Đại gia Trung Quốc Meituan nhắm mục tiêu chinh phục các thị trường mới trong nỗ lực mở rộng quốc tế

Trước đó, Meituan từng rất thận trọng khi thâm nhập thị trường quốc tế, nhưng vị thế thương hiệu ngày càng suy giảm buộc hãng phải có động thái mạnh mẽ hơn…

Năm 2023, PDD Holdings, ông lớn đứng sau thành công của Temu và Pinduoduo, đã soán ngôi Tập đoàn Alibaba trở thành công ty thương mại điện tử có giá trị nhất Trung Quốc. Mặt khác, thu nhập tại nước ngoài của ByteDance hiện chiếm 20% tổng doanh thu nửa đầu năm, trong đó TikTok nổi lên như một “chiến binh" đáng gờm. Dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo mới Jiang Fan, hoạt động kinh doanh quốc tế cũng trở thành một trong số ít điểm sáng trong năm của Alibaba.

Tuy nhiên, giữa làn sóng mở rộng toàn cầu, cái tên Meituan dường như vắng bóng một cách khó hiểu. Từng là gã khổng lồ internet lớn thứ ba Trung Quốc trong thời kỳ hoàng kim, Meituan hiện đã tụt xuống vị trí thứ năm.

Nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi khi nào Meituan mới vượt ra khỏi ranh giới Trung Quốc? Và dường như kế hoạch mở rộng đang bắt đầu có một số tiến triển, theo KrASIA.

TRUNG ĐÔNG - THỊ TRƯỜNG “MÀU MỠ” NHƯNG VẪN NHIỀU THÁCH THỨC

Ông Zhu Wenqian, người đứng đầu bộ phận đầu tư nước ngoài của Meituan, đã thực hiện một số chuyến thăm tới Trung Đông trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm ngoái đến giữa năm nay. Những chuyến thăm không chỉ nhằm tìm hiểu chính sách kinh doanh địa phương mà còn tập trung đánh giá bối cảnh cạnh tranh thị trường giao đồ ăn khu vực.

Vào tháng 5 năm nay, ông Zhu cùng Giám đốc Điều hành Wang Xing, người đứng đầu bộ phận giao hàng tại nhà Wang Puzhong và một số Giám đốc khác thuộc Meituan đã đến thăm Trung Đông, tổ chức nhiều cuộc họp với thành viên hoàng gia Ả Rập Saudi và cơ quan chính phủ. Nguồn tin thân cận cho biết, Meituan đã bắt đầu tuyển dụng Giám đốc Nhân sự để thành lập nhóm hoạt động tại Trung Đông và cân nhắc Riyadh là thành phố thí điểm đầu tiên. Mặc dù vậy, sáng kiến sau đó đã tạm dừng.

Hiện tại, kế hoạch kinh doanh cụ thể và thành phố thí điểm của Meituan ở Trung Đông vẫn chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây đã cho thấy khát vọng toàn cầu của đại gia công nghệ đến từ Trung Quốc.

Phân tích bối cảnh rộng hơn, vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc và Ả Rập đã ký kết 34 thỏa thuận đầu tư. Một số big tech bao gồm Huawei, Tencent, Alibaba, Tập đoàn Xây dựng Kỹ thuật Dân dụng Trung Quốc và CITIC Capital, đã ký thỏa thuận với nhiều doanh nghiệp thuộc đa dạng lĩnh vực tại Saudi.

Mặt khác, chính phủ Ả Rập đã đưa ra bộ quy định vào năm 2021, với mục tiêu ngừng bàn giao hợp đồng chính phủ cho công ty có trụ sở khu vực bên ngoài nước này trước ngày 1/1/2024. Điều này phần nào giải thích việc Meituan cân nhắc hoạt động ở Riyadh.

Thêm vào đó là thông báo mới nhất về chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 30 năm đối với công ty chuyển trụ sở khu vực đến Riyadh. “Điều này thúc đẩy người dân và doanh nghiệp rời khỏi các quốc gia Trung Đông khác, đặc biệt là UAE”, một nhà đầu tư quen thuộc với thị trường Trung Đông khẳng định với KrASIA.

Trong những năm gần đây, Dubai, thành phố lớn nhất UAE, là điểm đến ưa thích của đa số công ty Trung Quốc mong muốn tiến vào Trung Đông do cơ sở hạ tầng phát triển hơn, GDP bình quân đầu người cao và môi trường thân thiện với doanh nghiệp.

Theo Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người tại UAE vào năm 2022 là 54.000 USD, đứng thứ ba Trung Đông, sau Qatar và Israel. GDP bình quân đầu người tại Ả Rập Saudi vào năm 2022 là 30.000 USD. Thuế thu nhập doanh nghiệp ở UAE hiện là 9%, một trong những mức thấp nhất toàn cầu. Được biết, nội bộ Meituan đã coi Dubai là thành phố thí điểm hàng đầu cho kế hoạch mở rộng ở khu vực.

Lấy thị trường giao đồ ăn Dubai làm ví dụ, dự kiến đối thủ chính của Meituan sẽ là Talabat, Careem và Deliveroo. Deliveroo cũng là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn của Meituan tại Hồng Kông, được mệnh danh là “Uber Eats Trung Quốc”.

Trong khi đó, Talabat được hậu thuẫn bởi Delivery Hero, công ty mẹ của Foodpanda. Gã khổng lồ giao đồ ăn đến từ Đức bắt đầu mở rộng sang Trung Đông từ năm 2015 và liên tiếp mua lại nhiều nền tảng địa phương như Talabat, Carriage và hoạt động kinh doanh của Zomato tại UAE. Delivery Hero hiện chiếm khoảng 70% thị trường giao đồ ăn khu vực.

Năm 2022, doanh thu Delivery Hero đạt 9,4 tỷ USD, tương đương 30% doanh thu Meituan cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty cũng đang ở trạng thái thua lỗ, với lỗ ròng khoảng 438 triệu USD.

So với thị trường nội địa, giá trị đơn hàng trung bình ở Trung Đông cao hơn, thường trên 28 USD. Trung Đông và Bắc Phi cũng nằm trong số những khu vực có hoạt động tốt nhất toàn cầu tại Delivery Hero, chiếm ⅓ tổng doanh thu.

Một trong những lý do khiến Meituan do dự, theo nguồn tin nội bộ, là “mối quan ngại về việc liệu khối lượng đơn hàng giao đồ ăn và tốc độ tăng trưởng ở Trung Đông có đáng theo đuổi hay không và liệu thị trường này có mang lại lợi nhuận ngắn hạn hay không”.

Theo Statista, thị trường giao đồ ăn UAE dự kiến sẽ đạt 3,79 tỷ USD vào năm 2028, với số lượng người dùng là 5,5 triệu. Tuy nhiên, so với thị trường nội địa Trung Quốc, quy mô này hoàn toàn lép vế. Vào năm 2022, tổng giá trị giao dịch thực phẩm của Meituan đạt 13,1 tỷ USD và số lượng người dùng đạt 678 triệu.

TIỀM NĂNG CHINH PHỤC ĐÔNG NAM Á

Trước đó, có tin đồn rằng Meituan đang cân nhắc mua lại thương hiệu giao đồ ăn Đông Nam Á Foodpanda, nhưng cuối cùng chọn từ bỏ ý tưởng này: “Nhóm đã nghiên cứu kỹ lưỡng và dự đoán rất khó để hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của Foodpanda có lãi. Giá trị đơn hàng trung bình quá thấp và tốc độ tăng trưởng đơn hàng chậm”, một thành viên thuộc bộ phận đầu tư quốc tế tại Meituan nói với KrASIA.

CEO Wang Xing đã nhiều lần tuyên bố “về việc mở rộng ra nước ngoài, công ty sẽ duy trì thái độ thận trọng”. Tuy nhiên, ông tin rằng “toàn cầu hóa hết sức cần thiết và là một cơ hội to lớn”. Trong báo cáo thu nhập quý III, vị CEO một lần nữa nhấn mạnh công ty không loại trừ khả năng tìm kiếm tăng trưởng nước ngoài.

Kế hoạch mở rộng của Meituan trong những năm gần đây thực sự rất thận trọng. Ngoại trừ việc phát triển hoạt động kinh doanh lưu trú nước ngoài, mọi nỗ lực khác về cơ bản được thực hiện thông qua đầu tư thay vì tham gia trực tiếp.

Trong năm 2018 và 2019, Meituan hai lần rót vốn đầu tư vào Gojek, nền tảng gọi xe đến từ Indonesia. Gojek là một trong những siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á, cung cấp dịch vụ như gọi xe, giao hàng (thực phẩm, bưu kiện và tạp hóa), cũng như thanh toán và dịch vụ tài chính. Trước đó, Meituan đã tham gia dự án tài trợ trị giá 100 triệu USD cho Swiggy, nền tảng giao đồ ăn Ấn Độ. Công ty gần đây cũng công bố hợp tác với đại lý du lịch trực tuyến Agoda nhằm cung cấp dịch vụ đặt phòng khách sạn nước ngoài cho khách du lịch Trung Quốc.

Việc lựa chọn các đối tác có hoạt động kinh doanh cốt lõi tương tự là định hướng trong logic đầu tư ra nước ngoài trước đây của Meituan. Tuy nhiên, so với tham gia trực tiếp, khả năng tác động của hoạt động đầu tư thấp hơn, hạn chế tiềm lực tạo ra nhận thức thương hiệu mới trên thị trường.

“VƯƠN RA BIỂN LỚN" TỪ HỒNG KÔNG

Đến tháng 5 năm nay, Meituan ra mắt KeeTa, dịch vụ đặt đồ ăn mang đi (take away) tại Hồng Kông.

CEO Wang Xing cho biết: “Đây là bước đầu tiên để Meituan vươn ra quốc tế”, đồng thời nhấn mạnh Hồng Kông thích hợp trở thành địa điểm khởi động cho hoạt động mở rộng kinh doanh của Meituan vì văn hóa và thói quen ăn uống tương tự như Trung Quốc đại lục. Tính đến tháng 9, KeeTa đã có mặt tại toàn bộ khu vực Cửu Long và mở rộng sang Đảo Hồng Kông, cung cấp dịch vụ phủ sóng Quận Trung, Quận Tây, Wan Chai và Quận Đông.

Tuy nhiên, một nhân viên kỳ cựu giấu tên cho biết Meituan không phân bổ nhiều nguồn lực cho dự án này và không đặt kỳ vọng cao. Do phí giao hàng cao, tốc độ giao tương đối chậm và ngành cung cấp dịch vụ ăn uống ngoại tuyến phát triển, người dùng Hồng Kông thường không sẵn sàng đặt đồ ăn mang về.

Theo báo cáo từ Measurable AI, trong vòng một tháng kể từ khi ra mắt KeeTa tại Hồng Kông, hãng đã chiếm khoảng 20% thị phần ở Mongkok trước khi rơi vào trạng thái bão hòa và suy thoái. Cũng tồn tại khoảng cách đáng kể giữa KeeTa và một số nền tảng giao đồ ăn địa phương là Foodpanda và Deliveroo.

Bản đồ mô tả phạm vi phủ sóng của KeeTa tại Hồng Kông tính đến ngày 19/9/2023.

Tuy nhiên, đây là nước đi mà Meituan bắt buộc phải thực hiện.

Kể từ đầu năm nay, giá cổ phiếu Meituan đã giảm hơn 50%. Ngoài áp lực từ Douyin, ứng dụng chia sẻ video ngắn tương tự TikTok tại Trung Quốc, nguyên nhân chính khiến hoạt động kinh doanh suy giảm là tác động của suy thoái kinh tế và năng suất kém hiệu quả của Meituan Select, chi nhánh bán lẻ thuộc hệ sinh thái Meituan.

Trong quý III năm nay, khoản lỗ của Meituan dành cho các sáng kiến mới lên tới 700 triệu USD và nhiều nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy lo ngại. Một số cổ đông còn tuyên bố các ý tưởng mới của Meituan đang ảnh hưởng tiêu cực tới mức định giá công ty. Để so sánh, đối thủ cạnh tranh Duoduo Maicai hiện gần như đã đạt điểm hòa vốn.

Rõ ràng, chỉ có mở rộng toàn cầu mới có thể xoay chuyển tình hình.

Tuy nhiên, so với thương mại điện tử, mô hình kinh doanh giao đồ ăn vốn dĩ không nhiều khả năng mở rộng, đồng nghĩa với việc Meituan cần hoạt động hiệu quả cực cao để đảm bảo lợi nhuận. Việc lựa chọn “địa điểm cập bến” cũng rất quan trọng, điều này có thể giải thích tại sao Meituan vẫn chưa tiến hành bất kỳ động thái cụ thể nào.

Quan trọng hơn, dòng tiền hiện tại của Meituan không dồi dào. Dòng tiền do hoạt động kinh doanh tạo ra trong quý III là 1,56 tỷ USD. Đối mặt với cạnh tranh khốc liệt ở thị trường nội địa và chiến lược duy trì khuyến mãi nhằm kích thích tăng trưởng đơn đặt hàng, Meituan chỉ còn nguồn vốn vô cùng hạn hẹp để mở rộng kinh doanh nước ngoài.

Nhưng như ông Zhu Xiaohu, đối tác sáng lập GGV Capital, đã từng khẳng định, “khả năng vươn ra toàn cầu quyết định giá trị các công ty internet Trung Quốc”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, rút lui không phải là lựa chọn sáng suốt dành cho Meituan.

Sơn Trần

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dai-gia-trung-quoc-meituan-nham-muc-tieu-chinh-phuc-cac-thi-truong-moi-trong-no-luc-mo-rong-quoc-te.htm