Đại dự án tái thiết Ukraine và 'bẫy ngọt ngào' mang tên quốc hữu hóa

Không chỉ bế tắc trong một cuộc xung đột quân sự 'ủy nhiệm', Ukraine còn đối mặt cuộc suy thoái kinh tế lớn chưa từng có. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa nguy hiểm bằng việc vướng vào cái 'bẫy ngọt ngào' mang tên quốc hữu hóa.

Đại dự án tái thiết Ukraine và ‘bẫy ngọt ngào’ mang tên quốc hữu hóa. (Nguồn: Atlanticcouncil.org)

“Sự cám dỗ”

Không còn quá sớm để bắt đầu thảo luận về việc tái thiết Ukraine. Trên thực tế, nhiều đề xuất khác nhau, bao gồm cả các ước tính về quy mô của “đại dự án” tái thiết tổng thể đã được bàn tới. Hơn nữa, rõ ràng là việc thực hiện tốt quy trình này sẽ càng cho thấy rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ này đối với tương lai của cả an ninh Ukraine và châu Âu.

Cùng với việc tài trợ cho việc tái thiết, cộng đồng quốc tế cũng phải đảm bảo quá trình này thực sự củng cố Ukraine bằng cách khôi phục lại sức sống kinh tế và nền dân chủ.

Kiev được cho là đã viện dẫn luật thời chiến để quốc hữu hóa một số công ty quan trọng chiến lược bao gồm nhà sản xuất động cơ Motor Sich, công ty năng lượng Ukrnafta và Ukrtatnafta, nhà sản xuất phương tiện AvtoKrAZ và nhà sản xuất máy biến áp Zaporizhtransformator.

Điều này đang khiến người ta suy đoán rằng, có thể sớm được chứng kiến các bước tiếp của Kiev theo hướng tiếp tục quốc hữu hóa những thành phần được cho là quan trọng đối với nền kinh tế Ukraine.

Phải thừa nhận, việc quốc hữu hóa gần đây của Kiev có thể được biện minh do hoàn cảnh đặc biệt của cuộc xung đột quân sự với Nga. Việc quốc hữu hóa trong thời loạn góp phần tăng cường quyền lực của nhà nước. Do đó, người ta có thể “bào chữa” rằng, những vụ tiếp quản như vậy phục vụ mục đích dân chủ, cũng như mục đích quân sự.

Giới quan sát còn nhận định, triển khai quốc hữu hóa trong lúc này, Kiev thu thêm một cái lợi thứ hai, đó là triển khai được chính sách chống “nhóm thao túng chính trị”, vốn là ưu tiên hàng đầu của quốc gia - như tuyên bố của Tổng thống Zelenskyy, nhưng lâu nay vẫn bị coi là “bất khả thi”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, đối với Ukraine, việc quốc hữu hóa lúc này, vừa đúng thời điểm kinh tế đất nước khó khăn, vừa làm suy yếu quyền lực chính trị của “nhóm thao túng chính trị” trong khi tăng cường quyền lực của nhà nước. Trong nhiều thập kỷ, giới siêu giàu Ukraine vẫn được coi là có quyền thao túng không chỉ về kinh tế, mà còn có vai trò chính trị không hề nhỏ.

Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu, nếu Ukraine muốn củng cố nền dân chủ, đồng thời ngày càng hướng tới và trở nên phù hợp với tư cách thành viên EU, tốt hơn hết là nên từ bỏ quyền sở hữu các nhà cung cấp năng lượng và các công ty chủ chốt trong lĩnh vực quốc phòng, viễn thông và truyền thông.

Trong bối cảnh này, điều quan trọng là quốc hữu hóa cần phải diễn ra như một phương sách cuối cùng, khi tất cả các biện pháp pháp lý khác tỏ ra không hiệu quả. Bất kỳ quá trình quốc hữu hóa nào diễn ra đều phải minh bạch. Việc không đáp ứng các điều kiện như vậy có thể khiến Ukraine phải “trả giá đắt”, đặc biệt là khi đề cập việc phân phối kinh phí phục hồi và tái thiết - vốn có khả năng chỉ được “giải ngân” với điều kiện Kiev đáp ứng đủ các cam kết nghiêm ngặt về luật pháp.

Tái thiết thế nào - bài toán hóc búa?

Ngoài ra, còn tùy thuộc vào tình hình thực tế. Điều vô cùng quan trọng là bất kỳ hoạt động quốc hữu hóa nào cũng không thể để vượt quá khả năng quản lý của nhà nước, cả trong thời chiến và thời bình. Vì các quyền tài sản được đảm bảo là một trụ cột thiết yếu của cả nền dân chủ và nền kinh tế thị trường thực sự, Ukraine phải ưu tiên bảo vệ các quyền cơ bản này trước tiên. Hơn nữa, đối với Kiev hiện nay, có thể phải mất một thời gian nữa để khôi phục năng lực nhà nước, tới trình độ có thể quản lý hiệu quả các “đại doanh nghiệp” lớn như thế.

Trên thực tế, nhiều nếu không muốn nói là hầu hết các công ty năng lượng châu Âu đều thuộc sở hữu hoặc nằm dưới sự quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, nếu Kiev không thể quản lý hiệu quả và công bằng các ngành quan trọng của đất nước, thì Ukraine có nguy cơ rơi trở lại sự thống trị của “nhóm thao túng chính trị”.

Nhìn về phía trước, có thể sẽ khôn ngoan hơn nếu khuyến khích các hình thức sở hữu tư nhân và hỗn hợp công-tư trong ranh giới của một nhà nước và cơ quan lập pháp quản lý chặt chẽ. Cách tiếp cận này có thể giúp củng cố quản trị dân chủ và pháp quyền ở Ukraine sau xung đột.

Cùng với việc Ukraine dần dần tuân thủ các yêu cầu của một thành viên EU, cách tiếp cận như vậy có thể sẽ thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn đáng kể và giúp tạo ra tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.

Hiện tại, “sự cám dỗ” bởi các lợi ích mà quốc hữu hóa các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế là rất lớn. Nhưng các nhà chức trách ở Kiev cũng nên nhớ rằng, một khi xung đột với Nga kết thúc và nhiệm vụ tái thiết khổng lồ được đẩy nhanh, việc đáp ứng các điều kiện thành viên của EU sẽ trở nên cấp bách không kém.

Trong bối cảnh này, việc quốc hữu hóa các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Ukraine có thể dẫn dắt đất nước ít thụt lùi hơn, nhưng sẽ làm tổn hại không nhỏ đối với vai trò của nhà nước trong nền kinh tế. Từ đó có thể tạo cơ hội cho sự tái xâm nhập của “nhóm thao túng chính trị” vào nhà nước và tạo sự hồi sinh cho chủ nghĩa tư bản thân hữu.

Không đề cập các vấn đề về chính trị, với sự tồn tại của rất nhiều mối đe dọa đối với đất nước, các nhà lãnh đạo Ukraine hiện đang tập trung vào việc đảm bảo sự sống còn của nền kinh tế quốc gia. Điều quan trọng là đặt nền móng cho giai đoạn phục hồi sau xung đột với Nga, có khả năng liên quan đến các khoản đầu tư quốc tế lên tới hàng nghìn tỷ USD. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận thận trọng đối với các vấn đề quốc hữu hóa và sự cân bằng hợp lý giữa sở hữu công và tư trong các lĩnh vực quan trọng.

Theo giới phân tích, điều quan trọng là các quyết định định hình sự hồi sinh của Ukraine sau xung đột quân sự không dựa trên cơ sở chính trị thuần túy đảng phái. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo phải tính đến sự cần thiết củng cố quản trị dân chủ và tạo điều kiện phù hợp cho nền kinh tế thị trường phát triển dựa trên pháp quyền và đảm bảo quyền sở hữu.

Khi nào làm được điều đó, Kiev sẽ tiếp thêm được sinh lực cho nền kinh tế và củng cố an ninh của đất nước, đồng thời thúc đẩy quá trình hội nhập châu Âu sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tờ Al Jazeera mới đây trích dẫn dữ liệu chính thức, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài sang tháng 11, với sự tàn phá về người và tài sản trên diện rộng, Ukraine đã phải hứng chịu sự suy giảm kinh tế mạnh nhất trong hơn 30 năm vào năm 2022. GDP đã giảm 30,4% trong năm ngoái, theo số liệu sơ bộ do Bộ Kinh tế vừa công bố.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, nguy cơ và sự không chắc chắn vẫn còn cao, đặc biệt nếu Nga tiếp tục nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Tuy nhiên như lời Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko mô tả, sự sụt giảm này ít nghiêm trọng hơn so với dự kiến của họ, dù đây là mức thiệt hại lớn nhất kể từ khi Ukraine giành độc lập vào năm 1991.

(theo Atlanticcouncil, Helsinkitimes)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-du-an-tai-thiet-ukraine-va-bay-ngot-ngao-mang-ten-quoc-huu-hoa-213160.html