Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng kể về cuộc đối thoại ở Đồng Tâm

"Để giải quyết thấu đáo vấn đề chỉ có thể xuất phát từ đối thoại. Đối thoại là nhu cầu mang tính nội tại chứ không phải do người khác áp đặt".

Vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã lắng dịu sau cuộc đối thoại công khai trên loa phát thanh, giữa Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại diện người dân, ngày 22/4.

Cần nhấn mạnh lại rằng vấn đề đúng - sai liên quan đến diện tích hàng chục hécta ở đồng Sênh cũng như trách nhiệm của tập thể, cá nhân chỉ rõ ràng sau khoảng 40 ngày nữa, khi có kết luận thanh tra trên cơ sở căn cứ pháp lý khách quan. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu điều đó không dễ dàng khi lịch sử khu đất kéo hơn 1/3 thế kỷ (tính từ năm 1980 khi có những quyết định liên quan) và việc tranh chấp đất đai luôn chứa đựng những yếu tố phức tạp.

Vấn đề đặt ra trong vụ việc này chính là sự lắng nghe và thấu hiểu từ cả phía thực thi chính sách và người dân, nhưng vì sao điều đó chưa đạt được trước khi có đối thoại. Đó cũng chính là điều thôi thúc những vị đại biểu Quốc hội như ông Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) và ông Dương Trung Quốc (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) tìm về Đồng Tâm “vì muốn được nghe, được nhìn khách quan” với trách nhiệm của một đại biểu dân cử được Hiến định. Và họ cũng đã ký và điểm chỉ vào bản cam kết tại nhà văn hóa thôn Hoành với mong muốn bản chất vấn đề sẽ được làm rõ.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Bên cơi trầu có 3 điều muốn nói với bà con

Tiếp phóng viên tại nhà riêng ngay sau ngày chứng kiến cuộc đối thoại, ông Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) không giấu được niềm vui khi cuộc đối thoại đã thành công, dù mới là bước đầu nhưng là tín hiệu tích cực. Còn về cá nhân, với tâm thế đại biểu Quốc hội, ông bớt đi nhiều băn khoăn sau khi về thôn Hoành.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ, nghe thông tin Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ra về mà chưa gặp được người dân xã Đồng Tâm trong lần đầu đến huyện Mỹ Đức để đối thoại khiến ông không ngủ được. Nhiều câu hỏi đặt ra chưa có lời đáp rõ ràng thôi thúc ông tự lái xe cùng đại biểu Dương Trung Quốc về “điểm nóng” để hiểu sự việc một cách khách quan.

Qua những phút đầu dò nghi vì thấy người lạ, khi nhận ra đại biểu Quốc hội, người dân thân thiện đón vào nhà, têm cơi trầu thân thiện mời khách cũng như chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của mình.

"Nhìn rộng ra, đây là bài học rất lớn. Có lẽ cần đề nghị giám sát việc sử dụng đất quốc phòng vì dư luận nói rất nhiều về việc lấy đất làm sân golf, chuyển nhượng không đúng mục đích sử dụng. Khái niệm đất quốc phòng phải rõ ràng”.

“Tôi nói ĐBQH không chỉ đại diện cho cử tri trực tiếp bầu ra, theo Hiến pháp và pháp luật, chúng tôi là người đại diện cho nhân dân cả nước. Chúng tôi vào muốn nắm bắt sự thật, muốn thăm các cán bộ chiến sĩ bị giữ và muốn thuyết phục để bà con đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đó là lối thoát rất quan trọng” – ông Nhưỡng kể, đồng thời nhấn mạnh đối thoại được thì tháo gỡ được vấn đề nên ông và đại biểu Dương Trung Quốc khuyên bà con bình tĩnh, không nên để cái sai tiếp diễn, mỗi bên sai một chút mâu thuẫn sẽ thổi bùng ngọn lửa, làm cho ngôi làng yên bình bỗng mất an ninh.

“Chúng tôi hỏi UBND xã, ra đó thì gặp Bí thư Đảng ủy xã – bà Nguyễn Thị Lan. Tôi cũng nói với người dân và các đồng chí lãnh đạo xã là chúng tôi đến là để thực hiện việc giám sát, không phải vì tò mò, dạo chơi mà đến với tâm thế của ĐBQH, cùng dân và chính quyền tháo gỡ, vì lúc này dân mới cần đến chúng tôi”.

Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, đến thực tế mới nhận thấy sự chân thành của người dân, khác với nhiều thông tin mà ông nghe được khi “đứng ngoài”. Tại buổi đối thoại, bà con ý thức rất tuân thủ chứ không nhốn nháo. Họ phát biểu rất trách nhiệm, thẳng thắn. Và điều làm ông cảm động là trong kiến nghị, điều đầu tiên họ không đòi gì mà là nói về cái sai của mình xuất phát từ sự bức xúc rồi xin được tha thứ.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng ủng hộ việc không truy cứu trách nhiệm hình sự và không lo rằng sẽ tạo tiền lệ, bởi “Đồng Tâm là Đồng Tâm, còn cái khác vẫn là cái khác. Người dân có lỗi, nhưng xem xét tất cả yếu tố thì lỗi đó xuất phát từ bức xúc chưa được giải quyết thấu đáo dẫn đến việc có động thái tiêu cực. Đây không phải chính quyền “đồng lõa” với dân để xí xóa câu chuyện phạm tội”.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chứng kiến việc trao thả 19 cán bộ chiến sĩ tại nhà văn hóa thôn Hoành chiều 22/4

Niềm tin xóa bỏ hàng rào vô hình

Đề cập tại sao vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm, không chỉ ở Đồng Tâm mà ở nhiều địa phương khác cũng có tình trạng tương tự, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre thừa nhận, tranh chấp đất đai là vấn đề “nóng”, chiếm tỷ lệ lớn trong các báo cáo, trong đó có tranh chấp giữa cá nhân, gia đình, tổ chức.

Công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu chỉ là một vấn đề, cái quan trọng nhất là lợi ích. Nếu không giải quyết được vấn đề lợi ích thì tất cả tuyên truyền đều không có giá trị, thậm chí càng tuyên truyền lại càng tạo thêm xung đột. Tránh được xung đột về lợi ích thì tránh được xung đột về mặt tư tưởng.

Nhấn mạnh rào ngăn cách nguy hiểm nhất không phải là các chướng ngại

“Ứng xử với dânphải đặt mình vào vị trí của họ. Một Ủy viên BCT khi tâm sự với tôi đã chia sẻ, ông nói các cảnh vệ “đừng có làm gì thái quá, các cậu không bảo vệ được tớ đâu, dân mới là người bảo vệ được lãnh đạo”.

vật mà là “rào tấm lòng, rào vô hình”, ông Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề: “Người dân không tin vì sao? Khi cả hàng nghìn người dân đồng lòng không tin anh thì tức là họ hiểu câu chuyện hoặc anh không đủ uy tín và đủ sức thuyết phục. Họ nói không được tuyên truyền đến nơi đến chốn thì đó là lỗi của ai?”

Do đó, để giải quyết thấu đáo vấn đề chỉ có thể xuất phát từ đối thoại. Đối thoại là nhu cầu mang tính nội tại chứ không phải do người khác áp đặt. Đó vừa là mục tiêu, vừa là cơ sở để đi tiếp, nếu không sẽ là điểm nghẽn. Cuộc đối thoại ở Đồng Tâm chỉ là bước đầu nhưng thành công rất lớn. Sau đó mới có các cuộc thanh tra, giải quyết các bước tiếp theo.

Tại sao người dân hồ hởi khi đón lãnh đạo TP Hà Nội xuống xã? Vì họ được đối thoại. Đây là bài học rất lớn để khi có điểm nghẽn phải đánh giá ngay có đối thoại hay không, đối thoại ở tầm nào, tất cả phải được xem xét một cách nghiêm túc. Tính công khai minh bạch phải thể hiện rõ, nhưng phải là sự minh bạch đó phải đúng bản chất sự thật thì mới tạo được niềm tin. Niềm tin rất quan trọng và phải được xây dựng bằng những thực tế và phải có thời gian./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/dai-bieu-quoc-hoi-luu-binh-nhuong-ke-ve-cuoc-doi-thoai-o-dong-tam-616793.vov