khóa thạc sĩ với số lượng 700 học viên, 18 khóa đào tạo đại học và cao đẳng với số lượng 45.408 sinh viên, 1 khóa cao đẳng nghề với 500 sinh viên, gần 11.648 học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp và đã có 15 khóa tốt nghiệp, cung ứng cho xã hội 80 thạc sĩ, 26.807 kỹ sư, Kiến trúc sư và Cử nhân. Hiện nay, ĐH Duy Tân của chúng tôi có 840 cán bộ, giảng viên, trong đó giảng viên cơ hữu hơn 600 người có trình độ từ cử nhân đến giáo sư, cơ sở vật chất đầy đủ, đáp ứng nhu cầu đào tạo trên gần 20.000 học sinh, sinh viên và học viên cao học. Hiện trường có 5 cơ sở đào tạo với diện tích trên 4.5 ha tại thành phố Đà Nẵng và đang chuẩn bị đầu tư thuê thêm 30 ha để mở rộng quy mô đào tạo trong những năm tới.

- Xin cảm ơn ông !

La Thành thực hiện

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/chuyen-dong/dai-hoc-duy-tan-loi-nhuan-la-chat-luong-sinh-vien-20131108100426391.htm