Đại biểu Quốc hội nói về điểm yếu trong phát triển nguồn nhân lực của nước ta

Thiếu nguồn lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế trọng điểm, ngành kinh tế mới là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận trong phiên họp ngày 1-11.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) đánh giá, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam thời gian qua mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn và các ngành phục vụ kinh tế số. Mặt khác, cơ cấu các ngành đào tạo hiện nay cũng chưa bám sát nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) phát biểu ý kiến.

Việc thiếu lao động chất lượng cao phần nào tác động đến tốc độ tăng năng suất lao động cũng là thực tế được đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) đề cập.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy: Năng suất lao động bình quân năm 2021-2023 tăng 4,36-4,69%; thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016-2018. Trong 3 năm liên tục của nhiệm kỳ này, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cũng không đạt mục tiêu.

Theo một số nghiên cứu, năng suất lao động của nước ta còn khoảng cách khá lớn so với một số nước trong khu vực và các nước phát triển, trong khi việc đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là Chính phủ cần tập trung cải thiện chỉ tiêu quan trọng này, nâng hiệu quả sử dụng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Theo đại biểu, qua giám sát cho thấy Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, tuy nhiên tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ và bằng cấp còn rất thấp; đáng quan tâm là sự thiếu hụt các nhà khoa học sáng tạo, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Đại biểu tỉnh Quảng Bình nhìn nhận, chất lượng đào tạo vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển mới, kinh tế tri thức. “Tình trạng mất cân đối về cơ cấu, trình độ, ngành, vùng miền vẫn là điểm yếu dai dẳng trong phát triển nhân lực của nước ta. Sự bất cập trong đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đặt ra nhiều lần, tuy vậy, kết quả nhiệm kỳ qua theo báo cáo của Chính phủ về đào tạo nguồn nhân lực chưa có chuyển biến rõ nét”, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nói.

Vì vậy, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn các tiêu chí, có giải pháp tổng thể, lâu dài, tương xứng với yêu cầu là khâu đột phá, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Đặc biệt, cần có chính sách mạnh để khuyến khích đổi mới sáng tạo, tập trung nguồn lực cho các ngành có giá trị gia tăng cao, như các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao...

Nguồn nhân lực còn thiếu và yếu trong một số ngành mũi nhọn

Cũng cho rằng con người là yếu tố rất quan trọng quyết định thành bại của mọi chính sách khác, song đại biểu Chamaleá Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) nêu thực tế, việc một số chính sách lớn chậm được triển khai, lúng túng trong thực hiện có nguyên nhân ngoài nguồn lực thực hiện còn hạn chế, thì còn do năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu trong một số ngành mũi nhọn.

Do đó, đại biểu đề nghị cần đầu tư nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào yếu tố con người, quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục và đào tạo.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) phát biểu ý kiến thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) phát biểu ý kiến thảo luận.

Ở góc độ liên quan, đồng tình với nhiều đại biểu về về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) bày tỏ quan tâm đến hạn tồn tại, hạn chế do tổ chức điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao của bộ máy nhà nước. Đại biểu cho rằng cần sớm nghiên cứu sửa đổi pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.

Liên quan đến nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé rất mừng vì thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73 ngày 29-9-2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, đây là nghị định, không thể thay thế, điều chỉnh các quy định của luật. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu sửa đổi pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây cũng là cơ sở để nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; mà trước hết, cần sửa đổi Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức.

ANH PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dai-bieu-quoc-hoi-noi-ve-diem-yeu-trong-phat-trien-nguon-nhan-luc-cua-nuoc-ta-749587