Đại diện, bảo vệ đoàn viên - lao động là cốt lõi

Trong 5 năm, hơn 37.000 lượt đoàn viên - lao động được hệ thống tư vấn pháp luật của LĐLĐ TP HCM tư vấn, hỗ trợ pháp lý, trong đó hàng trăm người đã đòi lại quyền lợi chính đáng

Xác định nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ ưu tiên nên suốt nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp Công đoàn TP HCM tập trung hỗ trợ pháp lý miễn phí cho NLĐ. Dù đối diện không ít trở ngại, song một số Công đoàn cấp trên cơ sở đã mạnh dạn khởi kiện ra tòa 10 doanh nghiệp (DN), giúp hàng trăm NLĐ đòi được tiền lương, trợ cấp thôi việc… Một số vụ kiện dù kéo dài nhưng đội ngũ cán bộ Công đoàn đã kiên trì để giúp NLĐ đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Kiên trì đeo bám

Tiêu biểu có thể kể đến việc LĐLĐ huyện Hóc Môn khởi kiện thành công các DN có chủ đột ngột "biến mất", đòi lại quyền lợi cho 506 công nhân (CN).

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, cho biết vụ việc đầu tiên xảy ra tại Công ty TNHH Tasko Vina vào giữa tháng 8-2018, khi chủ DN đột ngột bỏ về Hàn Quốc để lại khoản nợ lương gần 1,7 tỉ đồng của 176 CN cùng hơn 2 tỉ đồng tiền nợ BHXH. Tiếp đó, ngày 5-9-2018, giám đốc Công ty TNHH XNK May Thái Bình Dương cũng đột ngột "biến mất", ôm theo gần 4 tỉ đồng tiền lương và BHXH khiến 161 CN hoang mang. Sự việc tương tự cũng xảy ra tại Công ty TNHH Nam Ho vào đầu năm 2020, chủ DN bỏ về nước khi đang nợ lương hơn 2 tỉ đồng, chưa kể khoản nợ BHXH hơn 7 tỉ đồng của hơn 400 NLĐ.

Cán bộ LĐLĐ quận Tân Bình, TP HCM (bìa phải) hướng dẫn thủ tục khởi kiện cho người lao động .Ảnh: CAO HƯỜNG

Ngay khi nắm bắt tình hình, LĐLĐ huyện Hóc Môn đã cử cán bộ túc trực tại nhà máy, cùng NLĐ ngăn chặn DN tẩu tán tài sản, đồng thời hướng dẫn thủ tục để NLĐ khởi kiện. Ông Phương cho hay: "Do các DN đều vắng chủ, số lượng NLĐ ủy quyền đông nên việc khởi kiện gặp rất nhiều trở ngại, dù vậy đội ngũ cán bộ Công đoàn huyện vẫn quyết liệt đeo bám tới cùng". Thành quả cho sự kiên trì ấy là các vụ kiện đều giành thắng lợi tại tòa, cơ quan thi hành án đã thanh lý tài sản của DN để chi trả một phần quyền lợi cho NLĐ.

Là một trong số CN được LĐLĐ huyện hỗ trợ đòi quyền lợi, chị Thạch Thị Hal, CN Công ty TNHH Nam Ho, bày tỏ: "Thời điểm chủ DN bỏ trốn, tất thảy CN đều lo mất trắng. Thế nhưng, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của tổ chức Công đoàn, chúng tôi đã đòi lại được quyền lợi của bản thân".

Tương tự, các cán bộ LĐLĐ quận Gò Vấp đã kiên trì đeo bám gần 3 năm (từ 2018 đến 2020) để giúp 25 CN Công ty TNHH SX-XNK Hưng Phú (100% vốn Hàn Quốc) đòi lại hàng trăm triệu đồng tiền lương. Kể lại sự việc, ông Phạm Văn Tài, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận, cho biết sau Tết Nguyên đán 2018, khi trở lại làm việc, nhiều CN rất hoang mang vì xưởng đóng cửa, chủ DN không rõ tung tích.

Khi đó, công ty còn nợ hơn 560 triệu đồng tiền lương và BHXH. Ngay lập tức, LĐLĐ quận đã phối hợp với tổ công tác liên ngành quận thống kê tài sản DN và cử người trông coi nhà xưởng để tránh thất thoát. Đồng thời, LĐLĐ quận hướng dẫn CN khởi kiện ra tòa. Vụ khởi kiện được tòa tuyên thắng lợi vào tháng 8 cùng năm và đến tháng 4-2020, cơ quan thi hành án đã hoàn tất thủ tục thanh lý tài sản, chi trả 243 triệu đồng tiền lương cho NLĐ.

Không để công nhân thiệt thòi

Không dừng lại ở việc khởi kiện DN có chủ bỏ trốn, công tác trợ giúp pháp lý cho NLĐ thời gian qua của các cấp Công đoàn cũng được đẩy mạnh.

Sự việc Công đoàn Viên chức TP HCM giúp 10 nữ CN Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức) nhận lại khoản tiền thai sản cùng hàng chục CN của công ty được chốt sổ BHXH vào tháng 8-2022 là minh chứng. Là người đồng hành với NLĐ để đòi quyền lợi, bà Trần Thị Dung, cán bộ chuyên trách Công đoàn Viên chức TP HCM, cho biết ngày 9-6-2022, có 61 NLĐ đã nghỉ việc (từ năm 2019 đến 2022) đến công ty yêu cầu ban giám đốc đóng BHXH để chốt sổ cho họ.

Tuy nhiên, lấy lý do khó khăn, công ty chây ì không thực hiện khiến họ phải tìm đến tổ chức Công đoàn. "Lúc đó, nhiều CN đã gọi điện cho chúng tôi cầu cứu. Có những CN đang có con nhỏ, cuộc sống rất bấp bênh, chạy ăn từng bữa... Vì vậy, chúng tôi đã chủ động thu thập tài liệu, đơn thư của NLĐ để tìm giải pháp hỗ trợ" - bà Dung cho hay.

Với sự vào cuộc quyết liệt của Công đoàn Viên chức TP HCM, đến tháng 8-2022, công ty đã đóng BHXH và trả sổ cho 74 NLĐ với tổng số tiền gần 1,4 tỉ đồng. Nhận được 28 triệu đồng tiền thai sản, chị Lê Thị Thu Hà mừng rơi nước mắt. "Khoản tiền ấy đã giúp tôi vực dậy tinh thần và cuộc sống. Vừa mất việc làm vừa phải nuôi con nhỏ nên tôi vô cùng túng quẫn" - chị Hà bộc bạch.

Không chỉ tham gia giải quyết các vụ tranh chấp tập thể, hệ thống tư vấn pháp luật của Công đoàn TP HCM với đầu tàu là Trung tâm Tư vấn pháp luật thời gian qua còn tích cực hỗ trợ NLĐ trong các tranh chấp cá nhân, hướng dẫn họ xử lý các tình huống pháp lý, tranh tụng tại tòa án. Trong nhiệm kỳ, các cấp Công đoàn đã cử cán bộ tham gia 4.614 cuộc giám sát cùng các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; tổ chức 21.581 cuộc góp ý sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2019, Luật Công đoàn và các văn bản pháp luật mới liên quan NLĐ… với 639.599 cán bộ Công đoàn, NLĐ tham gia.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tư vấn, giải quyết các vướng mắc của đoàn viên, NLĐ, hướng dẫn tập thể NLĐ trong giải quyết tranh chấp, xử lý các tình huống pháp lý, tranh tụng tại tòa án, Công đoàn thành phố đã thành lập 30 tổ tư vấn pháp luật tại cơ sở; thông qua các tổ này và Trung tâm Tư vấn pháp luật đã tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho 37.137 lượt NLĐ.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/dai-dien-bao-ve-doan-vien-lao-dong-la-cot-loi-20230920185939673.htm