Đại biểu Quốc hội: 'Tình trạng thiếu vắc xin có thể dự đoán trước'

Đại biểu Quốc hội công tác trong ngành Y đã có những chia sẻ về tình trạng thiếu vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại nhiều địa phương trên cả nước.

Nguồn cung ứng vắc xin TCMR bị gián đoạn từ đầu năm 2023, khi có thay đổi về cơ chế mua vắc xin. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe trẻ nhỏ khi đến kỳ tiêm vắc xin phòng bệnh.

Tình trạng chung trên toàn quốc

Tình trạng thiếu hoặc gián đoạn vắc xin tiêm miễn phí cho trẻ nhỏ xảy ra từ đầu năm 2023 kéo dài đến nay. Bộ Y tế thừa nhận tình trạng thiếu vắc xin trên quy mô toàn quốc.

Mới đây, trong phiên trả lời chất vấn các đại biểu tại kỳ họp thứ 13 (sáng 7/12), các đại biểu HĐND TP HCM khóa X, Giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng cho biết, hiện hầu như các vắc xin đều hết, vắc xin uốn ván đến giữa tháng 12 cũng hết và vắc xin viêm não Nhật Bản đến giữa tháng 1/2024 sẽ hết.

Còn tại Hà Nội, đến tháng 11/2023 đã có 5/10 loại vắc xin trong Chương trình TCMR không được cấp đủ để tiêm chủng cho trẻ như vắc xin Sởi đơn, Bạch hầu – Ho gà - Uốn ván, Lao, Viêm gan B, Bại liệt dạng tiêm. Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, một số loại vắc xin bị gián đoạn. Cụ thể, vắc xin DPT hết từ tháng 4/2023, vắc xin sởi đơn hết từ tháng 9-2023, viêm gan B hết từ tháng 10/2023. Đối với vắc xin 5 trong 1 còn đủ tiêm chủng đến tháng 12.

'Thiếu vắc xin là tình trạng chung của toàn quốc và Bắc Giang cũng vậy' - đại diện Sở Y tế Bắc Giang chia sẻ.

Trẻ được uống vắc xin Rota tại một trung tâm tiêm chủng vắc xin ở quận Phú Nhuận, TP HCM. Ảnh: Duyên Phan

Thời gian qua, hầu như đã có các văn bản pháp quy để tháo gỡ những vướng mắc của việc mua sắm vắc xin cũng như trang thiết bị, vật tư, thuốc men, nhưng vẫn còn tình trạng thiếu vắc xin, vật tư y tế. mua sắm vắc xin. Bên cạnh đó, cán bộ trực tiếp làm công tác này vẫn còn tâm lý e ngại, sợ sai dẫn tới trì trệ.

Tại hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về chính sách trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023 do Bộ Y tế tổ chức vào chiều 19/12, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vắc xin “5 trong 1” (phòng bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, Hib) thiếu từ tháng 2/-2023 đến nay và vắc xin DPT (phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván) thiếu từ tháng 4/2023. Nhiều vắc xin khác cũng chỉ có thể cung ứng đến hết tháng 10 năm nay. Hiện, tình trạng thiếu vắc xin xảy ra trên quy mô toàn quốc.

Theo đó, kết quả tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trong 10 tháng của năm 2023 trên quy mô toàn quốc chỉ đạt 66,4%. Trong đó, khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ tiêm thấp nhất (đạt 48,6%), tiếp đến là miền Trung với 64,5%, miền Bắc là 67,3% và miền Nam là 69,1%.

Thời gian qua, hầu như đã có các văn bản pháp quy để tháo gỡ những vướng mắc của việc mua sắm vắc xin cũng như trang thiết bị, vật tư, thuốc men, nhưng vẫn còn tình trạng thiếu vắc xin, vật tư y tế. Được biết, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là các địa phương chưa sát sao tổ chức tốt công tác mua sắm vắc xin. Bên cạnh đó, cán bộ trực tiếp làm công tác này vẫn còn tâm lý e ngại, sợ sai dẫn tới trì trệ.

Không để tình trạng thiếu vắc xin tiếp tục kéo dài

Trước tình trạng thiếu vắc xin trong TCMR đang diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, tại kỳ họp thứ 6, trong các phiên họp liên quan đến kinh tế - xã hội, chất vấn, kiến nghị của cử tri đều đề cập đến vấn đề lớn đó là vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, thiếu vắc xin xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Như tại TP HCM cũng diễn ra tình trạng thiếu vắc xin trong Chương trình TCMR.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Thu Phương

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, vẫn còn những vướng mắc về cơ chế, chính sách, mong muốn Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, giám sát, kiểm tra giúp những nơi chưa hiểu, chưa nắm hoặc còn ngần ngại. Đặc biệt, phát hiện những điểm chưa phù hợp, cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, không để tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, vắc xin tiếp tục kéo dài.

Để khắc phục tình trạng hết và thiếu hụt vắc xin trong TCMR, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 5/8 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vắc/xin, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục.

Theo chia sẻ của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM thì việc mua sắm vắc xin, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn đang bị động, đôi khi chúng ta đặt mục tiêu phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng nhưng chưa phục vụ được mục tiêu kịp thời có vắc xin cho người dân. Vì vậy, tình trạng thiếu vắc xin có thể dự đoán trước.

Vị đại biểu này cho rằng, một đồng bỏ ra phòng ngừa bệnh tật quan trọng hơn rất nhiều so với chi phí sau này về khám, chữa bệnh, chưa kể trẻ em có nguy cơ tử vong và mắc các chứng bệnh nguy hiểm khác nếu không được tiêm vắc xin.

Vắc xin trong Chương trình TCMR thiếu, nhưng vắc xin dịch vụ không thiếu mũi nào. Điều này cho thấy, những ách tắc trong khâu đấu thầu, mua sắm vắc xin của cơ quan quản lý Nhà nước, cần sớm được mổ xẻ, rút kinh nghiệm triệt để.

“Vướng mắc nhất hiện nay là ý thức của cơ quan thực thi công vụ với nhiều lý do, bởi đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Trong khi các đơn vị ngoài Nhà nước mua sắm dễ dàng nhưng cơ quan Nhà nước không mua được vắc xin, vì vậy cần tham khảo các cơ chế đơn vị tư nhân áp dụng thành công, bởi mục tiêu cao nhất là cung ứng kịp, đủ các sản phẩm chất lượng cho người dân. Không phải vì lý do phòng chống tiêu cực lại đặt ra các ‘hàng rào’ để gây khó cho hoạt động mua sắm vắc xin” – đại biểu Phong Lan cho hay.

Khám cho trẻ trước khi tiêm vắc xin phòng bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Xuân Lộc

Đại đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị Quốc hội, Chính phủ dành sự quan tâm cho vấn đề thiếu vắc xin. Chính phủ cần coi đây là tình huống cấp bách, để đưa ra các giải pháp có tính đặc thù, đặc cách như tinh thần tại Nghị quyết 80 của Chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19, để mua vắc xin ngay nhằm bảo đảm cho trẻ em được tiêm chủng đúng liều, đúng lịch.

Trước đó, ngày 14/12/2023, tại Bộ Y tế diễn ra lễ bàn giao 490.600 liều vắc xin DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1) do Chính phủ Úc viện trợ thông qua hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF).

Theo thông tin tại lễ bàn giao, nhằm bổ sung vắc xin sử dụng trong Chương trình TCMR, Bộ Y tế đã vận động hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để cung ứng vắc xin 5 trong 1. Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đã có thư gửi Bộ Y tế thông báo Chính phủ Úc viện trợ cho Việt Nam thông qua Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF 490.600 liều vắc xin 5 trong 1 để triển khai trong Chương trình TCMR.

Hoa Tiên

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-trang-thieu-vac-xin-co-the-du-doan-truoc-d202334.html